dd/mm/yyyy

Thuận Châu: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện định hướng phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tập trung thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng tầm giá trị các loại nông sản chủ lực.

Tới huyện Thuận Châu, nhắc đến cái tên Phổng Lái, ai nấy đều nghĩ đến thương hiệu chè nổi tiếng ở mảnh đất này. Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, người dân xã Phổng Lái đã phát triển cây chè thành cây chủ lực ở địa phương. Đến nay, trên địa bàn xã có 2 sản phẩm OCOP 4 sao về chè đó là chè Trọng Nguyên Phổng Lái và trà Ô Long Thu Đan. Nhờ khẳng định được thương hiệu, cây chè đang tạo công ăn việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu, góp phần vào hoàn thiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Thuận Châu: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

Sản phẩm chè Trọng Nguyên Phổng Lái của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận đã được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Mùa Xuân.

Cuối năm 2019, sản phẩm chè Trọng Nguyên Phổng Lái của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận đã được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm OCOP và đạt hạng sản phẩm 4 sao. Sản phẩm chè của Hợp tác xã ngày càng khẳng định vị thế và thương hiệu, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm chè của Hợp tác xã đã xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Đài Loan và Thái Lan.

Ngoài tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong Hợp tác xã, đơn vị đã liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã như: Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/ tháng.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận chia sẻ: "Vốn sinh ra ở mảnh đất Phỏng Lái, cây chè với tôi trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Dẫu chất lượng chè tốt nhưng không có đầu ra, giá cả bấp bênh thì người trồng chè không bao giờ có thu nhập ổn định, yên tâm gắn bó với cây chè. Thấu hiểu nỗi niềm đó, với mong muốn góp sức mình để chia sẻ khó khăn với người dân, Hợp tác xã đã liên kết với các hộ dân trong và ngoài xã, qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con".

Thuận Châu: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới- Ảnh 2.

Nhờ cây chè, nhiều hộ gia đình ở xã Phổng Lái có thu nhập cao, ổn đinh. Ảnh: Mùa Xuân.

Gia đình anh Nguyễn Đức Quân, bản Tiến Hưng, xã Phổng Lái bao năm "ăn ngủ" với cây chè. Giờ đây cây chè là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Với 2ha chè, mỗi năm gia đình anh thu cả trăm triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với những người nông dân.

Anh Quân chia sẻ: "Từ khi liên kết với Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, gia đình tôi được hướng dẫn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây chè. Nhờ vậy, sản lượng chè của gia đình năm nào cũng cao. Nhờ cây chè, gia đình có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều".

Trao đổi với phóng viên, ông Mè Văn Tiền, Chủ tịch UBND xã Phổng Lái chia sẻ: "Xã có trên 1.900 hộ, trong đó khoảng 90% số hộ là trồng chè. Hiện nay, toàn xã có trên 610ha chè. Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn xã. Việc xây dựng thành công hai sản phẩm chè OCOP 4 sao là chè Trọng Nguyên Phổng Lái và trà Ô Long Thu Đan đã góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân, từng bước hoàn thiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là 45,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,7%...".

Ngoài hai sản phẩm OCOP 4 sao ở Phổng Lái, trên địa bàn huyện hiện có 4 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 3 sao. Việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể; tạo ra được những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Thuận Châu: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới- Ảnh 3.

Thời gian qua, huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh và tổ chức triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu cho biết: Thời gian qua, huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh và tổ chức triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Cùng với đó, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn tổ chức triển khai thực hiện chương trình đến các cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện tại cấp xã và các chủ thể sản phẩm trên địa bàn huyện. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và nâng tầm các sản phẩm đã được công nhận, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và phát triển bền vững.

"Chương trình OCOP đang có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân…", Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu nhấn mạnh.

Mùa Xuân - Diệu Linh