dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Giữ rừng xanh vùng cao biên giới Sốp Cộp

Xã Mường Lèo, (Sốp Cộp, Sơn La) có hơn 17.750 ha rừng khoanh nuôi - bảo vệ. Trong đó, có hơn 9.740 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ, độ che phủ rừng đạt 46,9%. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, phòng cháy chữa cháy rừng nên diện tích rừng luôn được bảo vệ và phát triển tốt.

Đến xã Mường Lèo trong những ngày đầu mùa đông giá lạnh, lướt xe máy trên con đường tỉnh lộ 105 được trải nhựa với những khu rừng xanh bạt ngàn phủ kín những núi, đồi.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lò Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, cho biết: Mường Lèo là một trong những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới của huyện Sốp Cộp. Hiện xã có 13 bản, với hơn 700 hộ, gần 4.000 nhân khẩu. Những năm qua, để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, xã đã thành lập Ban chỉ đạo bảo và phát triển rừng xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo; xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn xã.

Giữ rừng xanh vùng cao biên giới - Ảnh 1.

Kiểm lâm viên phụ trách xã Mường Lèo Nguyễn Đắc Đại tuyên truyền Luật Lâm nghiệp cho người dân xã Mường Lèo. Ảnh: Mùa Xuân.

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Luật Lâm nghiệp, các nghị định, chính sách liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng tới người dân, nhất là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Phối hợp cùng với lực lượng dân quân, công an xã, ban quản lý các bản cùng kiểm lâm phụ trách địa bàn kiểm tra, tuần tra rừng, nhất là các khu vực xung yếu để kịp thời ngăn chặn, đấu tranh, xử lý đối với các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản và phá rừng trái pháp luật trên địa bàn.

Lồng ghép các buổi tuyên truyền trong các hội nghị của xã, họp bản; phát tờ rơi, áp phích, tranh ảnh... Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và phù hợp cho từng lứa tuổi, hình thức đa dạng, phong phú, tập trung vào Luật Phòng cháy và Chữa cháy, Luật lâm nghiệp… để người dân, các chủ rừng có ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR.

Giữ rừng xanh vùng cao biên giới - Ảnh 2.

Từ số tiền chi trả bảo vệ rừng giúp bà con vùng cao làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Mùa Xuân.

Phát huy vai trò của các hội, đoàn thể, Ban quản lý bản, chủ rừng, già làng, người có uy tín trong công tác tuyên truyền. Bổ sung lắp bảng, biển có nội dung tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và PCCCR tại các khu rừng trọng điểm có giá trị về đa dạng sinh học, cung cấp dịch vụ môi trường rừng.

Tổ chức ký cam kết BVR & PCCCR giữa các trưởng bản với xã và giữa các hộ dân. Tổ chức củng cố kiện toàn 13 tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng của các bản, lấy lực lượng dân quân, công an viên, đoàn viên thanh niên làm nồng cốt; quản lý diện tích, ranh giới các khu rừng, các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đã được giao, khoán.

Giữ rừng xanh vùng cao biên giới - Ảnh 3.

Những cánh rừng mãi xanh với xã biên giới Mường Lèo. Ảnh: Tuệ Linh.

Đôn đốc, nhắc  nhở người dân trong bản thực hiện tốt quy ước, hương ước của bản, thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp… Vào những ngày nắng nóng kéo dài, khô hanh, lớp thảm thực vật dày đặc, xã chỉ đạo các thành viên phụ trách các bản cùng cán bộ kiểm lâm hướng dẫn cho bà con phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa.

Tuyên truyền người dân không vào rừng săn bắt ong, đốt nương đúng giờ. Các điểm có nguy cơ cháy cao giáp ranh với các xã khác, xã thành lập các tổ công tác xuống bản để tuyên truyền, nhắc nhở kịp thời cho người dân. Khi đốt nương làm rẫy phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chữa cháy rừng, thông báo cho tổ, đội BVR & PCCR của bản để chủ động theo dõi. Huy động mọi lực lượng thực hiện phương châm 4 tại chỗ "chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ"  khi có cháy rừng xảy ra.

Giữ rừng xanh vùng cao biên giới - Ảnh 4.

Nhiều biển báo được cắm tại các đường mòn lối mở vào rừng góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về rừng cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Mùa Xuân.

Trong mùa khô, nhằm tăng cường các biện pháp PCCCR,  kiện toàn nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng xã; xây dựng củng cố các tổ đội PCCCR - BVR các bản; xây dựng phương PCCCR.

Tăng cường kiểm tra các khu vực trọng điểm về cháy rừng, chủ động trong việc tham mưu cho UBND xã, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm Luật lâm nghiệp; thực hiện bảo vệ rừng tại gốc, đến từng lô, khoảnh; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ xung kích, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở về chữa cháy rừng, phát triển rừng, phát đường băng cản lửa, thực hiện an toàn về người và phương tiện khi tham gia chữa cháy rừng. Tổ chức tuần tra, canh gác, thường trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm có các đợt nắng nóng có nguy cơ cháy rừng cao.

Ông Lò Văn Nơi, Trưởng bản Mạt, nói: Hiện bản có hơn 11.933 ha rừng, bản đã tổ chức củng cố và kiện toàn các tổ, đội BVR & PCCCR của bản từ 10 đến 15 thành viên, với nòng cốt là lực lượng dân quân, đoàn thanh niên... Hằng năm, Ban quản lý bản thường xuyên chỉ đạo các tổ, đội bảo vệ rừng và chủ rừng thường xuyên tuần tra, theo dõi phát hiện lửa rừng, triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR. Bên cạnh đó, với số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng 640,260 triệu đồng/năm 2020 đã giúp các hộ dân có thêm thu nhập, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng luôn xanh tốt.

Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của nhân dân, đến nay, trên địa bàn xã không có tình trạng cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép, diện tích rừng của xã được khoanh nuôi bảo vệ, phát triển tốt, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Mùa Xuân - Tuệ Linh