dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Giảm nghèo ở xã biên giới Lóng Sập

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, những năm qua, công cuộc giảm nghèo ở xã biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) đạt được những kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.


Clip: Nông thôn Tây Bắc: Giảm nghèo ở xã biên giới Lóng Sập


Lóng Sập “Điểm nóng” về ma túy khu vực Tây Bắc

Lóng Sập là xã vùng cao biên giới của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Nơi đây có địa hình đồi núi cao, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn nhiều hạn chế, kinh tế chậm phát triển. 

Đã có thời kỳ, nhắc đến Lóng Sập, không ít người tỏ ra ái ngại, cũng không dám đặt chân tới mảnh đất này bởi cái danh "điểm nóng" hay "điểm đen" về ma túy. Cũng dễ hiểu, vì số lượng người nghiện ma túy ở đây nhiều, chưa kể vì giáp biên giới nên tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy cũng diễn ra phức tạp. Chính bởi vậy, suốt hàng chục năm, người dân ở Lóng Sập không thoát ra được cái đói, cái nghèo.

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Nhất, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Tình hình an ninh trật tự của xã Lóng Sập phức tạp, có nhiều tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, sản xuất còn tự cung tự cấp, 40% là hộ nghèo, trên 50% hộ cận nghèo.

Nông thôn Tây Bắc: Giảm nghèo ở xã biên giới Lóng Sập - Ảnh 2.

Lóng Sập là xã vùng cao biên giới của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Nơi đây có địa hình đồi núi cao, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Ảnh Lê Đức

Bản "ma túy" được thay bằng màu xanh của sự yên bình 

Xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La  có 14 bản thì có đến 12 bản đặc biệt khó khăn. Và Buốc Pát là bản khó khăn nhất.  Bản "khói đen", bản "không đàn ông", bản "đói tiếng cười" là những cái tên được gán cho bản Buốc Pát. Sở dĩ có những cái tên đó là vì hầu hết đàn ông, thanh niên Buốc Pát đã từng bị cuốn vào vòng xoáy của cơn bão ma túy, để rồi chỉ có những người phụ nữ là trụ cột trong gia đình.

Bản Buốc Pát nghèo và khó cũng chỉ bởi ma túy đã lấy đi những người đàn ông trụ cột trong gia đình. Lao động sản xuất hạn chế, kinh tế cũng không thể phát triển. Và quan trọng là phương thức sản xuất cũ với trồng ngô, trồng lúa không giúp đồng bào nơi đây thoát nghèo được. Nhưng 3 năm trở lại đây, khi những người đàn ông trở về sau lầm lỡ, những hy vọng lại được thắp lên.

Ông Mùa A Pó, bản Buốc Pát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nghiện ma túy gần 20 năm, từ khi mới hơn 30 tuổi. Năm 2019, sau 2 năm đi tù về, ông Pó được cán bộ xã và các chiến sỹ đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập thường xuyên đến trò chuyện, vận động vừa để kiên quyết vĩnh viễn tránh xa ma túy, và cũng là để từng bước chuyển đổi canh tác.

Ông Pó chia sẻ: Sau khi đi tù về, được cán bộ chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng vận động, tuyên truyền về tác hại của ma túy, tôi cũng đã từ bỏ, tập trung để làm kinh tế. Bây giờ tôi đang có mong muốn học tập và trồng cây chanh leo để mang lại kinh tế hơn. Cái gì không biết không hiểu thì có cán bộ biên phòng về hướng dẫn tận tình lắm.

Nông thôn Tây Bắc: Giảm nghèo ở xã biên giới Lóng Sập - Ảnh 3.

Ông Mùa A Pó, bản Buốc Pát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được cán bộ đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây chanh leo của gia đình. Ảnh Lê Đức

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Nhất, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho hay:  Năm 2015, tỉnh Sơn La có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc có giá trị kinh tế cao, thay thế cây lương thực kém năng suất. Sau hơn 5 năm thì đây đúng là một bước chuyển mạnh mẽ có tính đột phá. 

Năm 2017, sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng, Đảng ủy, UBND xã Lóng Sập phối hợp với đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập quyết định chọn chanh leo là giống cây sẽ triển khai rộng khắp trên địa bàn. Thời gian từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch ở vùng đất này chỉ mất khoảng 5-6 tháng, cho thu hoạch 4-5 năm sau mới phải trồng lại. Năm đầu tiên cho 30-40 tấn/ha, năm thứ hai đạt 70-80 tấn/ha, người trồng chanh có thể đạt lãi suất hơn 300 triệu đồng/ ha/năm.

Nông thôn Tây Bắc: Giảm nghèo ở xã biên giới Lóng Sập - Ảnh 4.

Cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La hướng dẫn người dân chăm sóc vườn cây chanh leo của gia đinh. Ảnh Lê Đức

Anh Tráng A Tủa, trưởng bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Cho đến thời điểm bây giờ, chúng tôi có khoảng 40 ha chanh leo đã được thu hoạch và mang lại giá trị kinh tế cho bà con. Tỉ lệ hộ nghèo trong bản chúng tôi đều giảm xuống. Từ thời điểm mà mô hình này được trồng thử nghiệm thì tỉ lệ hộ nghèo ở bản Phiêng Cài là 20 hộ, tới thời điểm bây giờ thì chúng tôi còn 2 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo.

Nông thôn Tây Bắc: Giảm nghèo ở xã biên giới Lóng Sập - Ảnh 5.

Cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến từng hộ gia đình tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập ổn định cho hộ gia đình. Ảnh Lê Đức

Kết quả trên có được nhờ phần lớn những đóng góp không ngừng nghỉ của các cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập. Từ việc quan tâm đến từng bữa cơm cho các cháu học sinh, đến việc cùng lên nương, vào vườn giúp bà con thoát bằng được cái nghèo đã tạo nên hình ảnh người chiến sỹ bộ đội biên phòng được dân yêu, dân quý và dân tin.

Trung tá Lê Quý Bôn, đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập phân công mỗi đảng viên, cán bộ chiến sỹ ở đồn phụ trách từ 3 – 5 hộ gia đình. Trong quá trình đảng viên phụ trách gia đình đã nắm bắt tâm tư, cũng như vướng mắc, khó khăn của bà con. Bên cạnh đó, các đảng viên, cán bộ chiến sỹ hỗ trợ bà con về các kỹ thuật vận dụng của khoa học vào canh tác, tăng thu nhập cho các hộ gia đình.

Nông thôn Tây Bắc: Giảm nghèo ở xã biên giới Lóng Sập - Ảnh 6.

Bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Lóng Sập không còn "bản ma túy”, bản "đói tiếng cười" mà thay bằng màu xanh của cây trái, màu xanh của sự yên bình. Ảnh Lê Đức

Qua công tác phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa Đảng ủy xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu và Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu mọi mặt từ an ninh - trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa ở Lóng Sập từng bước được bảo đảm và cải thiện.

Đến nay, số hộ nghèo cả xã chỉ còn 9%, hộ cận nghèo là 16,8%. Quan trọng nhất, người dân nơi đây đã xác định được cho mình một hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế. Xã Lóng Sập đang phấn đấu đến năm 2025  cơ bản đạt xã nông thôn mới.

Trên vùng cao Lóng Sập hôm nay, dẫu còn bộn bề những gian khó nhưng sự hồ hởi, niềm hy vọng đã hiện rõ trên từng khuôn mặt của những người dân và đặc biệt là những đứa trẻ nơi đây. Sẽ không còn những "bản đen", bản "đói tiếng cười" năm nào mà thay bằng màu xanh của cây trái, màu xanh của sự yên bình.

Văn Ngọc