dd/mm/yyyy

Sơn La: Bỏ trồng ngô, sắn, nông dân đem nhãn lồng Hưng Yên về trồng thử và cái kết bất ngờ

Bà Lò Thị Tâm, bản Hượn, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) đã mạnh dạn đưa giống nhãn lồng Hưng Yên về trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo chân cán bộ xã Chiềng Đông đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình bà Lò Thị Tâm, bản Hượn, đúng thời điểm bà đang chăm bón cho cây, sau một mùa vụ bội thu.

Đôi bàn tay nhanh nhẹn, thoăn thoắt với chiếc cuốc vun xới cho những gốc nhãn của gia đình, thấy khách, chị Tâm dừng tay, tâm sự: Trước kia vùng đồi này là rừng cây lâu năm, cỏ dại um tùm, gia đình tôi đã cải tạo vùng đất này để trồng ngô, sắn thế nhưng chỉ được một vài năm đất bạc màu, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

Sơn La: Bỏ trồng ngô, sắn nông dân đem nhãn lồng Hưng Yên về trồng thử và cái kết bất ngờ - Ảnh 1.

Nhãn lồng Hưng Yên quả ngọt thanh, cùi dày, hạt nhỏ, được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Văn Ngọc

Quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới, sau khi đi thăm quan một số mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc ở một số địa phương khác. Đồng thời, nghiên cứu trên các kênh tivi, mạng internet, sách, báo... nhận thấy giống cây nhãn lồng Hưng Yên là cây có ưu điểm nhất để trồng thay thế. 

Năm 2014 với số vốn tiết kiệm của gia đình, cùng với số tiền vay mượn từ anh em họ hàng chị mua 500 gốc nhãn để nhân rộng diện tích, phát triển kinh tế. Chị Tâm là người đầu tiên đưa giống nhãn lồng Hưng Yên về  trồng tại xã Chiềng Đông.

Chị Tâm, cho biết: So với các giống nhãn khác như nhãn xuồng, nhãn cùi thì cây nhãn lồng Hưng Yên từ khi trồng đến lúc cho quả có thời gian ngắn hơn, chỉ khoảng 3 năm. Trong quá trình chăm sóc, tôi nhận thấy cây nhãn lồng Hưng Yên khá phù hợp với thời tiết, khí hậu ở đâu.

Sơn La: Bỏ trồng ngô, sắn nông dân đem nhãn lồng Hưng Yên về trồng thử và cái kết bất ngờ - Ảnh 2.

Bà Lò Thị Tâm, bản Hượn, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La bón cho cây nhãn của gia đình bằng phân hoai mục. Ảnh: Văn Ngọc

Một trong những yếu tố giúp chị Tâm thành công đó là chị đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và học hỏi kinh nghiệm từ các hộ dân trồng nhãn đi trước.

Mỗi vụ nhãn sau khi thu hoạch xong, chị Tâm tập trung cắt tỉa cành, tạo tán, bón phân. Mỗi gốc nhãn, chị sử dụng phân NPK loại chuyên dùng cho cây ăn trái và phân hữu chuồng ủ hoai mục bón cho cây, phun sâu bằng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học.

Sơn La: Bỏ trồng ngô, sắn nông dân đem nhãn lồng Hưng Yên về trồng thử và cái kết bất ngờ - Ảnh 3.

Mô hình trồng nhãn lồng Hưng Yên của chị Tâm đã mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp gia đình chị nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Chị Tâm chia sẻ thêm: Quá trình sinh trưởng nhãn lồng Hưng Yên rất ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, cây phát triển nhanh. Đặc biệt, khi cây nhãn đậu trái, chất lượng trái ngọt thanh, cùi dày, hạt nhỏ, được khách hàng ưa chuộng. 

Sơn La: Bỏ trồng ngô, sắn nông dân đem nhãn lồng Hưng Yên về trồng thử và cái kết bất ngờ - Ảnh 4.

Bà Lò Thị Tâm, bản Hượn, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La tưới nước cho cây nhãn của gia đình bằng nước giếng khoan. Ảnh: Văn Ngọc

Nhờ thực hiện đầy đủ các yếu tố kỹ thuật, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, quả nhãn chị làm ra đều có thương lại đến tận vườn thu mua, gia đình chị không phải lo đầu ra. Mỗi vụ nhãn lồng, gia đình chị thu về hơn 10 tấn, bán với giá 20 - 30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chi thu được hơn 150 triệu đồng. 

Sơn La: Bỏ trồng ngô, sắn nông dân đem nhãn lồng Hưng Yên về trồng thử và cái kết bất ngờ - Ảnh 5.

Sau khi thu hoạch, số lượng nhãn sẽ được thương lái đến thu mua tận vườn. Ảnh: NVCC

Mô hình trồng nhãn lồng Hưng Yên của chị Tâm đã mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp gia đình chị nâng cao thu nhập. Ngoài ra, mô hình cũng đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu.



Văn Ngọc