Chiều ngày 29/6, tại Nhà hàng suối hẹn vườn đào, phường Quyết Tâm (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), đã diễn ra lễ ra mắt Công ty Cổ phần thương mại Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc (Công ty Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc) và lễ ký kết trồng bơ sáp xuất khẩu với Tổng Công ty Cổ phần Thương mại CDP Toàn Cầu (Công ty CDP Toàn Cầu).
"1ha bơ sáp Mã Dưỡng thu gần 700 triệu đồng"
Trình bày kế hoạch, mục tiêu và quy mô của Công ty Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, bà Trần Thị Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, cho biết: Mục tiêu của công ty là hoạt động xuất khẩu nông sản. Nguyên tắc của chúng tôi là tìm đầu ra xuất khẩu ổn định lâu dài. Sau đó mới tổ chức sản xuất trồng trên diện rộng.
Nói về lý do chọn cây bơ sáp thương hiệu Mã Dưỡng là hướng đi chính của Công ty, bà Hà thông tin: Nhu cầu về thị trường bơ trên thế giới là rất lớn. Những năm tới, sẽ mở ra một thị trường rất lớn ở Trung Đông và các nước Asean cho sản lượng bơ sáp. Triển vọng phát triển cho cây bơ phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh Sơn La. Cây bơ được nghiên cứu rất phù hợp với điều kiện khí hậu, chất đất của vùng Tây Bắc. Hiện, quả bơ sáp thương hiệu Mã Dưỡng phát triển tại vườn của ông Dương Mã Dưỡng. Với diện tích 8,5ha bơ, mỗi năm ông Dưỡng thu gần 10 tỷ đồng. Cây bơ bố mẹ có tuổi thọ 20 năm, được ông Dưỡng phát triển và đạt 5 năm thương hiệu Asean.
Chia sẻ về cách thức triển khai, bà Hà cho biết thêm: Công ty Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc liên kết với các đối tác công ty theo hình thức chuỗi cung ứng sản phẩm. Với đối tác là nhà cung cấp cây giống, phân bón, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, Công ty liên kết với Công ty CDP Toàn Cầu cung cấp toàn bộ cây giống đạt chất lượng, thương hiệu Mã Dưỡng từ tỉnh Bình Phước. Hỗ trợ phân bón, kỹ thuật, ký hợp đồng bao tiêu đầu ra toàn bộ sản phẩm trong quá trình cây bơ ra quả và không hạn chế về số lượng.
Đối với bà con nhân dân các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Công ty Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm quả bơ sáp thương hiệu Mã Dưỡng trong suốt quá trình cây bơ ra quả và cũng không hạn chế số lượng với bà con nông dân.
Mục tiêu của Công ty Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc giai đoạn năm 2020 - 2024, phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 1.000ha tại 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Năm 2024 trở đi sẽ thu hoạch bảo quản về Công ty CDP Toàn Cầu để phục vụ xuất khẩu.
Năm 2025, Công ty CDP Toàn Cầu sẽ xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ bơ tại tỉnh Hoà Bình. Vùng nguyên liệu đến năm 2024 đạt 1.000ha tại các tỉnh Tây Bắc. Sản phẩm đầu ra của quả bơ năm 2024, ước đạt 5.000 tấn mỗi năm. Năm 2025, ước đạt 28.000 tấn. Năm 2026, sản lượng ước đạt 70.000 tấn và năm 2027 trở đi ước đạt 100.000 tấn.
"Sau khi trừ chi phí cây giống, chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật, từ năm thứ 5 trở đi, 1ha bơ sáp Mã Dưỡng thu về gần 700 triệu đồng. Cây bơ cho thu hoạch từ 30 năm – 40 năm. Với sản lượng lớn như vậy, ước tính năm 2025, Công ty Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc thu về 100.000 tấn bơ, phục vụ cho thị trường xuất khẩu trên thế giới. Trong đó, có những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Trung Đông, Trung Quốc.
Chúng tôi xây dựng vùng nguyên liệu trồng và sản xuất bơ sáp theo quy trình khép kín và chặt chẽ đảm bảo 4 nguyên tắc. Các nguyên tắc đó là giống phải là giống F1; phân bón vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật; kỹ thuật cắt tỉa, vun gốc; thu hoạch đúng, đủ sản lượng. Dự án trồng và khai thác cây bơ sáp thương hiệu Mã Dưỡng sẽ mang đến cho bà con các tỉnh Tây Bắc một cuộc sống thịnh vượng, ấm no", bà Hà nói.
Nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân
Theo ông Bạch Văn Linh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Thương mại CDP Toàn Cầu, ban lãnh đạo Công CDP Toàn Cầu xác định phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là định hướng, chiến lược của Đảng, Nhà nước. Từ năm 2016, công ty đã đưa ra các mô hình khảo nghiệm tại miền Bắc bằng việc phát triển các cây mang tính chất lâu dài, bền vững và phù hợp với xu thế tiêu thụ sản phẩm của thị trường trong nước và quốc tế. Trong quá trình đó, công ty đã tìm được một giống cây rất phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở phía Bắc Việt Nam. Đó chính là cây bơ sáp.
Ông Linh cho biết: "Với cây bơ sáp Mã Dưỡng, chúng tôi đã có thương hiệu Asean 5 năm nay. Và đã được các nước châu Âu tiếp nhận. Hiện tại, Công ty CDP Toàn Cầu đang có các thị trường quốc tế như: Mỹ, Israel, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển với quy mô lớn, chúng tôi đã ký hợp đồng độc quyền tại miền Bắc để phát triển thương hiệu bơ sáp Mã Dưỡng.
Công ty CDP Toàn cầu vui mừng khi được hợp tác với các hợp tác xã, các doanh nghiệp, cá nhân ở phía Bắc để phát triển thương hiệu bơ sáp Mã Dưỡng. Đặc biệt, được ký kết hợp tác với Công ty Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc. Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng Công ty Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc sẽ cùng với Công ty CDP Toàn Cầu sẽ phát triển một diện tích bơ sáp lớn tại các thị trường Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình".
Hiện, Công ty CDP Toàn Cầu đã xây dựng một chuỗi các công ty con ở thị trường quốc tế như: Mỹ, Israel, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, với mục đích là nằm trong chuỗi phát triển của CDP Toàn Cầu.
Ở thị trường trong nước, Công ty CDP Toàn Cầu đã bắt đầu xây dựng và quảng bá bơ sáp Mã Dưỡng. Hình thức quảng bá là mở chuỗi nhà hàng đưa thương hiệu bơ sáp đến với người tiêu dùng. Đến nay, sản phẩm bơ sáp đã được Công ty CDP Toàn Cầu chế biến trên 200 món ăn. Trong đó, có trên 10 món ăn là đặc sẽ triển khai tại Hà Nội. Đây là một trong những việc giúp cho bơ sáp Mã Dưỡng phát triển thương hiệu. Đồng thời, khẳng định được vị thế của quả bơ trong thị trường Việt Nam và quốc tế.
Vị lãnh đạo Công ty CDP Toàn Cầu thông tin: Hiện, tổng diện tích bơ sáp các hợp tác xã, công ty đã đăng ký với Công ty CDP Toàn Cầu là 13.780ha. Con số này đã lớn hơn vựa bơ thế giới Mexico. Tính đến thời điểm này, Mexico có chưa đầy 10ha bơ. Mục tiêu và kế hoạch trong 5 năm tới của Công ty CDP Toàn Cầu là trở thành doanh nghiệp số 1 tại Việt Nam về xuất khẩu nông nghiệp.
Khi xây dựng nhà máy chế biến, Công ty CDP Toàn Cầu sẽ có 2 sản phẩm chính đó là bột bơ đông lạnh và tinh dầu bơ chiết suất từ vỏ bơ và hạt bơ. Như vậy, quả bơ không bỏ một thứ gì cả. Giá trị của tinh dầu bơ gấp 7 – 10 lần so với bột bơ đông lạnh.
Cũng theo ông Linh, trong 4 thị trường Mỹ, Israel, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, tính riêng thị trường Israel, trồng bơ cả Việt Nam này chưa đủ cung ứng cho Israel. Hiện, Công ty CDP Toàn Cầu kết hợp với ông Dương Mã Dưỡng xuất sang các thị trường này mới đang là giới thiệu và quảng bá sản phẩm chứ chưa đủ cung ứng, đủ nhu cầu của thị trường quốc tế.
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế trong những năm tới, ông Linh cho rằng: Trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động về vấn đề lương thực. Khi xã hội càng phát triển thì con người càng chú ý hơn, quan tâm hơn về vấn đề sức khoẻ. Và bơ là một trong những sản phẩm đáp ứng các yêu cầu đó.
"Theo dự tính của Công ty CDP Toàn Cầu, đến năm 2025, doanh số xuất khẩu của công ty sẽ lên đến hàng triệu tấn. Công ty CDP Toàn Cầu cũng đã test chất lượng của quả bơ thì thấy rằng quả bơ trồng ở Tây Bắc ngon hơn ở miền Trung và miền trong. Tây Bắc có lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp với cây bơ", ông Linh nói.
Ông Linh mong muốn, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành của tỉnh Sơn La tạo điều kiện tốt nhất để Công ty Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc và Công ty CDP Toàn Cầu phát triển vùng nguyên liệu. Mục tiêu công ty hướng tới là nâng cao thu nhập bền vững, ổn định cho người nông dân.