Khi nhắc đến dòng sông Đà, nhiều người chắc hẳn sẽ liên tưởng tới tác phẩm văn học nổi tiếng "người lái đò sông Đà" của nhà văn Nguyễn Tuân được giảng dạy trên ghế nhà trường của nhiều thế hệ. Đặc biệt sông Đà còn nổi tiếng với Nhà máy thủy điện Sơn La, đây là 1 trong những công trình lớn nhất Đông Nam Á.
Từ khi công trình thủy điện tích nước, huyện Quỳnh Nhai nổi lên như 1 điển hình với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng, thuận lợi và phù hợp cho phát triển các loại hình du lịch. Đây có thể coi là lợi thế và tiềm năng thúc đẩy ngành du lịch trên lòng hồ sông Đà phát triển, tạo công ăn việc làm giúp bà con tăng cao nguồn thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn.
Giữa thời tiết se lạnh của mùa đông Canh Tý 2020, chúng tôi có dịp đến tham quan trải nghiệm lòng hồ sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai. Đứng trên cầu Pá Uôn cao nhất Đông Nam Á, nhìn xuống lòng sông Đà xuất hiện những chiếc thuyền của các ngư dân tấp nập ngược xuôi đánh bắt cá rẽ sóng trên mặt hồ xanh biếc, chợt nhận thấy cảnh quan nơi đây bình yên đến lạ thường. Phóng tầm mắt xa xa, thấy những ngọn núi cao sừng sững lô nhô ven sông trông giống như vịnh Hạ Long vậy. Chắc hẳn vì sở hữu cảnh quan tuyệt đẹp tựa "sơn đạp thủy", nên vùng đất nơi đây mới được nhiều du khách ví như là vịnh Hạ Long của Tây Bắc.
Để có chuyến đi đầy ắp sự khám phá và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp làm kỷ niệm trên lòng hồ sông Đà. Chúng tôi tiếp tục lên thuyền du lịch đỗ tại ở chân cầu Pá Uôn, sau đó thuyền sẽ sóng ngược dòng lên vùng đất thuộc xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai). Bồng bềnh theo con nước dưới cái se lạnh của mùa đông miền sơn cước, đôi bờ sông Đà đầy ắp màu xanh của núi rừng in xuống mặt nước trong xanh như ngọc. Cảm nhận của chúng tôi về cảnh sông nước miền sơn cước hùng vĩ và đẹp đến nao lòng.
Những năm gần đây, nhiều du khách đã đến huyện Quỳnh Nhai để trải nghiệm, khám phá những nét đẹp của lòng hồ sông Đà và nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Hiện nay nhu cầu đi thuyền tham quan, du lịch ngắm cảnh trên lòng hồ ngày càng cao, tuy nhiên tại huyện Quỳnh Nhai mới chỉ có vài chiếc thuyền chở khách du lịch, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế khách quan đặt ra. Để tạo động lực mạnh thúc đẩy ngành du lịch huyện Quỳnh Nhai phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đòi hỏi các cấp lãnh đạo huyện cần tập trung nguồn lực hơn nữa để quảng bá hình ảnh vùng đất và con người vùng đất "tựa sơn đạp thủy" đến với du khách thập phương trên cả nước.
Chia sẻ với PV báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh đến từ Nam Từ Liêm, quận Cầu Ciấy (Hà Nội), cho biết: "Để có chuyến đi du lịch cuối tuần thế này, tôi và nhóm bạn bè đã lên lịch cách đây 1 tháng. Khi đặt chân tới vùng đất Quỳnh Nhai này, thứ mà tôi cảm nhận được đầu tiên đó là tình cảm của người dân nơi đây, bà con rất mến khách. Thứ 2 nữa, tôi thấy cảnh quản vùng sông nước rất tuyệt đẹp, những hòn đảo mọc lô nhô giống như vịnh Hạ Long vậy. Cá nhân tôi thấy vùng đất này rất yên bình và thơ mộng. Tôi rất hài lòng với chuyến đi này".
Có thể thấy cảnh quan thiên nhiên là yếu tố thu hút du lịch nổi trội của khu vực lòng hồ ở huyện Quỳnh Nhai, nơi đây mặt hồ trong xanh, phẳng lặng được bao quanh bởi những dãy núi muôn hình muôn vẻ, với những ngôi làng thấp thoáng ven hồ tạo nên một trong những khu vực có cảnh quan hấp dẫn nhất ở miền Bắc. Ngoài ra hệ thống đảo nhỏ cũng là những điểm tham quan, dừng chân hết sức hấp dẫn ở lòng hồ, đặc biệt ở phía thượng lưu của huyện Quỳnh Nhai.
Bên cạnh các giá trị tự nhiên, huyện Quỳnh Nhai còn có các giá trị vô cùng to lớn về tài nguyên du lịch gắn với văn hóa dân tộc, gắn với các bản dân tộc sinh sống tại lòng hồ sông Đà, trong đó nhiều nhất là các bản người Thái. Với nhiều điểm du lịch tâm linh ven hồ sông Đà, là điều kiện để phát triển và hình thành sản phẩm du lịch tâm linh dọc theo lòng hồ, nổi bật như: Đền thờ Nàng Han và Linh Sơn Thủy Từ, cầu Pá Uôn, vịnh Uy Phong và các khu du lịch khác...
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: "Để đưa hoạt động du lịch trên địa bàn huyện phát triển ổn định và chuyên nghiệp, chúng tôi đã và đang thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, điểm dừng nghỉ, liên kết các điểm đến, tạo thành các tour, tuyến du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đầu tư có trọng điểm những khu vực nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng gắn với tuyến đường thủy liên hồ. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch vùng lòng hồ, thu hút các nhà đầu tư, các công ty du lịch. Đồng thời giới thiệu rộng rãi về tiềm năng du lịch đường thủy trên sông Ðà, tới các doanh nghiệp lữ hành và du khách trong và ngoài nước. Có như vậy, tiềm năng du lịch đường thủy trên sông Ðà của huyện mới được khơi dậy, góp phần nâng cao hiệu quả trong phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung đầu tư phát triển hệ thống tàu thuyền du lịch, các dịch vụ du lịch bổ sung trên tuyến đường thuỷ dọc sông Đà. Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của huyện, tránh sự trùng lặp. Ngoài ra chúng tôi còn phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, nhân viên phục vụ trên tàu du lịch".
Với những tiềm năng và các giải pháp trên, tin tưởng rằng trong thời gian tới du lịch lòng hồ sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai sẽ có những bước tiến mới, thành công mới, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quỳnh Nhai nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.