dd/mm/yyyy

Nông thôn Quỳnh Nhai đổi thay từ một chủ trương

Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), phát triển kinh tế - xã hội, huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn và nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai trong suốt 10 năm triển khai XDNTM, diện mạo nông nghiệp, nông thôn mới ngày càng đổi thay rõ rệt. Trở lại huyện Quỳnh Nhai trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận được khung cảnh nhộn nhịp giữa trốn đô thị của huyện vùng cao, nhận thấy cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay.

Những con đường nhựa trải dài phẳng phiu nối trung tâm huyện với các xã vùng cao được sửa chữa và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con các dân tộc giao thương hàng hóa. Vào buổi tối những ánh điện chiếu sáng khắp con đường và những ngôi nhà cao tầng quanh thị trấn. Người dân ai cũng có nhà cửa khang trang, nước sạch và điện dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Kể từ khi XDNTM, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân luôn nỗ lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

Nông thôn mới Quỳnh Nhai ngày càng thêm khởi sắc - Ảnh 1.

Diện mạo nông thôn mới huyện Quỳnh Nhai ngày càng đổi thay rõ rệt.

Tại các tuyến đường liên bản, liên xã ở huyện Quỳnh Nhai đã được bê tông hóa và mở rộng. Nhờ đó, đồng bào các dân tộc khi có việc đến UBND xã không phải đi lại trên những con đường mòn dốc núi như trước nữa. Bên cạnh đó, người dân đã xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ bà con tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể so với những năm trước.

Nông thôn mới Quỳnh Nhai ngày càng thêm khởi sắc - Ảnh 2.

Các công trình giao thông nối các xã với Trung tâm huyện Quỳnh Nhai được nâng cấp và sửa chữa.

Chia sẻ với PV báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: Khi bắt tay vào XDNTM, kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường học, nhà văn hóa bản, kênh mương, thủy lợi… còn thiếu, khiến bà con nhân dân gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, đây chính là lực cản trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của huyện. Tuy nhiên, bằng nhiều nguồn lực và chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các công trình giao thông, trường, trạm tại các xã vùng cao trên địa bàn huyện được làm mới và nâng cấp. Chúng tôi thực hiện kiểm tra thường xuyên, định kỳ 2 tháng/lần đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, kiểm tra đinh kỳ và đột xuất đối với các xã còn lại trên địa bàn huyện. Qua đó, chúng tôi đã kịp thời phát hiện và cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.

Nông thôn mới Quỳnh Nhai ngày càng thêm khởi sắc - Ảnh 3.

Từ khi XDNTM mức sống của bà con các dân tộc ở các bản, xã vùng cao được nâng lên.

Theo ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai: Nhờ triển khai chương trình XDNTM, huyện đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm là cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân đồng lòng cùng chính quyền trong việc triển khai và thực hiện. Để chương trình nông thôn mới đạt kết quả cao, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, giải đáp và nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời đề ra các biện pháp phù hợp. 

 Qua 10 năm XDNTM, diện mạo nông thôn mới và cơ sở vật chất tại các xã trên địa bàn huyện đã có bước phát triển tích cực. Đường giao thông nông thôn đã đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con. Trường, trạm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và học hành của các con em dân tộc. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn các xã và huyện được gìn giữ và phát huy...

Nông thôn mới Quỳnh Nhai ngày càng thêm khởi sắc - Ảnh 4.

Nhiều tuyến đường giao thông được bà con các dân tộc tham gia góp công, hiến đất cùng huyện XDNTM.

Để đạt được những kết quả trên là do ngay từ khi thực hiện, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Quỳnh Nhai đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách xã, bản, tiểu khu. Đồng thời các lãnh đạo huyện chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về XDNTM. Đặc biệt là về mục đích, ý nghĩa, chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, đưa nội dung XDNTM lồng ghép vào các cuộc họp, sinh hoạt định kỳ ở các cấp cơ sở. Với quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến xã, từ xã đến bản, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân ngày càng được nâng cao; tạo sự đồng thuận, tin tưởng, đóng góp trí tuệ, công sức và tài chính cho xây dựng nông thôn mới.

Nông thôn mới Quỳnh Nhai ngày càng thêm khởi sắc - Ảnh 5.

Trường học được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện con em dân tộc yên tâm học tập.

Sau khi hoàn thành di dân tái định cư, do diện tích đất ít và độ dốc cao, các cây nông nghiệp truyền thống như: Lúa, ngô, sắn của nhiều xã trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai cho năng suất thấp, đời sống của bà con các dân tộc ngày càng thêm khó khăn. Nắm bắt được tình hình thực tế đó, các cấp lãnh đạo huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các xã chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tận dụng lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà để thực hiện dự án nuôi cá lồng. 

Ông Lềm Văn Tập, xã Chiềng Bằng, một trong những hộ đã đầu từ vốn chuyển sang nuôi cá lồng như: Diêu hồng, chép, rô phi đơn tính, trắm cỏ, lăng. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, gia đình ông đã thu có nhập và hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi thoát nghèo cho gia đình. Ông Tập cho biết: Tôi có 1 cơ ngơi khấm khá như ngày hôm nay, đầu tiên phải kể đến sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Nhà nước đã làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho chúng tôi vay vốn ngân hàng. Nhờ vậy, mà sản phẩm của gia đình tôi làm ra không bị ép giá, thương lái đến thu mua nhiều hơn. Mỗi 1 năm tôi có lãi khoảng 130 triệu đồng từ bán cá, cuộc sống đã dư giả hơn nhiều so với thời điểm trồng ngô và sắn trước đây".

Nông thôn mới Quỳnh Nhai ngày càng thêm khởi sắc - Ảnh 6.

Đường giao thông được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con di chuyển máy móc phục vụ sản xuất.

Tận dụng lợi thế hơn 10.000 ha lòng hồ sông Đà, huyện Quỳnh Nhai đã tranh thủ nguồn vốn của chương trình 30a để phát triển nuôi cá lồng tại địa bàn 8 xã: Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Cà Nàng, Mường Chiên, Mường Giàng... Nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ việc nuôi cá lồng. Có thể nói, mô hình nuôi cá lồng đang là pháo cứu sinh trong công cuộc giảm nghèo ở các xã vùng cao huyện Quỳnh Nhai. Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai đang khuyến khích phát triển các loài cá đặc sản của sông Đà, nuôi bằng phương pháp sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đến hết 2020 sản lượng thủy sản đạt khoảng 2.500 tấn.

Nông thôn mới Quỳnh Nhai ngày càng thêm khởi sắc - Ảnh 7.

Nhiều năm qua, người dân Quỳnh Nhai đã có thu nhập ổn định từ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà.

Bên cạnh việc nuôi thủy sản, những năm gần đây Quỳnh Nhai đặc biệt chú trọng đến việc tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây ăn quả chất lượng cao vào sản xuất, như: Xoài Đài Loan, Sơn tra, nhãn, bưởi Da Xanh trồng cây trên đất dốc, bước đầu đã mạng lại hiệu quả đáng khích lệ. 

Huyện Quỳnh Nhai còn đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương. Năm 2019, có 1 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh (cá tép dầu sấy khô của HTX Thái Tuấn), 1 sản phẩm đạt 3 sao cấp huyện, chưa tổ chức đánh giá cấp tỉnh (nước mắm Thu Hải của HTX cơ khí Xuân Hải). Phát triển 51 sản phẩm mới, với 2 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã, 17 hộ và nhóm hộ trên địa bàn 11 xã đăng ký tham gia.

Nông thôn mới Quỳnh Nhai ngày càng thêm khởi sắc - Ảnh 8.

Không chỉ tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nuôi cá lồng, huyện Quỳnh Nhai còn tập trung vận đồng người dân trồng ăn quả trên đất dốc.

Tính đến nay trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 57 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 1 Liên hiệp hợp tác xã thủy sản sông Đà Sơn La. Trong đó có 46 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủy sản với gần 7.000 lồng cá, 11 hợp tác xã trồng trọt, 10 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp. Bên cạnh đó, huyện Quỳnh Nhai còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Tiêu biểu như Công ty cổ phần Cơ khí Sơn La đầu tư phát triển hạ tầng du lịch lòng hồ sông Đà; Công ty cổ phần dệt may Sơn La đầu tư dạy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm người dân trong huyện.

Nông thôn mới Quỳnh Nhai ngày càng thêm khởi sắc - Ảnh 9.

Các công trình đường, điiện, nước sạch luôn được huyện Quỳnh Nhai quan tâm đầu tư.

 "Thực hiện đề án giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, huyện đã hỗ trợ 4.888 hộ với tổng kinh phí 38,9 tỷ đồng. Hỗ trợ bò, lợn, dê cho 4.102 hộ nghèo trên địa bàn các xã với số tiền 32,3 tỷ đồng; hỗ trợ 1.091 hộ nghèo xóa nhà tạm với số tiền 6,1 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện hỗ trợ trồng 63,37 ha cây xoài Đài loan trên địa bàn xã Mường Sại và Chiềng Ơn với kinh phí thực hiện hơn 2,5 tỷ đồng.

Để công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, chúng tôi tập trung đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế gắn với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở. Do đó, chúng tôi đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Lập quy hoạch và xây dựng đề án XDNTM trên cơ sở các thế mạnh từng vùng, bám sát các tiêu chí. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo XDNTM của huyện đã về tận các xã nắm bắt, tìm hiểu lợi thế từng xã, từ đó chỉ đạo các xã có phương án thực hiện các tiêu chí đạt hiệu quả cao nhất"- ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai thông tin thêm.

Nông thôn Quỳnh Nhai đổi thay từ một chủ trương - Ảnh 10.

Tận dụng lợi thế mặt nước sông Đà phát triển nghề nuôi cá lồng, đến nay huyện Quỳnh Nhai đã có gần 7.000 lồng nuôi cá các loại...

Nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn thể nhân dân, đến nay huyện Quỳnh Nhai đã trở thành một "điểm sáng" với số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất trong toàn tỉnh Sơn La. Trong tổng số 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới ở tỉnh Sơn La hiện nay, thì huyện Quỳnh Nhai đã có 3 xã Mường Chiên, Chiềng Bằng và Mường Giàng cán đích nông thôn mới.

Tại những cơ sở còn lại của huyện, chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM cũng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, trọng tâm là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của bà con nhân dân. Đến nay, 11/11 xã có đường ô tô đến trung tâm, 11/11 xã, 168/196 bản có điện lưới quốc gia, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện đạt 86%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn gần 17%, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn trên 65%...

Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục tập trung củng cố và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của đồng bào các dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian tới.

Hà Hoàng