dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Bà Hồm làm giàu từ mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo

Nhờ nuôi đàn trâu, bò từ gầy lên béo, người phụ nữ dân tộc thái bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh sơn la thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo chân cán bộ hội Nông dân xã Cò Nòi, chúng tôi đến thăm gia đình bà Lò Thị Hồm, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đúng lúc bà đang cho đàn trâu, bò của gia đình ăn, được tận mắt nhìn đàn trâu trong giai đoạn vỗ béo chuẩn bị xuất bán, con nào con nấy đều chắc.

Chuồng nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình bà Hồm được xây dựng bằng gỗ, xi măng sạch sẽ, thoáng mát và có khu vực xử lý chất thải. Bà Hồm chia sẻ: Trước đây, gia đình bà chỉ chăn thả 1 đến 2 con trâu, bò, chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, lấy sức kéo. Nhưng khi thấy nhu cầu thị trường về thịt trâu, bò ngày càng cao. Cùng với việc học hỏi từ các mô hình nuôi trâu nhốt chuồng cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương khác. Gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuồng trại, đầu tự trâu, bò giống bắt đầu nuôi trâu, bò theo hình thức nhốt chuồng từ năm 2015.

Người phụ nữ Thái làm giàu từ mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo - Ảnh 1.

Nuôi trâu, bò vỗ béo nhốt chuồng dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, chỉ sau vài tháng chăm sóc là có thể xuất bán. Ảnh: Văn Ngọc

Vừa nhanh tay băm cỏ làm thức ăn cho đàn trâu, bò bà Hồm vừa chia sẻ: "Để chủ động nguồn thức ăn hàng ngày cho đàn trâu, bò gia đình tôi trồng thêm gần 1 ha cỏ voi và tích thêm rơm rạ, ủ cây ngô, ngọn mía trong kho làm thức ăn dự trữ. Vì vậy nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò luôn được bảo đảm, không lo thiếu, kể cả trong suốt mùa đông lạnh giá".

Người phụ nữ Thái làm giàu từ mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo - Ảnh 2.

Chị Lò Thị Hồm, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cắt ngon mua làm thức ăn cho đàn trâu, bò của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Cách nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình bà Hồm rất đơn giản và hiệu quả. Hàng ngày cho đàn trâu, bò ăn 2 lần, sáng và chiều cỏ tươi kết hợp thức ăn tinh như cám, bột ngô bổ sung vitamin. Bên cạnh đó, việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ được gia đình bà chú trọng.

Bà Hồm cho biết: Khi ủ thức ăn cho trâu, bò, bà ủ luôn vào bao và chia luôn theo khẩu phần, ăn bữa nào lấy bữa đấy, không để thức ăn bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của đàn trâu. Có thời điểm, gia đình bà ủ được hàng tấn thức ăn, đủ để đàn trâu ăn cả năm. Đặc biệt, nuôi trâu, bò vỗ béo phải tuân thủ nghiêm việc tìm ngừa vacxin phòng bệnh định kỳ theo khuyến cáo ngành chuyên môn địa phương.

Với kỹ thuật nuôi trâu, bò vỗ béo chuẩn, khoa học nên đàn trâu của gia đình bà Hồm lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá, có con bán với giá trên 50 triệu đồng.

"Trong một năm, gia đình tôi bán trâu thành 3 đợt, mỗi đợt bán từ 6-7 con trâu đã vỗ béo, bình quân mỗi con bán được từ 45- 55 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 150 triệu đồng", bà Hồm chia sẻ.

Người phụ nữ Thái làm giàu từ mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo - Ảnh 3.

Nuôi trâu vỗ béo nhốt chuồng hàng ngày cho ăn 2 lần, sáng và chiều kết hợp cỏ tươi thức ăn tinh như cám, bột ngô bổ sung. Ảnh: Văn Ngọc

Cùng với chăn nuôi trâu, bò thương phẩm, gia đình bà Hồm đã tận dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ chăm sóc vườn cây ăn quả, vườn rau màu. Năm 2017, gia đình bà đã đầu tư trồng gần 1.000 cây ăn quả và các loại cây rau màu.

Người phụ nữ Thái làm giàu từ mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo - Ảnh 4.

Chất thải chăn nuôi sẽ được ủ làm phân hữu cơ tưới bón, chăm sóc vườn cây ăn quả, vườn rau màu. Ảnh: Văn Ngọc

Nhờ cần cù chịu khó và biết tận dụng lợi thế về đất đai, cùng lòng quyết tâm làm giàu và ham học hỏi, mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng của gia bà Lò Thị Hồm rất đáng để  học tập, nhân rộng. Ðây cũng là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trâu, bò của huyện Mai Sơn đang đem lại hiệu quả cho nông dân.

Trong thời gian tới, để phát triển đàn trâu, bò bền vững và ổn định hơn, ngành nông nghiệp huyện Mai Sơn kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng liên kết với người nuôi để cấp con giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra trâu bò cho nông dân. Từ đó thúc đẩy phát triển chăn nuôi trâu, bò ở huyện một cách bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới.


Văn Ngọc