dd/mm/yyyy

“Thủ lĩnh” của nông dân nơi miền biên viễn

Đó là anh Lò Văn Thơm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Và (huyện Sốp Cộp, Sơn La). Anh Lò Văn Thơm được cấp ủy, chính quyền nơi đây đánh giá là năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc và là một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế.

Sinh năm 1983, anh Lò Văn Thơm không những là cán bộ Hội Nông dân nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc mà còn là gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu trên mảnh đất miền biên viễn khó khăn. Đó là những thông tin phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt đã tiếp nhận được từ lời giới thiệu của lãnh đạo Hội Nông dân huyện Sốp Cộp khi giới thiệu về anh Thơm.

“Thủ lĩnh” của nông dân nơi miền biên viễn - Ảnh 1.

Theo anh Thơm, trồng cam Nà Mòn cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng cây ngô, sắn.

Rời trung tâm huyện Sốp Cộp, chúng tôi tìm đến nhà anh Thơm. Bản Nà Mòn nằm cách trung tâm huyện khoảng 15 km. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, tuyến đường từ trung tâm huyện đến bản Mường Và đã được nhựa hóa. Mất khoảng 30 phút, chúng tôi có mặt tại bản Nà Mòn. Hỏi nhà anh Thơm, người dân bản Nà Mòn không ai là không biết đến anh. Bà con gọi anh Thơm là "thủ lĩnh" của nông dân, bởi anh không chỉ năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc mà còn là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi ở bản.

Anh Thơm tâm sự: Trước đây, ở vùng đất biên giới này cuộc sống của bà con rất khó khăn. Nhờ có sự quan tâm đầu tư kịp thời của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây đang ngày một khởi sắc. Cấp uỷ, chính quyền các cấp luôn đồng hành cùng người nông dân trong lao động, sản xuất. Người dân được cán bộ nông nghiệp, Hội Nông dân, khuyến nông từ huyện đến xã hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

“Thủ lĩnh” của nông dân nơi miền biên viễn - Ảnh 2.

Nhờ trồng cam Nà Mòn, nhiều năm liền, hộ gia đình anh Thơm đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Là người đứng đầu tổ chức Hội Nông dân ở cơ sở, anh Thơm hiểu rõ cuộc sống khổ cực của bà con. Anh luôn trăn trở tìm cách giúp đỡ bà con tìm hướng đi mới để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Để nêu gương cho người nông dân, anh Thơm đã tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi cây lương thực sang trồng cây cam Nà Mòn.

“Thủ lĩnh” của nông dân nơi miền biên viễn - Ảnh 3.

Để tạo dựng uy tín cho khách hàng, anh Thơm luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc cam theo hướng an toàn.

Anh Thơm kể: Thông qua các lớp tập huấn trồng cây ăn quả của Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2014, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn, sang trồng 70 gốc cam Nà Mòn. Ngoài kiến thức được tập huấn, tôi còn lên mạng internet, đọc sách báo để tiếp cận thêm tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cam.

“Thủ lĩnh” của nông dân nơi miền biên viễn - Ảnh 4.

Anh Thơm chia sẻ: So với trồng ngô, trồng cam nhàn hơn rất nhiều mà hiệu quả kinh tế cũng cao hơn hẳn.

Chia sẻ kỹ thuật trồng cam Nà Mòn với chúng tôi, anh Thơm cho biết: Trước khi trồng, tôi bón lót phân chuồng ủ hoai mục. Sau khi trồng cần tưới nước ngay cho cây, để giữ ẩm và giúp cây nhanh chóng đâm rễ mới. Khi cây bắt đầu phát triển từ tháng thứ 2, tháng 3 trở đi tiến hành bón thúc phân đạm, phân lân để bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Từ năm thứ 3, cây bắt đầu cho bói quả, khoảng tháng 6, tháng 7, tiến hành bón thêm phân chuồng, NPK để cây đâm hoa kết trái. Sau khi thu hoạch xong, bón phân chuồng, đạm, lân để phục hồi cho cây. Để phòng trừ sâu bệnh, tôi dùng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép để phun. Mặt khác, tôi thường xuyên cắt tỉa, tạo tán để hạn chế sâu bệnh cho cây.

Nhờ chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, sau 3 năm trồng, vườn cam Nà Mòn của anh Thơm bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2019, anh Thơm xuất bán được 3 tấn cam Nà Mòn. Với giá 30.000 đồng/kg, anh Thơm thu được 90 triệu đồng. Vụ năm nay, anh Thơm dự kiến thu khoảng 100 triệu đồng.

“Thủ lĩnh” của nông dân nơi miền biên viễn - Ảnh 5.

Anh Thơm còn đầu tư hệ thống phun sương để tưới nước cho diện tích cam của mình.

"So với các loại cam khác, cam Nà Mòn có ưu điểm quả to, mọng nước, vị ngọt, vỏ rất dễ bóc như quýt. Đây là giống cam có nguồn gốc ở bản Nà Mòn nên rất khác so với cam ở các vùng khác. Bởi vậy, mấy năm trở lại đây mỗi khi đến vụ cam thương lái từ Sốp Cộp, Sông Mã đánh xe vào tận vườn thu mua. Do sản lượng còn ít nên lượng cam của gia đình không đủ để cung cấp cho thương lái. Hiện, tôi đang mở rộng thêm diện tích trồng cam Nà Mòn lên khoảng 1 ha", anh Thơm cho biết thêm.

“Thủ lĩnh” của nông dân nơi miền biên viễn - Ảnh 6.

Nhờ đầu tư hệ thống phun sương tưới cho từng gốc cam, nên anh còn tiết kiệm được thời gian chăm sóc cho cây vào mùa khô.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lường Văn Độ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sốp Cộp cho biết: Anh Thơm là một cán bộ Hội Nông dân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam cho bà con. Nhờ vậy, nhiều hộ dân ở Mường Và đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu. Ngoài ra, anh Thơm còn tuyên truyền, vận động hội viên nông dân xã Mường Và tham gia đóng góp khoảng 1.700 ngày công, hiến trên 7.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn.

“Thủ lĩnh” của nông dân nơi miền biên viễn - Ảnh 7.

Ngoài trồng cam Nà Mòn, để nâng cao thu nhập, anh Thơm còn nuôi thêm hàng trăm con gia cầm và hàng chục con gia súc.

Với những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của mình trong công việc, cũng như trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", gia đình anh Thơm đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2015 - 2020 cấp tỉnh. Trong dịp gặp mặt kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2020) và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến tỉnh Sơn La lần thứ III, tổng kết 5 năm phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi giai đoạn 2015 - 2020, anh Thơm đã vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Sơn La.

Tuệ Linh