Do vậy, việc sản xuất theo hướng hữu cơ đang được nhà vườn Trà Vinh hướng đến, đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Lợi ích "2 trong 1"
Anh Trần Thanh Tuấn, thành viên HTX bưởi da xanh Hùng Hòa (huyện Tiểu Cần) cho biết, trước đây anh không có thói quen ghi chép nhật ký canh tác. Nhưng nay anh đã quen và nhận thấy việc làm này rất có lợi. Chẳng hạn, hết một đợt, anh mở sổ ra sẽ biết được chính xác liều lượng phân bón, phun thuốc…, tính được chi phí khá chính xác. Nhờ vậy, anh biết được từ khi chuyển sang canh tác theo VietGAP, mỗi công (1.000m2) tiết kiệm được tiền phân thuốc, năng suất vẫn giữ nguyên. Trong khi đó, đầu ra khá thuận lợi, doanh nghiệp tìm đến tận vườn ký hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 5.000 - 10.000 đồng/kg.
"Bưởi da xanh của mình sau khi được công nhận đạt chuẩn VietGAP thì các công ty xuống ký hợp đồng, với giá gần gấp đôi ở ngoài".
Ông Võ Văn Chà
Ông Võ Văn Chà - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh ấp Ô Chích (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) cho biết, sản xuất theo hướng hữu cơ, cây bưởi tuổi thọ cao hơn so với bưởi trồng bình thường, vì ít sâu bệnh. Đặc biệt, năm 2019 khi vườn bưởi 27ha của tổ được công nhận đạt chuẩn VietGAP, được doanh nghiệp tìm đến tận vườn thu mua, ký hợp đồng bao tiêu với giá 39.000 đồng/kg. Còn năm nay, giá tăng lên 40.000 đồng/kg, trong khi bưởi ngoài mô hình giá cao nhất chỉ 35.000 đồng/kg. Nhờ vậy, chỉ cần vài công bưởi da xanh sản xuất theo chuẩn này thì nhà vườn có thể thu lãi ổn định cả trăm triệu đồng/năm.
Không chỉ bưởi da xanh, các loại trái cây sản xuất theo hướng an toàn đều có đầu ra ổn định. Điển hình như Tổ hợp tác sản xuất cam sành ấp Rạch Nghệ (xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè), trước đây, khi chưa trồng theo chuẩn VietGAP, năng suất chỉ 3-4 tấn/công, còn nay trung bình đạt 6-7 tấn cam/công, có hộ đạt 8-9 tấn/công, giá cao hơn so với cam trồng bình thường. Nhờ vậy, các tổ viên mỗi vụ đều lãi khá.
Chọn cây đặc sản cho từng vùng
Trà Vinh có hơn 18.000ha vườn cây ăn trái, với nhiều loại quả đặc sản có giá trị kinh tế khá cao, có thể xuất khẩu như xoài, nhãn, chuối, cam, bưởi da xanh… Nhưng, đến nay, toàn tỉnh có chưa tới 300ha cây ăn trái sản xuất theo hướng hữu cơ đạt chuẩn VietGAP, gồm: Chôm chôm, bưởi da xanh, cam sành, măng cụt, quýt đường và dừa sáp. Để xây dựng vùng cây ăn trái đặc sản theo quy trình VietGAP hay GlobalGAP, trước mắt, Trà Vinh khuyến khích mỗi vùng chọn một số loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao để thực hiện.
Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu… để nâng giá trị sản lượng cây ăn trái đặc sản đạt mức thu nhập bình quân 170 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, dự án thích ứng biến đổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh đã đồng hành cùng ngành nông nghiệp Trà Vinh trong việc hỗ trợ nhà vườn sản xuất theo chuẩn an toàn.
Ông Huỳnh Nghĩa Thọ - Giám đốc Ban điều phối Dự án thích ứng biến đổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh, cho hay: "Sản phẩm cây trái của Trà Vinh khá phong phú. Những sản phẩm mà dự án tập trung hỗ trợ gồm dừa hữu có, cam, bưởi… Thời gian qua, đối với các tiêu chuẩn chất lượng, các sản phẩm, nhất là trái cây, chưa được quan tâm nhiều, tuy rằng chính sách, chế độ ưu đãi của tỉnh vẫn có. Do đó, dự án hỗ trợ các tiêu chuẩn chất lượng để các sản phẩm này đảm bảo về chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh giữa các sản phẩm với nhau, thứ hai là có nguồn thu nhập ổn định".
Hiện nay, sản xuất trái cây theo hướng chất lượng và an toàn được nhiều nước quan tâm, nhất là ở châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước như Newzeland, Nhật Bản… Các thị trường này đặt ra các tiêu chuẩn quy định để buộc sản phẩm nông nghiệp của các quốc gia đạt tiêu chuẩn ngon, an toàn trước khi vào thị trường của họ. Cho nên, việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng luôn luôn tạo ra sản phẩm được thị trường đón nhận. Đó là con đường mà nông dân phải hướng đến nếu muốn phát triển bền vững và được thị trường nhập khẩu chấp thuận.