dd/mm/yyyy

Đưa cây ăn quả lên đất dốc, nông dân Mai Sơn thu nhập khá

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, nhiều hộ nông dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã thoát nghèo, kinh tế phát triển và thu nhập của các hội viên ngày càng khấm khá.

Những năm trước đây, việc sản xuất của các hộ nông dân huyện Mai Sơn phần lớn là tự phát, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn không thuận lợi. Để thực hiện cho được chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Mai Sơn đã tuyên truyền, vận đồng hội viên trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, Hội Nông dân huyện Mai Sơn đã tích cực triển khai có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên về các chương trình nông nghiệp phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ sở. Đồng thời, Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tập trung chỉ đạo hội viên thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.

Nông dân Mai Sơn làm giàu bằng cây ăn quả trên đất dốc - Ảnh 1.

Những năm qua, các hộ nông dân sinh sống ở xã Cò Nòi đã có thu nhập cao từ trồng na.

Chị Lò Thị Hoa, tiểu khu 3/2 (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn), cho biết: Hơn 3ha đất đồi của gia đình tôi trước đây chỉ trồng ngô. Do đất dốc, không được cải tạo thường xuyên nên đất bị bạc màu, cây ngô trồng xuống phát triển kém, cho năng suất thấp. Sau đó, tôi mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích nương sang trồng nhãn ghép và xoài Đài Loan. Nhờ bước đi mạnh dạn đó, gia đình tôi đã có thu nhập cao hơn so với trồng ngô trước đây. Giờ đây tôi đã trả hết nợ, xây được ngôi nhà khang trang, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Mỗi năm tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng từ xoài và nhãn.

Nông dân Mai Sơn làm giàu bằng cây ăn quả trên đất dốc - Ảnh 2.

Nhờ chuyển sang trồng xoài Đài Loan và nhãn, chị Hoa đã có cuộc sống dư giả.

Nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ các hội viên có nguồn thu nhập ổn định, Hội Nông dân huyện Mai Sơn đã xây dựng và giao chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của từng cơ sở Hội. Đến nay Hội Nông dân huyện có 403 chi Hội cơ sở với hơn 19.000 hội viên. Đời sống của nông dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn huyện còn 16,17%.

 Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Hội Nông dân huyện và tinh thần khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của hội viên các dân tộc trong huyện đã tạo được những kết quả tích cực. Qua đó đã xây dựng được nhiều mô hình cây ăn quả, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao và mang lợi nhuận cao cho hội viên nông dân.

Nông dân Mai Sơn làm giàu bằng cây ăn quả trên đất dốc - Ảnh 3.

Ông Tân đang chăm sóc vườn cây ăn quả tại vườn.

Ông Nguyễn Bá Tân từ một nông dân có hoàn cảnh khó khăn, ở bản Noong Xôm, xã Hát Lót, trước đây chỉ trồng các loại cây lương thực để giải quyết nhu cầu ăn uống hằng ngày, nhưng vẫn không đủ. Tìm hiểu cách làm ăn ở các nơi, ông nhận thấy phát triển kinh tế vườn với các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như xoài nhãn cho thu nhập khá cao, thị trường đang có nhu cầu tiêu thụ lớn.

 Được biết, ông Tân đã chuyển toàn bộ diện tích 5ha đất của gia đình sang trồng xoài và các loại cây ăn quả có chất lượng cao. Song hành với đó, ông đã áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật lai ghép trong trồng trọt. Nhờ đó ông đã thoát nghèo, có việc làm ổn định, thu nhập khá. Do thấy rõ mô hình cây ăn quả này, nhiều bà con trong bản, trong xã cũng đến học hỏi và làm theo. Đến nay, toàn bộ các gia đình trong bản đều trồng cây ăn quả, có thu nhập ổn định.

Nông dân Mai Sơn làm giàu bằng cây ăn quả trên đất dốc - Ảnh 4.

Có thể nói, cây ăn quả đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và có thu nhập cao.

Còn ông Lê Xuân Trường (bản Noong Phụ, xã Chiềng Mung) có 3ha đất vườn, trồng 300 cây nhãn chín muộn, 250 cây bưởi da xanh và bưởi Diễn, 450 cây xoài Đài Loan và 1.300 cây cam đường, cam Vinh. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu nhập 400 triệu đồng. ông Trường cho biết: Trước đây hoàn cảnh khó khăn lắm, tôi không nghĩ sau này có của ăn để như ngày hôm nay. Sở hữu được những thành quả như bây giờ, tất cả là nhờ vào cây ăn quả. Bên cạnh đó cũng nhờ vào sự quan tâm giúp đỡ của Hội Nông dân huyện, đã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng.

Nông dân Mai Sơn làm giàu bằng cây ăn quả trên đất dốc - Ảnh 5.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm được đánh giá cao, nên đầu ra cho sản phẩm luôn bán được giá ổn định.

Hiện thực hóa chủ trương của tỉnh Sơn La về cây trồng trên đất dốc, đến nay việc trồng cây ăn quả trên đất dốc đã mạng lại lợi ích kinh tế vô cùng lớn, giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ đất, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường sống bền vững. Có thể nói, huyện Mai Sơn đang có bước chuyển mình tích cực trong cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả trên đất dốc đã mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều gia trại, trang trại, hợp tác xã đang có lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.

Nông dân Mai Sơn làm giàu bằng cây ăn quả trên đất dốc - Ảnh 7.

Thấy được lợi ích từ trồng cây ăn quả, những năm qua diện tích vườn cây ăn quả không ngừng được các hộ nông dân mở rộng.

Chia sẻ với PV, ông Đoàn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn cho biết thêm: Nhằm giúp hội viên phát triển cây ăn quả và nâng cao tay nghề trong chăm bón cây trồng, hàng năm chúng tôi phối hợp với Trung tâm hỗ trợ và dạy nghề tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho các hộ dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm nông sản tại các hội chợ, ngày hội nông sản do huyện, tỉnh tổ chức để mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Hiện nhiều hộ dân trong xã có thu nhập khá từ trồng cây ăn quả. Từ việc phát triển cây ăn quả, có thể nói đời sống của hội viên nông dân hiện nay đã được nâng lên rõ rệt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn và tuyên truyền hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả trên đất dốc. Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, Hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, để bà con vươn lên làm giàu và yên tâm gắn bó với nông nghiệp.

Hà Hoàng