dd/mm/yyyy

Về Cát Lình xem người Mông giữ rừng

“Những năm qua, bản Cát Lình luôn làm tốt công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Đặc biệt, gần 10 năm trở lại đây, Cát Lình chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Ở đây, bà con người Mông giữ rừng rất tốt”- ông Giàng A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Muôn bảo vậy.

Trò chuyện với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Trang Trại Việt/trang Trại Việt, ông Giàng A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Muôn (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), bảo: "Sớm nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống, những năm qua, người dân Cát Lình đã cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm làm tốt công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Đặc biệt, gần 10 năm trở lại đây, Cát Lình chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Ở đây, bà con giữ rừng rất tốt.

Về Cát Lình xem người Mông giữ rừng - Ảnh 1.

Bảo vệ rừng được Ban Quản lý bản Cát Lình đưa vào hương ước, quy ước nên ý thức, trách nhiệm giữ rừng người dân ngày càng được nâng cao.

Bản Cát Lình có 46 hộ, trên 200 nhân khẩu với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Cát Lình là bản có diện tích rừng lớn nhất ở xã Chiềng Muôn. Đường từ trung tâm xã vào Cát Lình là đường đất nên rất khó khăn cho việc di chuyển. Để vào được bản này, chúng tôi phải vượt qua những con dốc thẳng đứng như bắc thang lên trời. 

Sau nửa tiếng đồng hồ di chuyển ì ạch trên con đường độc đạo, bản Cát Lình hiện ra trước mắt chúng tôi như một bức tranh thu nhỏ giữa đại ngàn. Đứng ở đầu bản Cát Lình nhìn lên đỉnh núi là những cánh rừng xanh ngút tầm mắt. Dưới sườn núi là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như mình rắn, lớp nọ gối tiếp lớp kia.

Về Cát Lình xem người Mông giữ rừng - Ảnh 2.

Nhờ làm ruộng bậc thang nên ở bản Cát Lình người Mông giữ rừng rất tốt.

Đang ngắm ruộng bậc thang, anh Hàng A Duy, Trưởng bản Cát Lình ra đón chúng tôi. Anh Duy tay bắt mặt mừng mời chúng tôi vào bản thăm bà con. "Lâu lắm rồi mới thấy cán bộ đến chơi. Hôm nay, đúng ngày Tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR&PCCCR) đi tuần tra rừng. Cán bộ đi cùng chúng tôi để hiểu hơn về ý thức giữ rừng của bà con", anh Duy nói. 

Trên đường đi, chị Hờ Thị Của bảo: Bà con bản Cát Lình 100% làm ruộng bậc thang. Từ khi sinh ra chúng tôi đã được ông bà, bố mẹ tuyên truyền bảo vệ rừng. Phải giữ được rừng mới giữ được nguồn nước phục vụ đời sống và sản xuất. Rừng được bảo vệ tốt, nguồn nước ngày càng nhiều, đói nghèo ngày một được đẩy lùi. Bởi vậy, người Mông chúng tôi coi rừng là tài sản quý giá trong gia đình mình vậy. 

Cùng Tổ BVR&PCCCR men theo con đường mòn vào rừng, chúng tôi được "mục sở thị" những cây cổ thụ cao lớn, thẳng tắp như những cột chống trời. 

"Nhờ cánh rừng này mà bản Cát Lình có nguồn nước dồi dào cho bà con làm ruộng. Bên cạnh đó, người dân Cát Lình còn nuôi cá ruộng nên mùa nào cũng có thực phẩm. Chúng tôi ở vùng cao, có cuộc sống ổn định như vậy là đủ rồi", chị Của phấn khởi nói.

Về Cát Lình xem người Mông giữ rừng - Ảnh 3.

Công tác tuần tra bảo vệ rừng luôn được Tổ BVR&PCCCR đặc biệt quan tâm.

Tâm sự với chúng tôi, Trưởng bản Cát Lình chia sẻ: "Cuộc sống của người dân Cát Lình gắn liền với ruộng bậc thang nên chúng tôi luôn coi rừng là tài nguyên vô cùng quý giá. Tổng diện tích rừng của bản là 946.860ha. Với diện tích rừng lớn như vậy, hằng năm Ban Quản lý bản đã xây dựng phương án BVR&PCCCR và giao nhiệm vụ cho 22 thành viên trong Tổ thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng. Đặc biệt, vào mùa khô hanh, Tổ BVR&PCCCR chia thành 4 nhóm túc trực 24/24.

Về Cát Lình xem người Mông giữ rừng - Ảnh 4.

Những cây gỗ cổ thụ được người dân bản Cát Lình bảo vệ từ đời này sang đời khác.

Năm 2018, bản Cát Lình được chi trả 998 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Từ số tiền này, Tổ BVR&PCCCR được trang bị thêm dụng cụ tuần tra, các thành viên có thêm đồng ra đồng vào. Ngoài ra, mỗi năm, các hộ dân trong bản được nhận trên 10 triệu đồng tiền DVMTR. So với trước đây, đời sống của bà con từng bước khởi sắc hơn. Nhờ vậy, đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc giữ rừng. Gần chục năm qua, Cát Lình chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào. Tỷ lệ độ che phủ rừng năm sau cao hơn năm trước.

Về Cát Lình xem người Mông giữ rừng - Ảnh 5.

Những cánh rừng xanh ngút ngàn ở bản Cát Lình.

Ông Đỗ Văn Trường, Phó Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường La, cho biết: "Cát Lình là bản làm rất công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Trong thời gian tới, Hạt sẽ tiếp chỉ đạo cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và lợi ích từ rừng cho bà con. Qua đó, tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân".

Tuy bản Cát Lình là nơi sinh sống của 100% đồng bào Mông nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, những cánh rừng ở đây luôn được bà con bảo vệ rất tốt.  Tin tưởng rằng, với sự đồng hành, quyết tâm của bà con bản Cát Lình cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm, những cánh rừng nơi đây sẽ mãi xanh tươi.

Tuệ Linh