dd/mm/yyyy

Hạt Kiểm lâm Mai Châu: Trồng rừng bằng giống nuôi cấy mô - hướng đi mới cho phát triển kinh tế rừng

Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu (Hoà Bình) đưa vào trồng thử nghiệm giống Keo và Bạch Đàn nuôi cấy mô, mở ra triển vọng và hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng.

Trồng rừng bằng giống nuôi cây mô được Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu đưa vào thử nghiệm, bước đầu đem lại hiệu quả cao, mở ra hướng đi mới cho nông dân về đầu tư phát triển kinh tế rừng. Hiện, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu đang tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng tới mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn từ giống nuôi cấy mô.

Hạt Kiểm lâm Mai Châu: Trồng rừng bằng giống nuôi cấy mô - hướng đi mới cho phát triển kinh tế rừng - Ảnh 1.

Để mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu đã đưa giống Keo và Bạch Đàn nuôi cấy mô về trồng tại xóm Vế, xã Bao La.

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình cho biết: Được sự nhất trí của UBND huyện Mai Châu, thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với các hộ gia đình xóm Vế, xã Bao La tổ chức trồng rừng bằng giống nuôi cấy mô từ cây Keo lai dòng BV10 (2 ha) và cây Bạch đàn Cự vĩ DH - 3229 (0,5 ha). Đây là mô hình trồng Keo, Bạch Đàn bằng giống nuôi cấy mô đầu tiên trên địa bàn huyện.

Ưu điểm của giống nuôi cấy mô là mẫu nhân giống được lấy từ cây bố mẹ khỏe mạnh, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt ở ngoài thực địa, được thông qua cải thiện giống về di truyền. Cây bố mẹ có tán tròn đều, góc phân cành lớn, thân cây chính có độ thon thẳng, không cong queo. Chu kỳ kinh doanh rừng khoảng từ 4-7 năm, cho gỗ làm nguyên liệu giấy, gỗ dăm. Khoảng từ 8-12 năm cho gỗ lớn: Gỗ xẻ, gỗ dân dụng. Đến năm thứ 5, sử dụng các biện pháp lâm sinh để tỉa thưa và chuyển hóa thành rừng gỗ lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hạt Kiểm lâm Mai Châu: Trồng rừng bằng giống nuôi cấy mô - hướng đi mới cho phát triển kinh tế rừng - Ảnh 2.

Người dân xóm Vế, xã Bao La háo hức tham gia trồng rừng cùng Hạt Kiểm lâm huyện.

Hiện nay, huyện Mai Châu có tổng diện tích tự nhiên là 56.982 ha, đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 43.920 ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng 5.314 ha (đất có rừng tự nhiên đạt 4.197 ha, đất có rừng trồng hơn 26 ha và đất chưa có rừng là 1.091 ha). Đất rừng phòng hộ là 21.195 ha, đất rừng sản xuất 17.305 ha. Diện tích đất có rừng trên địa bàn huyện là 37.256 ha, tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt 65,38%. 

Những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu luôn tích cực tham mưu cho UBND huyện triển khai các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ, chăm sóc, trồng rừng. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn huyện.

Hạt Kiểm lâm Mai Châu: Trồng rừng bằng giống nuôi cấy mô - hướng đi mới cho phát triển kinh tế rừng - Ảnh 3.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Mai Châu hướng dẫn người dân xóm Vế, xã Bao La trồng giống Keo và Bạch Đàn nuôi cấy mô.

Theo ông Bùi Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu, trồng Keo và Bạch Đàn bằng giống nuôi cây mô trong thời gian 3 năm đầu tính từ khi bắt đầu trồng, cành nhánh thường nảy sinh nhiều. Vì vậy, trong 1- 3 năm đầu phải cắt tỉa cành từ đầu, để nuôi dưỡng thân cây chính và tạo dáng cho cây chính phát triển. Giá thành cây con thường cao, nhưng bù lại, cây sinh trưởng và phát triển nhanh, năng suất cao hơn loài cây lai giâm hom.

Cây Keo và Bạch Đàn nuôi cấy mô có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt ở ngoài thực địa, được thông qua cải thiện giống về di truyền. Mẫu để nhân giống được lấy ở đỉnh sinh trưởng - là cơ quan trẻ hóa nhất từ cây bố mẹ, có đặc tính luôn phát triển theo chiều thẳng đứng… Đặc biệt, cây Keo và Bạch Đàn nuôi cấy mô chỉ cho 1 thân, chứ không phát triển thành 2 thân như cây giâm hom nên giảm thiểu việc nuôi dưỡng rừng. Tỷ lệ sống cây Keo và Bạch Đàn nuôi cấy mô đạt 100%, không hao hụt trong quá trình trồng rừng, giúp giảm chi phí trồng dặm sau khi nghiệm thu trồng rừng. Nắm bắt được ưu điểm đó, Hạt đã đưa giống về trồng thử nghiệm tại xóm Vế, xã Bao La, với mục định mở ra hướng đi mới cho nông dân về trồng rừng sản xuất. Qua đó, tạo điều kiện giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định từ rừng.

Hiện diện tích rừng Keo và Bạch Đàn nuôi cấy mô trên địa bàn huyện Mai Châu chưa đến tuổi khai thác, nhưng qua theo dõi, đánh giá có nhiều ưu điểm do sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống đạt cao. Từ mô hình này, người dân bước đầu nâng cao nhận thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chủ động thay đổi từ cách trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế. Ngoài ra, còn giúp bà con thay đổi phương thức canh tác, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp. Đồng thời, giúp người dân giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, chống xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Hạt Kiểm lâm Mai Châu: Trồng rừng bằng giống nuôi cấy mô - hướng đi mới cho phát triển kinh tế rừng - Ảnh 5.

Việc đưa giống Keo và Bạch Đàn nuôi cấy mô vào sản xuất là hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, mang lại lợi ích cho người dân.

Ông Bùi Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu cho hay: Trong 5 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Mai Châu đã trồng được 2,5 ha rừng trồng tập trung với 5.300 cây phân tán. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có tổng số 403,99 ha rừng trồng được chăm sóc. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi, đánh giá sự phù hợp của giống Keo, Bạch Đàn nuôi cấy mô, đồng thời hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện các quy trình chuyển hóa từ rừng trồng nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn, nhằm nâng cao sản lượng gỗ trên mỗi ha rừng.

Trồng rừng bằng giống nuôi cấy mô đang mở ra hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, tại hầu hết các xã thuộc huyện Mai Châu có điều kiện phát triển kinh tế rừng, người dân vẫn chưa quen với giống Keo và Bạch Đàn nuôi cấy mô. Vì vậy, để khuyến khích người dân trồng rừng, Hạt Kiểm lâm huyện và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của người trồng rừng. Đồng thời, có mức hỗ trợ hợp lý để người dân phát triển trồng rừng giống mới thay thế giống cũ, liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người dân. Qua đó, giúp bà con nâng mức thu nhập, ổn định cuộc sống.

 

Hà Hoàng