dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Quyết tâm thoát nghèo ở xã biên giới Mường Sai

Tại xã biên giới Mường Sai (Sông Mã, Sơn La), nỗ lực xóa đói, nghèo trên vùng đất này được khởi nguồn từ việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở...


Những “nhân tố” giúp dân thoát nghèo ở Mường Sai

Mường Sai - xã Biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La

Do đặc điểm tự nhiên, người dân ở các vùng biên giới, khó khăn trong việc phát triển kinh tế, tìm hướng thoát nghèo, chính vì vậy mà xóa đói, giảm nghèo vùng biên giới là một nhiệm vụ chiến lược không chỉ có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn đặc biệt quan trọng trong vấn đề bảo đảm quốc phòng-an ninh từ thế trận lòng dân. Xã biên giới Mường Sai câu chuyện xóa đói, giảm nghèo trên vùng đất này đã được khởi nguồn từ việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Con đường giúp dân thoát nghèo ở Biên giới Mường Sai - Ảnh 2.

Xã biên giới Mường Sai là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: Lê Đức

Trao đổi với phóng viên, ông Tòng Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Mường Sai là xã biên giới, toàn xã có 1.100 hộ với trên 4.800 nhân khẩu, xã có 13 bản và 4 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Đây là xã biên giới còn nhiều  khó khăn về kinh tế, trình độ dân trí không đồng đều, địa hình đồi núi, đặc biệt là đồi núi dốc, khó khăn trong việc canh tác và sản xuất. 98% đồng bào là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo cao.

Mường Sai xóa bản trắng đảng viên

Những năm qua, Đảng ủy xã Mường Sai cùng với cấp ủy các cấp kiên trì vận động, bám bản, bám dân để phát triển đảng. Nhưng đến năm 2018, Đảng bộ xã Mường Sai vẫn còn một bản chưa có chi bộ. Đó là bản Co Đứa, bản người Mông có nhiều hộ gia đình sinh hoạt tôn giáo. Không để bản Co Đứa thiếu chi bộ đảng, Đảng ủy xã Mường Sai đã có nhiều bàn biện pháp thành lập Chi bộ bản Co Đứa.

Với 60 hộ dân, gần 400 nhân khẩu, bản Co Đứa được ví là bản có nhiều cái "nhất", kinh tế khó khăn nhất, theo đạo nhiều nhất, địa bàn khó tìm nguồn kết nạp đảng viên nhất. Để Chi bộ bản Co Đứa được thành lập cũng không đơn giản, đó là cả quá trình tuyên truyền, vận động để đồng bào nơi đây hiểu về vai trò lãnh đạo của Đảng để rồi từng bước thay đổi nhận thức.

"Trong suốt nhiệm kỳ qua, về công tác phát triển Đảng khối chính trị luôn được Đảng ủy quan tâm, đặc biệt là công tác củng cố chính trị. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần phải có giải pháp, cần phải có kế hoạch cụ thể và lâu dài và trọng tâm là thành lập các chi bộ và phát triển đảng viên tại Đảng bộ. Trong những năm qua Đảng ủy cũng đã ban hành kế hoạch, để cụ thể hóa công tác phát triển đảng viên. Những chi bộ mà ít đảng viên, đặc biệt là bản Co Đứa là bản trắng đảng viên, Đảng ủy đã phân công một đồng chí thường vụ để phụ trách riêng bản này" ông Việt cho hay.


Con đường giúp dân thoát nghèo ở Biên giới Mường Sai - Ảnh 3.

Chi bộ bản Co Đứa, xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La họp triển khai nhiệm xây dựng nếp sống văn hóa. Ảnh: Lê Đức

Cùng với tuyên truyền, vận động, Đảng ủy xã lựa chọn đảng viên không phải người tại chỗ để thành lập chi bộ lâm thời, đó là những đảng viên được tăng cường xuống cắm bản, là giáo viên, lực lượng nghiệp vụ đang làm nhiệm vụ trên địa bàn. Đến nay bản Co Đứa đã thành lập được chi bộ với 7 đảng viên. Điều đáng mừng là có 2 đảng viên là con em của bản và là người theo đạo, tin Đảng.

Ông Việt cho biết: "Trong công tác xóa bản trắng đảng viên tại bản Co Đứa, Đảng ủy cũng gặp không ít khó khăn, thứ nhất là về trình độ dân trí phát triển không đồng đều. Thứ hai nữa là công tác tuyên truyền của hệ thống chính trị từ xã đến, công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn như là đường đi lại còn khó khăn, địa hình hiểm trở, đặc biệt bà con nhân dân theo tôn giáo chiếm số đông. Bằng nhiều giải pháp và cách thức để tiếp cận, để tuyên truyền thì anh em chúng tôi đã thành lập nhiều tổ công tác và trực tiếp một đồng chí phụ trách. Anh em chúng tôi đã gặp gỡ, tuyên truyền và bằng nhiều giải pháp như là đưa một số chương trình dự án để đầu tư, vận dụng sự quan tâm của Đảng và nhà nước"

Ông Giàng A Tỏ, Bí thư chi bộ bản Co Đứa, xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chia sẻ: Từ khi thành lập được chi bộ đến nay thì sự nhận thức của bà con, đặc biệt là của cán bộ đảng viên trong đảng, ý thức của các đồng chí được nâng lên. Người ta cũng hiểu được tầm quan trọng của thành lập Đảng bộ, thành lập chi bộ sẽ đưa được đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các phương pháp làm ăn kinh tế đến cho nhân dân. Thì nhân dân cũng rất tin tưởng và cũng rất vui mừng đến việc thành lập được chi bộ.

Mường Sai thay đổi tập tục sản xuất, xóa hủ tục, xóa đói nghèo

Co Đứa đã có Chi bộ, chính điều đó đã khẳng định quyết tâm, không để các bản làng thiếu ánh sáng của Đảng. Làm thế nào để gỡ đói nghèo ở Co Đứa tiếp tục là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương, số hộ hộ nghèo cao cứ gắn chặt với bản Co Đứa. Dù đã đạt nhiều tiêu chí trong số 19 tiêu chí nông thôn mới nhưng tư duy sản xuất và điều kiện tự nhiên khiến Co Đứa không sao thoát được nghèo.

Chi bộ bản Co Đứa cũng xác định chỉ có phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng cao thì mới thay đổi được ý thức của họ. Không ai khác, đảng viên gương mẫu chính là người đi đầu, là hạt nhân gắn kết, hỗ trợ; chi bộ lãnh đạo sáng tạo, vận dụng tốt chính sách dân số, xóa đói, giảm nghèo đưa bản phát triển.

Ông  Giàng A Tỏ, Bí thư chi bộ bản Co Đứa, xã Mường Sai, huyện Sông Mã cho hay: "Để có phương pháp giúp đỡ cho bà con nhân dân, qua các cuộc họp dân, qua  các cuộc họp chi bộ thì chúng tôi mời các thành phần, các cán bộ bản và một số đại diện như một số hộ dân làm ăn kinh tế giỏi của bàn để cùng họp, cùng sinh hoạt chung với nhau để trau dồi các phương pháp, các kinh nghiệm làm ăn để chủ yếu là giúp đỡ bà con có thể phát triển kinh tế"

Con đường giúp dân thoát nghèo ở Biên giới Mường Sai - Ảnh 4.

Xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La tăng cường vận động, tuyên truyền cho bà con về chuyển đổi cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Đức

Để thay đổi tập tục sản xuất, hơn thế là xóa hủ tục, xóa cái nghèo trong tư tưởng vẫn tồn tại đâu đó của người dân nơi đây, không chỉ một cánh tay biểu quyết giơ lên là xong, mà cả một quá trình. Bởi xuất phát điểm của Co Đứa rất thấp và với đặc tính của người Mông, sinh sống ở địa bàn hiểm trở phức tạp, chủ yếu là đồi núi có độ dốc cao, đường giao thông đi lại khó khăn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đời sống, kinh tế còn thiếu bền vững.

Theo chia sẻ của Đại úy Vừ Quyền Mua, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La nhận nhiệm vụ làm Phó bí thư Đảng ủy xã Mường Sai, Cũng là người dân tộc Mông, anh Mua hiểu người Mông mình cũng khát khao hiểu biết, trọng việc học hành, luôn muốn tìm cái mới. Nhưng hoàn cảnh tự nhiên không cho phép, sống ở nơi đồi núi khô cằn, quanh năm chỉ trông vào một vụ lúa, một vụ ngô nên cái đói, các nghèo vẫn đeo bám. Bởi vậy, khi về với Co Đứa  sự gần gũi với nhân dân, để nói cho dân hiểu, làm cho dân tin là cách làm của người lính biên phòng này.

Đại úy Mua chia sẻ "Muốn làm tốt thì theo tôi gần gũi bà con là làm tốt nhất, nếu mà để nói về sách, lý luận bằng nghị quyết thì cũng khó. Nhưng mà theo tôi, đối với tôi sống ở đây thì cách tốt nhất phải bằng thực tế, cơ bản phải biết tiếng mới gần gũi được, sau đó bắt đầu mới củng cố và hướng dẫn cho bà con làm ăn phát triển kinh tế"

Con đường giúp dân thoát nghèo ở Biên giới Mường Sai - Ảnh 5.

Nhiều dự án về cơ sở hạ tầng đã được đầu tư cho Mường Sai. Ảnh: Lê Đức

Con đường bê tông trải dài cùng với dự án điện được đầu tư gần 20 tỷ đồng uốn lượn quanh những sườn đất dốc đang xanh lên những gốc cà phê, đi vào bản cho thấy quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền xã Mường Sai trong việc đẩy lùi đói nghèo lạc hậu ở vùng đất 100% đồng bào dân tộc Mông và chính những đảng viên với vai trò đầu tàu đang dần mang lại màu xanh ấm no cho vùng đất này.

Anh Giang A Dạy, bản Co Đứa, xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chia sẻ "Cán bộ đảng viên đã phát huy vai trò người đi đầu, nỗ lực để phát triển kinh tế, thay đổi cây trồng vật nuôi. Trước đây, bản chúng tôi chỉ trồng ngô, trồng sắn, hiệu quả kinh tế thấp và bây giờ đã trồng được các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, qua đó thì đời sống của người dân trong bản cũng thay đổi hơn"

Sức sống mới trên vùng biên cương Mường Sai

Đến nay, Đảng bộ xã Mường Sai có 17 chi bộ, hoàn thành việc xóa bản trắng đảng viên. Nhờ những chi bộ thôn, bản luôn đóng vai trò tiền phong trong lãnh đạo nhân dân các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà xã biên giới Mường Sai đã  giảm tỷ lệ hộ nghèo được từ 3 đến 4% mỗi năm. Cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc đoàn kết vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Ông Tòng Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Về Công tác phát triển Đảng gắn với công tác xóa đói giảm nghèo, sau khi thành lập các chi bộ gắn với Đảng bộ, công tác tuyên truyền và vai trò của người đảng viên trong công tác tuyên truyền vận động bà con xóa đói giảm nghèo rất là quan trọng, trong thời gian qua cũng qua những buổi quán triệt chỉ thị, nghị quyết cấp trên.

Mỗi đồng chí đảng viên rất là gương mẫu, tuyên truyền bà con và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, để cùng bà con thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo. Hiện này có một số mô hình đảng viên trẻ làm ăn phát triển, làm kinh tế giỏi, để lan tỏa đến các tổ chức, đến các bản khác để quần chúng học hỏi và làm theo.

Con đường giúp dân thoát nghèo ở Biên giới Mường Sai - Ảnh 6.

Đảng ủy xã Mường Sai họp triển khai các nhiểm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Ảnh: Lê Đức

Trao đổi với phóng viên, ông Thào A Sử, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sông Mã, tỉnh Sơn La chi biết: Cán bộ đảng viên ở cơ sở là lực lượng có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cũng như là xóa bỏ các tập tục lạc hậu ở các địa bàn.

Trong những năm, gắn liền với việc phát triển Đảng ở các địa bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng đảng viên ở đó. Với vai trò đi đầu của cán bộ đảng viên ở cơ sở thì cũng đã trở thành tấm gương giúp cho nhân dân trong việc phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo, cũng như là xóa bỏ các tập tục lạc hậu.

Thực tế cũng khẳng định, nơi nào mà cấp ủy quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các đảng viên phụ trách từng hộ một thì ở đó đời sống của nhân dân cũng từng bước được cái thiện và nâng lên.

Con đường giúp dân thoát nghèo ở Biên giới Mường Sai - Ảnh 7.

Cuộc sống của người dân xã Mường Sai, huyện Sông Mã đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm theo từng năm. Ảnh: Lê Đức

Kết quả xóa đói nghèo ở Mường Sai hôm nay có được là nhờ sự nỗ lực xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở. Từ đó, giúp cho việc triển khai, thực hiện nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước đi sâu vào đời sống người dân vùng biên Sông Mã, Sơn La.

Đổi thay trên vùng biên cương Mường Sai hôm nay đã khẳng định, khi ánh sáng của Đảng soi đường đói nghèo, lạc hậu mới từng bước lùi xa, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Thành công ấy càng làm sáng rõ hơn một điều: Khi Đảng hiểu lòng dân, dẫn dắt người dân vượt khó sẽ tạo được niềm tin và động lực khơi dậy khát khao vươn lên xây dựng bản làng no ấm.


Văn Ngọc