dd/mm/yyyy

Cách nào minh bạch trong quá trình sản xuất nông sản hữu cơ

Dù đã có những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhưng các doanh nghiệp trong ngành vẫn lo ngại về tính minh bạch trong quá trình thực thi những nguyên tắc này.

"Nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn"

Theo Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 2% đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ở Việt Nam, không phải nơi nào cũng có thể sản xuất hữu cơ, nên cần quản lý chặt, để có sản phẩm hữu cơ thực sự, bao gồm cả công tác chứng nhận.

Cách nào minh bạch trong quá trình sản xuất nông sản hữu cơ - Ảnh 1.

.


Nhưng, một trong những khoảng trống hiện nay là chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn trong nước mà một số tổ chức đang thực hiện chưa bảo đảm về pháp lý. “Chúng tôi đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó sẽ hỗ trợ các tổ chức chứng nhận trong việc đào tạo nhân lực, thực hiện chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”, ông Nam chia sẻ.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Tài chính cần có thông tư hướng dẫn mức chi phí cho mỗi ha sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để làm căn cứ cho các tổ chức chứng nhận thu phí của nông dân, hợp tác xã, thay vì thả nổi như thời gian qua. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng cần sớm ban hành danh mục vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ để nông dân, hợp tác xã chọn lựa.

“Thực tế, có nhiều loại phân bón hữu cơ, vi sinh ra đời trước khi có tiêu chuẩn hữu cơ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên lập Hội đồng giám định, chỉ ra cho doanh nghiệp, nông dân sản xuất hữu cơ về các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép đưa vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ”, ông Mịch kiến nghị.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi tiến đến các mục tiêu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chúng ta cần nhìn lại bài học trong ngành nông nghiệp, với VietGAP khi chưa phát triển mạnh mà đã phát sinh những chuyện lùm xùm, mất uy tín trong chứng nhận.

“Không phải những quy định để được cấp chứng nhận VietGAP thiếu tiêu chuẩn chặt chẽ, mà là quy trình thực hành để đạt chứng nhận này còn nhiều điều chưa minh bạch. Đây là nguyên nhân dẫn đến thực tế, nhiều sản phẩm đạt VietGAP, nhưng khi xuất khẩu sang các nước bị vượt ngưỡng nhiều tiêu chuẩn, trong khi nếu thực hành đúng theo các quy chuẩn VietGAP thì điều này sẽ không xảy ra”, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ.

Vị này cho rằng, trong từng mắt xích của chuỗi chưa được đơn vị sản xuất thực hiện minh bạch, dẫn đến chất lượng nông sản không đạt nhiều tiêu chí về tỷ lệ dư lượng, chất cấm… Dù có tiêu chuẩn hữu cơ, nhưng chính sự minh bạch trong các công đoạn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt mới là điều kiện tiên quyết làm nên chất lượng nông sản.

Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành cà phê, chiếm 40% sản lượng cà phê tỉnh Gia Lai, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, kiêm Tổng giám đốc L’amant café cũng cho rằng, minh bạch là điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi chất lượng chưa đồng đều, dẫn đến nhiều bất cập liên quan về giá cả, bán phá giá.

“Vấn đề đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào còn nhiều bất cập. Đây là điểm rất khó cho doanh nghiệp có thể sản xuất ra sản phẩm đạt chuẩn để xuất sang các thị trường quan trọng như EU. Về phía nhà sản xuất, nếu không minh bạch trong mọi quy trình thì sản phẩm Việt Nam thua ngay trên sân nhà, chưa nói đến xuất khẩu”, ông Hiệp bày tỏ lo ngại.

Ngoài yêu cầu minh bạch trong quy trình sản xuất từ phía doanh nghiệp, thì chính đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra, giám sát tại các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, từ Trung ương đến địa phương cũng cần được đào tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm.

“Nếu đội ngũ cán bộ Sở NN&PTNT các địa phương không hiểu rõ tiêu chuẩn, quy trình cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì rất khó để quản lý giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ”, ông Hà Phúc Mịch nói.

"Chuyên mục có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản"

Hồng Phúc