dd/mm/yyyy

Sốp Cộp triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Những năm qua, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hữu hiệu, công tác giảm nghèo ở huyện Sốp Cộp (Sơn La) đã đạt nhiều kết quả khả quan…

Bố trí hàng trăm tỷ đồng thực hiện công tác giảm nghèo bền vững

Để hiểu rõ hơn về kết quả và các giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Sốp Cộp, phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt đã có buổi phỏng vấn ông Vũ Ngọc Dương, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Sốp Cộp.

Sốp Cộp triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Ông Vũ Ngọc Dương, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Sốp Cộp. Ảnh: Tuệ Linh.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết tình hình thực hiện công tác giảm nghèo trong thời gian qua trên địa bàn huyện?

Ông Vũ Ngọc Dương: Sốp Cộp là huyện vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La; tổng diện tích tự nhiên là 147.224.6 ha; có 11.505 hộ, với dân số là 53.120 người, gồm 6 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 96.91%

Sốp Cộp triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Thực hiện Chương trình 30a, huyện Sốp Cộp đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn với tổng kinh phí trên 186,4 triệu đồng. Ảnh: Tuệ Linh.

Huyện có 8 đơn vị hành chính cấp xã, 106 bản và 2 điểm dân cư; cách trung tâm thành phố Sơn La 130 km, có đường biên giới dài trên 120 km (chiếm 48% đường biên giới toàn tỉnh), được xác định là huyện vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua, huyện Sốp Cộp đã tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững như: Chương trình 30a, Chương trình 135.

Huyện đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, quyết định, kế hoạch cụ thể và các văn bản hướng dẫn, đôn đốc quá trình tổ chức thực hiện; sử dụng lồng ghép hiệu quả nguồn vốn để đầu tư hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, hỗ trợ đời sống và sinh kế ổn định dân cư.

Sốp Cộp triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Từ nguồn kinh phí hơn 56 tỷ đồng của Chương trình 30a, huyện Sốp Cộp đã triển khai nhiều chương trình dự án để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.... cho bà con nông dân. Ảnh: Tuệ Linh.

Trong giai đoạn 2016 – 2021, tổng nguồn lực ngân sách Trung ương bố trí vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Sốp Cộp là hơn 297,4 tỷ đồng; trong đó thực hiện Chương trình 30a trên 242,6 tỷ đồng, thực hiện Chương trình 135 trên 54,7 tỷ đồng.

Nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Nhờ đó, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng được tăng cường; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá…được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh.

Sản xuất đang phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố và giữ vững.

Sốp Cộp triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững - Ảnh 3.

Trên địa bàn huyện Sốp Cộp xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, đó là các mô hình chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng theo hướng hàng hóa. Ảnh: Tuệ Linh.

Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều bình quân hàng năm giảm 5,3% (đầu năm 2016 là 45,93% đến cuối năm 2021 là 20,35%), vượt so với mục tiêu giảm nghèo của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện (từ 4-5%năm); đạt so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống 30% năm 2020.

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4%-5%

Phóng viên: Thưa ông, mục tiêu của công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện trong thời tới?

Ông Vũ Ngọc Dương:

Mục tiêu tổng quát: Thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững gắn với đẩy mạnh thực hiện các nội dung đột phá, cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực; tiếp tục thúc đẩy giảm nghèo bền vững, bảo vệ thành quả giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo cơ hội để người nghèo, hộ nghèo ổn định và đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.

Tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phù hợp với thực tế, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với quy hoạch, hệ thống chính trị vững mạnh, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Mục tiêu cụ thể: Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với khả năng và đặc điểm của huyện; ưu tiên, chú trọng khai thác tiềm năng thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, giá trị lớn, tăng thu nhập cho nhân dân.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới, tỷ lệ giảm nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 bình quân mỗi năm giảm 4%-5%; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn còn dưới 25%.

Triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian tới, huyện sẽ triển khai những giải pháp như thế nào để thực hiện mục tiêu giảm nghèo?

Ông Vũ Ngọc Dương: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách, chương trình, mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, các ngành và các tầng lớp dân cư nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác giảm nghèo; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác giảm nghèo; đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng.

Sử dụng hiệu quả, kịp thời nguồn vốn (vốn Trung ương, vốn địa phương) để triển khai thực hiện các dự án về giảm nghèo; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; phân cấp trao quyền cho địa phương, cơ sở để tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện Chương trình; huy động nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân thực hiện hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; khuyến khích các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ các xã còn nhiều hộ nghèo, vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo.

Đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời, tiếp tục phát động các phong trào, cuộc vận động để huy động nguồn lực, có sự tham gia của người dân trong thực hiện giảm nghèo bền vững. Tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình thực hiện Chương trình từ khâu xác định đối tượng thụ hưởng đến khâu lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện đảm bảo tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực hiện.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, kịp thời đưa ra giải pháp điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại các xã; tổ chức sơ kết, tổng kết và biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình trong các phong trào thi đua, cuộc vận động thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch... về giảm nghèo.

Phát động phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" trên địa bàn các xã. Cấp ủy, chính quyền cơ sở phân công trách nhiệm giúp đỡ hộ nghèo, tạo điều kiện và động viên, khuyến khích các hộ tham gia đăng ký thoát nghèo; tập trung các nguồn lực ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn những hộ đăng ký thoát nghèo phát triển sản xuất, có việc làm bền vững, thu nhập ổn định.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Tuệ Linh