dd/mm/yyyy

Đưa cá ra sông Đà nuôi, nông dân Quỳnh Nhai khấm khá

Từ khi thủy điện Sơn La tích nước, nhiều hộ dân sinh sống ven lòng hồ sông Đà thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã có nguồn thu nhập tăng cao từ việc nuôi cá lồng. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con nhân dân ngày càng đổi thay và khấm khá.

Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, UBND huyện Quỳnh Nhai phối hợp với Chi cục thủy sản tỉnh Sơn La tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nhiều hộ gia đình sinh sống ven sông Đà. Các học viên chủ yếu là nông dân, thành viên Hợp tác xã vùng lòng hồ thủy điện như: Chiềng Ơn, Chiềng Bằng, Mường Chiên… Ngoài được tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông Đà, các hộ nông dân còn được tham gia công tác tập huấn tuyên truyền chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản…

Đưa cá ra sông Đà nuôi, nông dân Quỳnh Nhai khấm khá - Ảnh 1.

Thời gian qua, mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà là bước đi bền vững cho nhiều nông hộ phát triển kinh tế.

Anh Điêu Chính Hồng, bản Bon (xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai), kể: Nói về nghề nuôi cá lồng trên sông Đà thì dài lắm, cũng do cuộc sống khó khăn nên bắt buộc người nông dân chúng tôi phải tự tìm cho mình hướng đi mới để nâng cao mức sống và trang trải cuộc sống. Trước đây gia đình tôi trồng ngô, nuôi lợn nhưng do giá cả hơi bấp bênh cộng với giá nông sản thấp nên thu nhập chẳng được mấy đồng.

Tiền nợ phân bón lên đến vài chục triệu đồng, lãi không thấy đâu toàn thấy nợ. Tôi thấy dòng sông Đà chảy qua nhà quanh năm trong xanh và yên ả, nên liền nghĩ đến việc thiết kế lồng nuôi cá trắm, rô phi, diêu hồng, lăng. Khoảng 1 thời gian nuôi, tôi thấy bắt đầu có lãi. Tôi nuôi theo phương pháp gối nên lúc nào cũng có cá bán, mỗi năm cho lời 120 triệu đồng.

Đưa cá ra sông Đà nuôi, nông dân Quỳnh Nhai khấm khá - Ảnh 2.

Nhiều loại cá thương phẩm của huyện Quỳnh Nhai được giới thiệu và quảng bá đến người tiêu dùng qua các cuộc hội chợ và triển lãm...

Huyện Quỳnh Nhai là 1 trong những huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La, những năm trước đây đời sống người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, khoai, sắn là chủ yếu. Do vậy, đa phần người dân nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp. Từ khi thủy điện Sơn La tích nước, nghề nuôi cá lồng bắt đầu được bà con quan tâm phát triển. Với nghề nuôi cá lồng thương phẩm, mỗi năm đã đem lại cho bà con nguồn thu từ 100 triệu đồng – 600 triệu đồng, tuỳ vào số lượng nuôi cá nhiều hay ít. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân lòng hồ sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai đã đổi thay rõ rệt. Nhiều nông hộ từ chỗ hoàn cảnh khó khăn, nợ nần thì nay đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đưa cá ra sông Đà nuôi, nông dân Quỳnh Nhai khấm khá - Ảnh 3.

Hiện trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có gần 7.000 lồng nuôi cá ,được phân bố ở 8 xã ven lòng hồ sông Đà như: Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Cà Nàng, Mường Chiên, Mường Giàng, Chiềng Bằng...

Là 1 trong những hộ thoát nghèo từ việc nuôi cá lồng, ông Bạc Văn Bình, xã Mường Sại không giấu được niềm vui sướng, cho hay: Năm nay thời tiết ủng hộ, từ khi thả cá giống đến giờ 8 lồng cá của gia đình đều sinh trưởng tốt, không xuất hiện dấu hiệu bất thường. Tôi nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, chép, rô phi, đến giai đoạn thu hoạch có nhiều tiểu thương ở ngoài TP. Sơn La và tỉnh Lai Châu đánh xe tải vào mua với giá khá cao. Vừa rồi già đình tôi bán cũng lãi gần 190 triệu đồng. Từ lúc chuyển sang nuôi cá, tôi thấy nhàn và thu nhập cao hơn so với trồng ngô trước đây.

Đưa cá ra sông Đà nuôi, nông dân Quỳnh Nhai khấm khá - Ảnh 4.

Sau khi cá đến vụ thu hoạch, nhiều thương lái đến tận lồng cá của người dân thu mua. Vì vậy đầu ra cho sản phẩm cá tương đối ổn định.

Còn ông Điêu Văn Bắc, xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Trước kia thu nhập kinh tế của gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây nông nghiệp. Nhờ được sự tuyên truyền vận động của xã, huyện, tôi chuyển sang nuôi gần chục lồng cá để tăng gia sản xuất. Tính đến nay tôi đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng cũng được 8 năm rồi. Tôi nuôi các loại cá như: Chép, trắm cỏ, trôi, lăng. Tôi nhận thấy nuôi cá lồng nhàn hơn làm nương rẫy, thu nhập cao hơn, đầu ra cho sản phẩm ổn định hơn. Bình quân 1 năm gia đình  thu nhập từ bán cá khoảng 200 triệu đồng, gấp 4 lần làm nương rẫy trước đây. Cuộc sống của gia đình tôi ngày càng dư giả và khấm khá từ việc nuôi cá.

Với hơn 10.000 ha mặt nước hồ, trong những năm qua các cấp, các ngành huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã triển khai nhiều giải pháp khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch lòng hồ. Trong đó có giải pháp khai thác, sử dụng mặt nước lòng hồ để nuôi thuỷ sản nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân, nhất là người dân tái định cư công trình thuỷ điện Sơn La. Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai đang khuyến khích phát triển các loài cá đặc sản của sông Đà, nuôi bằng phương pháp sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu trong năm 2021 sản lượng thủy sản đạt khoảng 3.000 tấn.

Đưa cá ra sông Đà nuôi, nông dân Quỳnh Nhai khấm khá - Ảnh 5.

Không chỉ tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Đà, những năm qua huyện Quỳnh Nhai còn tổ chức các buổi tham quan học tập mô hình kinh tế hiệu quả và tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho bà con nhân dân.

Theo ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 57 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 1 Liên hiệp hợp tác xã thủy sản sông Đà Sơn La. Trong đó có 46 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủy sản với gần 7.000 lồng cá, 11 hợp tác xã trồng trọt, 10 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp. Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trên nhiều lĩnh vực, giúp nhân dân có nguồn thu nhập và công việc ổn định. Tiêu biểu như Công ty cổ phần Cơ khí Sơn La đầu tư phát triển hạ tầng du lịch lòng hồ sông Đà; Công ty cổ phần dệt may Sơn La đầu tư dạy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm người dân trong huyện. Đồng thời, huyện còn hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện cơ sở, như xoài, nhãn, bưởi Da Xanh.

Để nghề cá phát triển, thời gian tới chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu cho huyện về các điều kiện vay vốn đầu tư theo chính sách của tỉnh, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia để người nghèo được vay vốn nuôi thủy sản. Huyện sẽ tiếp tục tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho các người dân. Khuyến khích động viên và tạo điều kiện cho các hộ gia đình, HTX đầu tư mở rộng sản xuất, tạo ra những sản phẩm mới, mô hình làm ăn mới hiệu quả, đem lại thu nhập cao, góp phần giảm nghèo tại các cơ sở.

Hà Hoàng