"Nông sản, thực phẩm an toàn"
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Tân, Chủ nhiệm HTX, trước đây sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ dẫn tới thu nhập không ổn định. Với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất trong nông nghiệp, hỗ trợ người dân tiếp cận với phương pháp sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Tân là người khởi xướng thành lập HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn Thanh Đông để cùng người dân đưa kỹ thuật trồng, chăm sóc cây màu. Từ đấy nâng cao hiệu quả thu nhập đồng thời hướng đến một thương hiệu sản phẩm rau sạch Thanh Đông trong lòng người tiêu dùng.
"Nói thì dễ, nhưng để thực hiện được mới khó. Dù các hộ trong HTX đều trồng rau thời gian dài. Nhưng vấn đề là họ vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống, vì thế chất lượng, sản phẩm chưa được nâng lên. Giá thành rau cung như các loại rau bình thường được bán ngoài chợ. Chưa thể đưa sản phẩm vào các siêu thị và có thương hiệu sản phẩm của riêng mình" ông Tân chia sẻ.
Sau khi các thành viên tham gia HTX, ông Tân đã xây dựng chương trình tập huấn. HTX đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp xuống hướng dẫn người dân sản xuất theo đúng quy trình. Từ cách ủ phân hữu cơ, chăm sóc cho rau, loại bỏ dần việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc rau. "Thời gian đầu để thay đổi tư duy người sản xuất hơi khó. Nhưng sau vài vụ, qua phân tích, đánh giá chúng tôi đã chỉ ra cho người dân trong HTX thấy được hiệu quả của việc trồng rau theo hướng VietGAP. Giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất đã được nâng lên đáng kể" ông Tân tâm sự.
Sau 6 năm đi vào hoạt động, HTX rau Thanh Đông đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia HTX. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ gia đình thành viên tham gia HTX thu từ 80 đến 150 triệu đồng.
Với điều kiện thuận lợi, gần trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ, vì thế HTX không lo đầu ra cho sản phẩm. Nhưng đây cũng là thị trường khó tính, người tiêu dùng đòi hỏi nguồn rau phong phú, cũng như chất lượng cao. Vì thế ngoài việc sử dụng các loại phân hữu cơ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP thì việc thay đổi, trồng các loại rau phù hợp với từng mùa, được người tiêu dùng ưa chuộng cũng là bài toán đối với lãnh đạo HTX.
Với nguồn rau đa dạng theo mùa, đạt tiêu chuẩn an toàn. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường hơn 20 tấn rau, củ, quả các loại. HTX đang thu hoạch các loại rau, củ, quả như: Qủa táo lê, quả cà chua, quả đỗ xanh, củ khoai, củ su hào, rau cải, rau ngót, cà tím… Với giá xuất bán tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ.
Có sản phẩm chất lượng cao, nhưng để đưa vào các thị trường khó tính, như các siêu thị thì đòi hỏi HTX phải liên kết với các siêu thị, công ty để giới thiệu sản phẩm. Năm 2018 HTX đã liên kết với Công ty TNHH Thực Phẩm SaFe Green (Điện Biên) cung cấp nguồn rau, củ, quả sấy khô đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Thông qua Công ty, các sản phẩm của HTX đã đến được với người tiêu dùng, được khách hàng đánh giá các sản phẩm có chất lượng cao.
Theo đánh giá của bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực Phẩm SaFe Green thì chất lượng rau của HTX Thanh Đông rất tốt, được khách hàng ưa chuộng. "Chúng tôi ký hợp đồng sản xuất theo chuỗi với HTX. Việc sản xuất phải theo đúng quy trình Công ty đưa ra.
Sản phẩm rau của HTX không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm rau của HTX không chỉ được Công ty chúng tôi bán trên thị trường Điện Biên, mà phần lớn chúng tôi đưa vào các siêu thị lớn tại Hà Nội, Hải Phòng. Sản phẩm rau sạch của HTX Thanh Đông đã được người sử dụng cả nước biết đến" bà Hiên cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Tân, chủ nhiệm HTX rau Thanh Đông cho biết: "HTX thành lập với tổng quỹ đất canh tác là 5ha, trong đó có 1ha đất trồng màu quanh năm. 4ha đất trồng 1 vụ lúa và 2 vụ mầu. Từ ngày đầu mới thành lập dưới sự hỗ trợ kỹ thuật, giống của Chi cục Bảo vệ Thực vật, đến nay HTX rau Thanh Đông đã đi vào sản xuất ổn định, các sản phẩm rau, củ, quả cung cấp ra thị trường đạt tiêu chuẩn VietGAP".
"Để đảm bảo HTX tập trung sản xuất đạt hiệu quả cao nhất, trước khi vào mỗi vụ sản xuất, HTX đều tổ chức họp các hộ thành viên để quán triệt quy trình sản xuất loại rau, củ, quả. Thống nhất phương án thực hiện liên kết theo hình thức tự nguyện, bảo đảm 2 bên cùng có lợi. Thống nhất giá cố định ngay từ đầu vụ sản xuất hoặc theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Vì vậy các thành viên tham gia HTX yên tâm sản xuất, tạo mối liên kết được lâu dài" ông Tân cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hữu Lý, thôn Thanh Đông, xã Thanh Xương hiện đang liên kết sản xuất với HTX cho biết: "Khi chưa tham gia liên kết sản xuất với HTX, gia đình tôi sản xuất và tiêu thụ rau theo hình thức tự do. Nhà gieo trồng được loại rau nào thì mang ra chợ bán loại rau đó nên giá bán không được ổn định, thu nhập cũng bấp bênh.
Từ khi đã tham gia liên kết với HTX, gia đình tôi được tiếp cận với phương pháp sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, được HTX bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả sau thu hoạch với giá bán ổn định. Gia đình có hơn 4.000 m2 trồng rau, củ, quả theo mùa, mỗi năm sau khi trừ chi phí cũng thu về được cả trăm triệu đồng".
Theo ông Tân, ông cùng các thành viên trong HTX đang có hướng mở rộng thêm diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong thời gian tới. Tuy nhiên, do vấn đề đầu ra còn hạn chế nên HTX chưa thể thực hiện. "Nếu đầu ra được tăng cường, HTX sẽ mở rộng mô hình sản xuất rau theo hướng bền vững".
Từ những mô hình sản xuất rau tự phát của người dân. Đến nay sản phẩm rau của HTX rau Thanh Đông đã có thương hiệu và chỗ đứng trong lòng khách hàng. Theo ông Nguyễn Hữu Tân thì trong thời gian tới HTX tiếp tục mở rộng diện tích, kết nạp thêm các hội viên để đưa sản lượng rau tăng lên.