dd/mm/yyyy

Sơn La: Khi người dân đồng hành cùng kiểm lâm giữ rừng

Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La được quản lý, bảo vệ tốt, không còn những điểm nóng như trước đây. Đóng góp vào kết quả đó phải kể tới vai trò của nhân dân ở các bản trong thực hiện nhiệm vụ này…

Để thấy rõ hơn vai trò của nông dân Sơn La trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, chúng tôi đã tới thực tế tại một số địa bàn từng được coi là điểm nóng về phá rừng làm nương hay khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái quy định. 

 Điểm đến đầu tiên là huyện Bắc Yên-nơi một thời nóng về tình trạng khai thác, vận chuyển, cất giữ và buôn bán trái phép lâm sản, trong đó nóng nhất là khai thác gỗ Pơ mu. Theo chân cán bộ kiểm lâm tới bản Cao Đa 1, xã Phiêng Ban (Bắc Yên), một trong những bản có diện tích rừng lớn, giáp ranh với nhiều bản. Trong khi đó, đa phần diện tích rừng của bản Cao Đa 1 nằm trải dọc Quốc lộ 37 và gần khu dân cư, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn… Do vậy, trong nhiều năm qua công tác quản lý và bảo vệ rừng, nhất là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được bản Cao Đa 1 đặc biệt quan tâm và coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng thực hiện hàng năm.

Sơn La: Phát huy tốt vai trò cơ sở trong việc bảo vệ rừng - Ảnh 1.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên tuyên truyền về công tác phòng chống cháy rừng mùa khô hanh tại bản Cao Đa 1.

 Ông Hoàng Văn Đại, Trưởng bản Cao Đa 1, cho biết: "Hiện tại, bản có 399 ha rừng rự nhiên, trên 25 ha rừng trồng thuộc chương trình 661. Hơn 20 năm qua, trong bản không để xảy ra một vụ cháy rừng nào. Ban quản lý bản cũng như cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn chưa phải lập biên bản để xử lý các hộ, cá nhân trong bản về hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp". 

 Tìm hiểu được biết: Để giữ được rừng, ngoài vai trò của các lực lượng thì sự tham gia của nhân dân trong bản đóng vai trò quan trọng. Hàng tháng, quý và năm bản đều có kế hoạch cụ thể, phân công cho Tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, như: Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các hộ trong bản cũng như kiểm lâm địa bàn làm tốt công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền cho người dân vào những lúc cao điểm về nắng nóng.

Sơn La: Phát huy tốt vai trò cơ sở trong việc bảo vệ rừng - Ảnh 2.

Trong nhiều năm qua, nhờ phối hợp tốt với nhân dân tại các bản, diện tích rừng tự nhiên tại Sơn La được bảo vệ tốt.

 Cùng với các biện pháp trên, hàng tháng Tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của bản Cao Đa 1 còn tổ chức đoàn cùng nhân dân đi tuần rừng 5 đợt. Vào thời điểm cuối năm hay từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau việc đi tuần rừng nhiều hơn và được chia làm 2 nhóm thay nhau đi vào ngày lẻ và ngày chẵn. Để duy trì được sự tham gia của nhân dân, hàng năm bản đã hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân tham giam từ nguồn quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cách làm của bản là chấm theo ngày công và đều gắn trách nhiệm với từng thành viên là các hộ dân trong bản...  

Sơn La: Phát huy tốt vai trò cơ sở trong việc bảo vệ rừng - Ảnh 3.

Cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa phối hợp với cán bộ bản Háng Đồng C (Xã Háng Đồng, Bắc Yên) rà soát các điểm nguy cơ cháy rừng trong mùa khô hanh.

 Điểm đến tiếp theo là xã Mường Do, huyện Phù Yên-nơi một thời cấp ủy, chính quyền từ xã đến các bản cũng như lực lượng chức năng phải bất lực trước tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định. Thậm chí, những cán bộ, người dân nào tham gia đấu tranh, tố giác về phá rừng thì ngay sau đó sẽ bị các đối tượng xấu dọa, trả thù…

Sơn La: Phát huy tốt vai trò cơ sở trong việc bảo vệ rừng - Ảnh 4.

Rừng khoanh nuôi tái sinh tại bản Tân Kiểng (xã Mường Do, huyện Phù Yên) được nhân dân quản lý, bảo vệ tốt.

 Tại buổi làm việc với ông Phan Quý Dương, Bí thư Đảng ủy xã Mường Do, được biết: "Nhiều năm qua, không những rừng tại các bản được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt mà người dân còn tích cực tham gia bảo vệ rừng. Trong đó, phải kể tới bản Tân Kiểng, một trong những bản nhờ có sự tham gia tích cực của nhân dân mà trong nhiều năm liên tục, bản không để xảy ra cháy rừng, phá rừng làm nương và không có tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép… Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền từ xã đến bản nên việc giữ rừng ở bản còn thu hút được sự đồng thuận cao trong nhân dân và rừng đã được giao cho nhân dân quản lý bảo vệ". 

Sơn La: Phát huy tốt vai trò cơ sở trong việc bảo vệ rừng - Ảnh 5.

Một buổi tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng của cán bộ kiểm lâm tại bản Tân Kiểng.

 Ông Hà Văn Chiên, Trưởng bản Tân Kiểng, thông tin: Bản có 128 hộ với hơn 563 nhân khẩu, được giao quản lý bảo vệ gần 70 ha rừng, trong đó có nhiều loại gỗ quý. Cùng với phát huy vai trò của đội quản lý và bảo vệ rừng, bản còn phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân. Cùng với việc đưa nội dung bảo vệ rừng vào hương ước của bản, hàng năm chi bộ bản còn ra nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ rừng. Trong đó, phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đảng viên phụ trách từng nhóm hộ và hàng năm bản tổ chức ký kết bảo vệ rừng với từng hộ... Cũng nhờ sự tham gia tích cực của nhân dân, trong nhiều năm qua bản chưa phải áp dụng các quy định để xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nay là Luật Lâm nghiệp. 

Sơn La: Phát huy tốt vai trò nhân dân trong việc bảo vệ rừng - Ảnh 6.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phù Yên phối hợp cùng lực lượng cựu chiến binh bản Nà Lò 2 (xã Huy Hạ, huyện Phù Yên) kiểm tra rừng tại tại địa bàn.

 Qua câu chuyện giữ rừng tại các bản của huyện Phù Yên và Bắc Yên, cho thấy: Để giữ được rừng, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp thì vai trò của nhân dân đóng một vai trò rất quan trọng. Bởi nếu mỗi người dân tại các cơ sở đều coi việc giữ rừng cũng quan trọng như việc bảo vệ chính gia đình mình thì câu chuyện phá rừng, khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái quy định sẽ không phải vấn đề khó giải quyết. Song hành với đó thì cần hơn cả là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên dương, động viên kịp thời các hộ dân tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Có như vậy, vai trò của mỗi người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mới được phát huy…

Sùng Thiên Long