dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Trồng dâu tây Hana trên núi nông dân thu tiền tỉ mỗi năm.

Lão nông vùng Nông thôn Tây Bắc thu về hơn 1 tỷ đồng/vụ/năm nhờ trồng dâu tây Hana trên vùng cao Sơn La.

Đưa dâu tây Hana về vùng đất khô cằn

Về vùng đất bạc màu, thời tiết khắc nhiệt, lúc nắng nóng khô hạn, lúc mưa lạnh thấu xương ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, nơi được mệnh danh là thủ phủ của cây ngô, cây sắn, cây mía…

Vì thời tiết Sơn La khắc nghiệt, đất đai thì bạc màu, đồng vốn hạn hẹp... nên phần lớn người dân nơi đây đang "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để chăm bón cho cây ngô, cây sắn của gia đình, mong được một mùa thành công.

Nhưng trong vườn dâu tây Hana hơn 1,5 ha của ông Nguyễn Văn Nam, tiểu khu Tân Thảo, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chúng tôi thấy được sự thành công của chủ vườn qua sự lao động nghiêm túc của những nhân công chăm sóc, thu hái dâu bên trong khu vườn.

Sơn La: Trồng dâu tây Hana trên núi nông dân thu tiền tỉ mỗi năm. - Ảnh 1.

Hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với canh tác cây trồng truyền thống, song trồng cây dâu tây đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Ảnh: Văn Ngọc

Chúng tôi gặp được anh Nam trong lúc anh đang cùng nhân công thu hái dâu tây để kịp giao cho khách. Anh Nam kể: "Thời gian trước tôi đi lái xe, thu nhập với mức lương 8-10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên nghề lại xe cũng vất vả, nay đây mai đó, tôi quyết định trở về nhà đầu tư vào trồng dâu tây. Thời điểm tôi bỏ công việc lái xe về nhà trồng dâu tây, nhiều người thân bạn bè cũng can ngăn nhưng tôi vẫn quyết tâm làm đến cùng"

Ban đầu, ai cũng nghĩ rằng chỉ có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt mới trồng được dâu tây. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thử nghiệm thì anh Nam đã thành công từ việc cho giống dâu Hana sống trên vùng đất đồi, khô cằn, bạc màu như vùng đất Cò Nòi.

Sơn La: Trồng dâu tây Hana trên núi nông dân thu tiền tỉ mỗi năm. - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Nam, tiểu khu Tân Thảo, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đang chăm sóc vườn dâu tây gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

“Mới đầu tôi trồng thử nghiệm 600m2 dâu tây, gặp khá nhiều khó khăn, do chưa có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc. Tôi chọn phải giống dâu chua, sản phẩm làm ra không bán được. Để khắc phục những hạn chế đó, tôi lên mạng internet tìm các loại giống dâu tây khác, nhất là kỹ thuật chăm sóc để áp dụng vào vườn dâu tây của gia đình. Bên cạnh đó, tôi lắp đặt hệ thống nước tưới tự động, chăm bón bài bản. Nhờ vậy, vườn dâu tây của gia đình tôi luôn xanh tốt và cho quả chất lượng” anh Nam nói.

Theo anh Nam, trồng dâu tây khâu quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của dâu tây, đó chính là khâu chọn giống. Cây giống phải khỏe mạnh mới có khả năng đề kháng bệnh cao. Khi làm đất phải xử lý đất, đảm bảo độ tơi xốp.

Trong quá trình chăm sóc dâu tây, để đạt năng xuất, cũng như chất lượng quả tốt nhất, anh Nam sử dụng các loại phân vi sinh, phân hữu cơ và kết hợp với phân chuồng để chăm bón cho dâu tây. Mỗi ngày anh tưới nước từ 2 - 3 lần, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Nhờ tuân thủ, bảo đảm được các yếu tố trên, cây dâu tây gia đình anh sinh trưởng và chất lượng quả cao. 

Sơn La: Trồng dâu tây Hana trên núi nông dân thu tiền tỉ mỗi năm. - Ảnh 3.

Giống dâu tây Hana quả to, mọng, thơm ngon được trồng thành công ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Ảnh: Văn Ngọc

Dâu tây Hana sạch giúp nông dân thành tỷ phú

Toàn bộ diện tích vườn dâu tây của anh Nam được trồng theo hướng VietGAP, nên chất lượng quả luôn đảm bảo ngon, sạch. Với đặc điểm quả đỏ, mọng, thơm ngon, giống dâu tây Hana của gia đình anh được nhiều khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao.

Hằng năm cứ đến vụ thu hoạch quả, được đông đảo khách hàng và tiểu thương từ các tỉnh dưới xuôi đến tận vườn thu mua. Cùng với đó, sản phẩm dâu tây của anh được các cửa hàng thực phẩm sách, siêu thị ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh… ký hợp đồng bao tiêu.


Sơn La: Trồng dâu tây Hana trên núi nông dân thu tiền tỉ mỗi năm. - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Văn Nam, tiểu khu Tân Thảo, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thu hái dâu tây để giao cho khách. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Nam, cho biết: “Tôi trồng dâu tây không dùng chất bảo quản và hóa học, trồng theo hướng VietGAP nên chất lượng quả luôn đảm bảo, dâu tây thu hoạch đến đâu là bán hết đến đó. Mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 20 tấn quả, với giá bán từ 160 – 260 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, một năm lãi hơn hơn 1 tỉ đồng từ dâu tây”.

Sơn La: Trồng dâu tây Hana trên núi nông dân thu tiền tỉ mỗi năm. - Ảnh 5.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Nam còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động ở địa phương. Ảnh: Văn Ngọc

Dám nghĩ, dám làm, nắm bắt thời cơ và lựa chọn đúng hướng để đầu tư phát triển kinh tế, vườn dâu tây của gia đình anh Nam đã trở thành mô hình kinh tế điểm của xã Cò Nòi.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Nam còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động ở địa phương, với mức thu nhập 5–6 triệu đồng/tháng.

Thời gian tới, anh Nam sẽ mở rộng thêm diện tích trồng dâu tây và đầu tư thêm các thiết bị máy móc để sơ chế, tạo ra các sản phẩm mới từ dâu tây.


Văn Ngọc