"Nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn"
Nghĩa Hưng là bản có diện tích cây ăn quả có múi nhiều nhất của xã Mường Cơi. Bản có 124 hộ thì có 60 hộ trồng cây ăn quả có múi với diện tích 58ha, gồm cam Vinh, cam Đường Canh, quýt ngọt, bưởi Da Xanh và bưởi Diễn. Trong đó có 42ha đã cho thu hoạch.
Với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám thay đổi, người dân bản Nghĩa Hưng đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích trồng ngô, sắn, đỗ trước kia sang trồng cây ăn quả có múi. Dù diện tích đất không bằng phẳng nhưng bà con đã đầu tư máy móc làm đường đồng mức, lắp hệ thống nước tưới tự động trên những sườn đồi cao để tiện chăm sóc.
Diện tích cây ăn quả có múi của bản được chuyển đổi từ đất trồng hoa màu kém hiệu quả như ngô, đỗ tương, lạc. Anh Nguyễn Duy Khanh, Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng cho hay: "HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng được thành lập từ năm 2018, gồm 11 thành viên, là những cán bộ, đảng viên tâm huyết và có nhiều diện tích cây ăn quả có múi của bản. Trước đây, các hộ chủ yếu trồng nhỏ lẻ, manh mún. Sau khi thấy cán bộ, đảng viên đi đầu trong việc trồng cây cam, quýt, bưởi và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so các loại cây trồng khác nên vài năm trở lại đây diện tích cây ăn quả đều không ngừng tăng lên".
Anh Nguyễn Văn Sử - thành viên HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, cho biết: "Gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng cây quýt ngọt từ năm 2011. Mặc dù đây là vùng đất dốc sỏi đá nhưng chúng tôi đã cải tạo đất, đầu tư hệ thống tưới tự động nên 1,5ha cây quýt ngọt của gia đình tôi phát triển rất tốt. Tính đến năm 2020 này, vườn quýt ngọt của gia đình tôi đã cho thu hoạch được 4 năm. Năm 2019, gia đình tôi thu trên 45tấn quýt ngọt, sau khi trừ chi phí đầu tư, lãi khoảng 700 - 800 triệu đồng".
Quýt nhà anh Sử không những ngọt, thơm ngon mà còn đảm bảo sạch, an toàn, do anh trồng và chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP đã được tập huấn. Anh Sử chia sẻ thêm: "Xác định để sản phẩm quýt có chỗ đứng trên thị trường nên ngay sau khi bắt đầu trồng, gia đình tôi đã quan tâm, chú trọng chăm sóc cây trồng theo theo quy trình VietGAP. Tôi đã tìm đến các nhà phân phối phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc từ sinh học để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe".
Chính vì sản xuất theo hướng hữu cơ nên sản phẩm quýt ngọt nhà anh Sử đã được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến, vụ sau năng suất cao hơn vụ trước nhưng luôn đắt hàng, được nhiều khách hàng đánh giá cao và tin dùng.
Còn gia đình anh Nguyễn Công Huân bắt đầu trồng cây ăn quả có múi từ năm 2014 với diện tích 2ha với đa dạng các loại cây gồm: Cam Vinh, cam Đường Canh, quýt ngọt, bưởi Diễn, bưởi Da Xanh. Năm 2018, vườn cây ăn quả của anh cho thu hoạch khoảng 15 tấn. Năm 2019 thu gần 20 tấn và năm nay dự kiến thu hoạch trên 20 tấn. Với giá bán ổn định, mỗi năm, gia đình anh Huân thu gần 400 triệu đồng.
Anh Huân chia sẻ: "Khi tham gia HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, bản thân tôi có dịp được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức trồng cây ăn quả có múi với các thành viên trong HTX, nhất là việc thực hiện quy trình VietGAP. Ngoài ra, khi tham gia HTX, các sản phẩm cam quýt, bưởi của các hộ được liên kết tiêu thụ, đầu ra ổn định, các đầu mối thu mua đều tìm đến các vườn của HTX để thu mua nên rất thuận lợi".
Từ số tiền trồng cam, quýt, bưởi, năm 2020 gia đình anh Huân đã làm được ngôi nhà khang trang trên 1 tỷ đồng. Năm nay, gia đình anh Huân mở rộng thêm 2ha cây quýt ngọt từ dự án hỗ trợ của huyện.
Ông Nguyễn Văn Cường, Bí thư Chi bộ bản Nghĩa Hưng cho biết: "Chi bộ cùng với HTX đã tuyên truyền, vận động các hộ trồng cây ăn quả có múi thực hiện canh tác theo hướng sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hữu cơ và sinh học. Việc làm cỏ được làm hoàn toàn bằng thủ công chứ không dùng thuốc diệt cỏ nên sản phẩm rất an toàn. Năm 2018, sản phẩm cây ăn quả có múi của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Chính vì vậy sản phẩm cam, quýt, bưởi của HTX được nhiều khách hàng tin dùng, năm nào đến mùa thu hoạch, các đầu mối đều đặt hàng tại các nhà vườn và chuyển đi khắp các tỉnh thành. Từ trồng cây ăn quả có múi, nhiều hộ gia đình trong bản đã có cuộc sống khá giả, làm được nhà khang trang".
"Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), năm 2020, xã Mường Cơi chọn cây quýt ngọt để xây dựng đề án sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Hiện, HTX có trên 10ha quýt ngọt. Lý do HTX chọn sản phẩm quýt ngọt để xây dựng sản phẩm OCOP là vì sản phẩm không những ngon, sạch mà được nhiều khách hàng lựa chọn tin dùng và đã có được chỗ đứng nhất định trên thị trường trong nước. Chính vì vậy, trong năm 2020, các thành viên trong HTX được huyện hỗ trợ giống quýt ngọt để mở rộng thêm diện tích để chuẩn bị cho xây dựng thương hiệu quýt ngọt Phù Yên", ông Nguyễn Duy Khanh, Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng chia sẻ như vậy.