dd/mm/yyyy

Người thay đổi Pha Luông - Vùng đất hoang sơ, nghèo đói

Bản Pha Luông (Sơn La) trước kia chỉ là rừng tre, rừng nứa và cây thuốc phiện, thì đến nay là nhà cửa, hàng quán, trường học, đường bê tông chạy dài, đan xen là những mảnh vườn, thửa ruộng xanh mướt...

Clip: Người thay đổi Pha Luông - Vùng đất hoang sơ, nghèo đói đến những đổi thay

Người đổi thay Pha Luông 

Bản Pha Luông nằm hun hút, sâu trong những dãy núi ngút ngàn của xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ít ai biết, bản làng có cái tên gắn với một địa danh nổi tiếng trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng lại mới chỉ được thành lập 32 năm. 32 năm ấy, Pha Luông đã đi từ hoang sơ, nghèo đói đến những đổi thay cơ bản và toàn diện. Và cũng 32 năm ấy, đổi thay của Pha Luông luôn có hình bóng của người trưởng bản tận tâm, trách nhiệm, ông Sồng A Tủa.

Từ thị trấn huyện Mộc Châu, chúng tôi về bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn. Đón chúng tôi, ông Sồng A Tủa, trưởng bản Pha Luông niềm nở kể cho chúng tôi nghe về quá trình đổi thay của Pha Luông, ông chậm rãi nói: Năm 1986, khi ấy ông vừa tròn 20 tuổi đã vén cây, xuyên rừng, lặn lội từ quê hương của vợ chồng A Phủ, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên xa xôi, sang tận Mộc Châu để khai hoang, lập nghiệp.

Năm 1989, vùng đất mới này đã đã thu hút được 42 hộ dân toàn bộ là đồng bào Mông đến sinh sống. Đủ điều kiện, bản Pha Luông được thành lập, ông được bà con tín nhiệm bầu là trưởng bản đầu tiên của Pha Luông.

"Có lo thì lo rồi. Lúc đấy một là không biết chữ, hai là không học hành gì cả. Lúc đấy mình cũng mới hơn 20 tuổi. Năm 1989, khi ấy tôi đã lấy vợ, có một đứa con rồi, tôi được bầu làm trưởng bản. Lúc đấy tôi đang trẻ lắm, không biết chữ nhưng mà có năng lực nên hăng hái lắm. Mình là người gương mẫu làm ăn, phát triển kinh tế nên cấp trên và dân bản cho mình làm trưởng bản từ hồi đó đến bây giờ", trưởng bản A Tủa hào hứng chia sẻ.

Người thay đổi Pha Luông - Vùng đất  hoang sơ, nghèo đói - Ảnh 2.

Với sự liều lĩnh và nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông ông Sồng A Tủa cùng vài hộ dân người Mông đã rời bản cũ, đi xa hàng trăm km, tìm được một chốn định cư tít trên đỉnh núi xa của cao nguyên Mộc Châu. (Ảnh: Lê Đức)

Pha Luông khi đó hoang sơ và nghèo đói. Đồng bào vẫn giữ thói quen phá rừng làm nương nhưng cái ăn cũng chẳng đủ mà đất mỗi ngày một bạc. Đời sống bà con cơ cực, cây thuốc phiện trở thành một trong những loại cây cho thu nhập tốt nhất lúc đó. Cũng vì trồng nhiều thuốc phiện nên rất nhiều gia đình ở Pha Luông có người nghiện ma túy - Pha Luông được xác định là điểm nóng về ma túy lúc bấy giờ. 

Ông Tủa chia sẻ: Tệ nạn ma túy là từ năm 1986 – 1995 là mọi người trong bản hút thuốc phiện rất nhiều, trong bản nhà nào cũng hút thuốc phiện, có nhà hai vợ chồng đều hút. Phải vận động từng nhà một, cứ một tháng họp một lần là phải không cho hút thuốc phiện, phải bắt đầu mở mang ruộng nước lấy thức ăn, nghiện hút thì vất vả. Tất cả bản đều nghe hết

Nhà nước khi ấy cũng bắt đầu có chủ trương kêu gọi người dân không phá rừng bừa bãi. Trưởng bản Tủa là người đầu tiên động viên bà con thay đổi tập quán, thói quen sản xuất. Vận động bà con để khai hoang ruộng.

"Bắt đầu từ năm 2004, bản Pha Luông bắt đầu làm ruộng, khai hoang ruộng. Bà con lúc đó đồng ý 100% cả bản, bắt đầu là ai có nương bằng bằng ở đâu là khai hoang ruộng luôn, còn chỗ nào có ruộng thì phải mua để làm ruộng. Hiện nay là nhà nào cũng có thóc ăn rồi, đói cũng không có" ông Tủa chia sẻ.

Anh Giàng A Tồng, bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu chia sẻ: Ông cha chúng tôi trước đây được ông Tủa vận động khai hoang, làm ruộng. Cái gì không biết thì ông Tủa chỉ. Rồi đến chúng tôi bây giờ được trồng lúa trên những mảnh ruộng này thấy biết ơn lắm.

Người thay đổi Pha Luông - Vùng đất  hoang sơ, nghèo đói - Ảnh 3.

Sau khi ổn định cuộc sống người dân bản Pha Luông phát triển kinh tế bằng việc khai hoang trồng lương thực, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc. (Ảnh: Lê Đức)

Sắc xanh trên Pha Luông

Năm 2004, sau khi được Nhà nước vận động, bà con nhất trí di chuyển nhà ở xuống thấp, gần với đường giao thông chính. Để 82 hộ dân của bản đồng tính nhất trí, công lớn vận động cũng nhờ trưởng bản Sồng A Tủa. Trước những đóng góp không biết mệt mỏi, ông Tủa vinh dự được kết nạp vào Đảng trở thành Đảng viên đầu tiên của Pha Luông.

"Năm 2004 vào đây thì 2006 vào Đảng. Cảm thấy thay đổi nhiều cái, mình biết nhiều hơn, mình mới tuyên truyền cho dân làm ăn phát triển được, không vào Đảng thì mình không biết nhiều, vào Đảng là mình học hành nhiều và mình biết nhiều hơn. Biết là kinh tế phát triển, thứ hai là luật của nhà nước là không được phá rừng hay thuốc phiện, đủ các kiểu là mình biết, mình hiểu được thì mới tuyên truyền cho nhân dân phát triển được" ông Tủa chia sẻ.

Nếu như trước đây, suy nghĩ của trưởng bản Tủa chỉ đơn giản là giúp người dân của mình không đói, có cái ăn, cái mặc, không nghiện hút thì từ khi trở thành Đảng viên, ông Tủa lại khao khát giúp bà con của mình làm giàu.

Thực hiện chủ trương của tỉnh là chuyển đổi trồng cây lương thực sang trồng cây ăn quả trên đất dốc cho hiệu quả kinh tế cao, trưởng bản Tủa đã đến từng nhà để tuyên truyền vận động bà con trồng cây ăn quả. Để bà con nghe và tin, ông Tủa gương mẫu thực hiện đầu tiên. Nhiều diện tích trồng lúa, ngô của gia đình, được ông chuyển đổi sang trồng chanh leo rồi sau là trồng nhãn, xoài, sơn tra. Chỉ một vài năm, kinh tế gia đình đã đổi thay lớn

Khi bà con đã trồng cây theo mình, ông lại đến tận vườn để hướng dẫn bà con cách bón phân, chăm sóc. Sự nhiệt tình của ông đã làm thay đổi nhận thức của người dân bản Pha Luông. Đến nay, mỗi hộ ở Pha Luông cũng có từ 1000-2000m2 trồng cây ăn quả, cả bản có trên 30 ha chủ yếu là Sơn Tra và Chanh leo.

Ông Giàng A Của, bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, chia sẻ: ông trưởng bản bảo là trồng ngô thì giống, phân nó đắt mà giá ngô thấp thì không đủ tiền trả phân, giống. Trưởng bản bảo chuyển sang trồng Chanh leo không mất công nhiều, không đầu tư nhiều mà bán lại có giá nên gia đình tôi chuyển sang trồng Chanh leo. Năm nay, thì bắt đầu trồng chanh leo 200 gốc, chưa biết cách trồng thì ông trưởng bản bảo là lá già tỉa đi quả to mới bán được.

Người thay đổi Pha Luông - Vùng đất  hoang sơ, nghèo đói - Ảnh 4.

Đến nay, mỗi hộ ở Pha Luông cũng có từ 1000-2000m2 trồng cây ăn quả, cả bản có trên 30 ha chủ yếu là Sơn Tra và Chanh leo. (Ảnh: Lê Đức)

Điều bất ngờ hơn cả là song song với quá trình vận động bà con chuyển đổi sản xuất, năm 2015, trưởng bản Sồng A Tủa đặt vấn đề với xã Chiềng Sơn xin xi măng, rồi vận động bà con đóng góp công sức và hơn 1 tỷ đồng để hoàn thiện 3,2 km đường bê tông.

Năm 2019, đường hoàn thành, xe ô tô đã có thể lên tận bản. Nhờ có con đường, Pha Luông nay không còn xa xôi, việc mua bán nông sản của đồng bào Mông ở Pha Luông cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Cả vùng Pha Luông trước đây chỉ là rừng tre, rừng nứa, đồi núi nhấp nhô thì đến nay là nhà cửa, hàng quán, trường học, đường bê tông chạy dài, đan xen là những mảnh vườn, thửa ruộng xanh mướt. Pha Luông từ chỗ gần như cả bản đều nghiện thuốc phiện, ma túy thì giờ chỉ còn 2,3 người đang đi cai nghiện. Nếu như năm 2017, cả bản có 82 hộ thì có đến 32 hộ nghèo, giờ chỉ còn có 6.

Đến nay Pha Luông hiện có 60ha ruộng bậc thang, 80ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là sơn tra đã cho thu hoạch; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, nhà ít có từ 5-6 con trâu bò, nhà nhiều 10-15 con. Bản chỉ còn 6 hộ nghèo, không có hộ cận nghèo.

Có gia đình sở hữu nhiều đồi xoài, nhãn, sơn tra với hàng nghìn cây cho thu hoạch, ao cá rộng hàng nghìn mét vuông, 12 con trâu, bò và nhiều gia cầm, thu nhập trung bình mỗi năm từ 250 - 300 triệu đồng.

Người thay đổi Pha Luông - Vùng đất  hoang sơ, nghèo đói - Ảnh 5.

Thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng/người/năm, có hộ thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, cuộc sống đang từng ngày ổn định và phát triển. (Ảnh: Lê Đức)

Pha Luông của tương lai

Bắt đầu từ trưởng bản Sồng A Tủa là Đảng viên đầu tiên ở Pha Luông, đến nay, chi bộ bản đã được thành lập với 4 đảng viên. 3 đồng chí trong chi bộ đều là đảng viên trẻ và xuất thân từ những quần chúng ưu tú, được chính Trưởng bản Sồng A Tủa chỉ bảo, dìu dắt và giới thiệu vào Đảng.

Đảng viên Giàng A Của, Chi bộ Bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu chia sẻ: Rất cảm ơn đồng chí Tủa, một trưởng bản có khả năng tốt làm việc của một trưởng bản. Đồng chí quan tâm và chấp hành, giới thiệu cho chúng tôi đi học lớp cảm tình Đảng. tôi cũng học được nhiều từ đồng chí, học được tinh thần trách nhiệm của đồng chí, gần dân sát dân, chỉ đạo cho dân và giúp những khó khăn, vướng mắc của các bản, tiểu khu, của bà con nhân dân.

Đối với trưởng bản Sồng A Tủa, những đảng viên trẻ trong chi bộ nói riêng và thế hệ trẻ trong bản nói chung, chính là những kỳ vọng, gửi gắm của ông cho tương lai của Pha Luông.

"Mình phải huy động trẻ phải đứng lên phát triển Đảng để sau này bản còn được nhờ. Như anh em mình sau này phải nghỉ chứ, người khác phải phát triển Đảng và còn lên làm thay thì mới dễ làm ăn được. Làm mãi làm sao làm được, thì mình cứ phải động viên cho người trẻ học hành mà phát triển Đảng, càng nhiều Đảng là càng hiểu nhiều hơn, càng làm ăn được", ông Tủa chia sẻ.

Người thay đổi Pha Luông - Vùng đất  hoang sơ, nghèo đói - Ảnh 6.

Nếu như năm 2017, cả bản Pha Luông có 82 hộ thì có đến 32 hộ nghèo, giờ chỉ còn có 6 nghèo. (Ảnh: Lê Đức)

Ông Phan Thanh Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La Cho biết: Trong cái đổi thay của bản Pha Luông thì gắn với cuộc đời của đồng chí Tủa, là một người trưởng bản, đồng chí đã có tư tưởng tiến bộ. Luôn đi trước đón đầu cho người dân và làm gì cũng đặt lợi ích của nhân dân lên trên.

Quá trình hình thành và phát triển của bản Pha Luông đến nay gắn với cả thanh xuân và gần như là cả cuộc đời của trưởng bản Sồng A Tủa. Những bước chân vén cây, đạp rừng mà đi của chàng thanh niên trẻ người Mông năm nào, giờ đã là những bước chân thênh thang trên mảnh đất quê hương mới trù phú, ấm no và hạnh phúc. 

Văn Ngọc