Sau nhiều năm trở lại xã Dồm Cang, điều dễ nhận thấy là các dãy nhà xây khang trang hiện hữu khắp các tuyến đường bê tông đi vào bản làng. Những gương mặt rạng ngời, nụ cười tươi rói của bà con đồng báo Thái khi "trúng quả" một mùa cà phê bội thu.
Tay chỉ về đồi cà phê xanh ngút tầm mắt, kéo dài đến tận chân núi, lão nông Vì Văn Hiên, bản Dồm, phấn khởi: "Vụ cà phê năm nay, gia đình thu được 50 tấn quả tươi. Với giá bán trung bình tại vườn 16.000 đồng/kg, gia đình thu khoảng 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thuê nhân công thu hái và phân bón, gia đình lãi khoảng 600 triệu đồng".
Bao đời nay, đồng bào Thái ở bản Dồm gắn bó với cây sắn, cây ngô, cây lúa và chăn nuôi ít con gia súc, gia cầm nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng từ khi chuyển sang trồng cây cà phê, cuộc sống ở bản Thái nơi đây đã sang trang mới.
Hội viên Chi hội nông dân bản Dồm Vì Văn Hiên bảo: "Ban đầu chúng tôi nghĩ trồng cà phê chỉ để để thoát nghèo thì nay loại cây công nghiệp này đã giúp bà con dân bản thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Những ngôi nhà xây khang trang mọc lên xung quanh bản cũng là nhờ cây cà phê mà có".
Theo lão nông Vì Văn Hiên, trước đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân biết đến cây cà phê được trồng nhiều tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La. Năm 2016 - 2017, do giá sắn xuống thấp nên một vài hộ dân đã mạnh dạn nhổ sắn chuyển sang trồng cà phê. Chẳng ai ngờ được, sau từ 3 - 4 năm chăm sóc, cà phê lại mang cuộc sống ấm no đến cho người dân nơi đây.
Ngoài ra, gia đình ông Hiên còn ươm 3 vạn giống cà phê để bán cho các hộ dân có nhu cầu trên địa bàn. Mỗi năm, gia đình thu từ 25 - 30 triệu đồng từ bán giống cà phê.
Nằm ngay cạnh vườn cà phê của ông Hiên là vườn cà phê xanh tốt của hộ gia đình anh Lò Văn Đôi ở bản Lọng Phát. Trước đây, gia đình anh Đôi trồng sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Bên cạnh đó, trồng sắn khá vất vả, mỗi khi thu hoạch xong lại phải trồng lại. Không những vậy, diện tích đất trồng sắn thường bị thoái hóa, hết chất dinh dưỡng sau khi trồng từ năm thứ 3 trở đi khiến năng suất sẽ giảm dần.
Cách đây khoảng 4 năm, anh Đôi chuyển sang trồng gần 1ha cà phê. Sau 3 năm chăm sóc cà phê cho thu hoạch. Vụ cà phê năm 2023 và vụ năm 2024, anh Đôi thu khoảng 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí lãi gần 200 triệu. Hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với trồng sắn. Nhờ số tiền tích góp cộng với tiền lãi 2 vụ cà phê vừa rồi, anh Đôi đã xây được căn nhà đẹp nhất nhì bản.
Thấy hiệu quả từ cà phê mang lại, hiện gia đình anh Đôi đang trồng thêm 1ha cây cà phê. Dự kiến, hơn 1 năm nữa sẽ bắt đầu cho thu hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tòng Văn Nghịch - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, chia sẻ, cà phê hiện đang là cây trồng chủ lực của xã với diện tích 652 ha. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã xác định cà phê sẽ là cây trồng chính để nâng cao thu nhập cho bà con. Trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ trồng cà phê. Mỗi năm, cà phê đem lại nguồn thu nhập cho các hộ từ hàng trăm triệu đến khoảng 1 tỷ đồng.
Định hướng trong giai đoạn tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cà phê, cây ăn quả. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cà phê cho người dân. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực cà phê trên địa bàn tỉnh liên kết sản xuất với người dân để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần tạo được nguồn thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống cho bà con vùng biên.