dd/mm/yyyy

Đổi thay nơi vùng biên giới Sốp Cộp

Là huyện nghèo ở vùng biên của tỉnh Sơn La, những năm gần đây, Sốp Cộp đã và đang thay đổi từng ngày. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân ngày được nâng lên.

Xây dựng NTM cơ hội giúp Sốp Cộp phát triển

Đến huyện vùng biên Sốp Cộp, chung tôi dễ dàng nhận thấy sự đổi thay của huyện miền núi biên cương. Những con đường giao thông liên bản, liên xã được đầu tư cứng hóa; những căn nhà mái ngói đỏ tươi nổi bật giữa núi đồi. Có được những thay đổi đó là nhờ sự "chuyển mình" trong tư duy, ý thức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: Huyện Sốp Cộp được chia tách từ huyện Sông Mã vào tháng 1/2004. Toàn huyện có 8 xã, diện tích 1.477 km², hơn 120 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Sau 18 năm, trung tâm huyện Sốp Cộp đã mang dáng dấp của một đô thị. Không còn thấy những cây cầu tạm bắc qua suối Nậm Ca, Nậm Lạnh ngày nào, mà thay vào đó là cầu bê tông vững chãi, con đường nhựa thênh thang mới hoàn thành nối quốc lộ 4G vào đến cầu Nậm Ca.

Đổi thay nơi vùng biên giới Sốp Cộp - Ảnh 1.

Xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Ngọc

Hệ thống đường trung tâm hành chính huyện được quy hoạch, xây dựng ô bàn cờ. Bản Hua Mường giờ nhộn nhịp, với đầy đủ các loại hình dịch vụ, thương mại, các công trình khu vực trung tâm hành chính, chính trị; khu dân cư với nhà xây cao tầng; các khu văn hóa - thể dục thể thao; các trường học... được xây dựng khang trang.

Hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật từng bước được xây dựng đồng bộ. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nhiều chuyển biến mới trong phát triển nông nghiệp, bộ mặt nông thôn; đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Không chỉ ở trung tâm huyện, mà tất cả các xã trong huyện đã được xây dựng trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế kiên cố, khang trang; đường ô tô đến trung tâm các xã được bê tông và rải nhựa.

Đổi thay nơi vùng biên giới Sốp Cộp - Ảnh 2.

Nhiều tuyến đường giao thông liên xã liên bản trên địa bàn huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La được nâng cấp. Ảnh: Văn Ngọc

Một trong những điểm nhấn giúp huyện vùng biên Sốp Cộp có diện mạo, sức sống mới là nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Với sự quan tâm đầu tư nguồn lực của Trung ương và tỉnh Sơn La; sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương, đến nay huyện Sốp Cộp đã có 2 xã đạt chuẩn, 6 xã đã đạt từ 8 - 13 tiêu chí nông thôn mới. Tổng số tiêu chí trên địa bàn huyện đạt 96 tiêu chí, tăng 04 tiêu chí, bình quân đạt 12 tiêu chí/xã, bình quân tăng 0,25 tiêu chí/xã so với năm 2021. với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng", chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt giữa các cấp, ngành. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong việc tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Bà Tòng Thị Chuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: Sốp Cộp là xã đầu tiên của huyện được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017. Sau 5 năm chương trình nông thôn mới đã thay đổi diện mạo của xã Sốp Cộp về đời sống vật chất tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Về văn hoá giáo dục cũng như thu nhập của người dân thì ngày 1 nâng lên. Về sản xuất nông nghiệp có nhiều mô hình phát triển kinh tế, có sự liên kết đem lại hiệu quả kinh tế tạo thu nhập cho người dân. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư như điện đường trường trạm.

Đổi thay nơi vùng biên giới Sốp Cộp - Ảnh 3.

Bà con nông dân huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đẩy mạnh phát triển cây ăn quả nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Nông dân Sốp Cộp nang cao thu nhập từ nông nghiệp

Những năm gần đây, huyện Sốp Cộp đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư đưa cây trồng mới vào địa bàn, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến, giúp người dân thay đổi nhận thức, tiếp cận khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, góp phần thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện biên giới.Cơ cấu nông nghiệp huyện đã có nhiều sự thay đổi, những nương lúa, ngô, sắn khi xưa giờ đã được thay thế bằng màu xanh của các vườn cây ăn quả, nổi bật là những cây dứa xanh tốt như những tấm thảm phủ khắp các sườn đồi.

Ông Vì Văn Định, Phó trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp, Sơn La cho biết: Đến nay toàn huyện đã trồng hơn 45 ha dứa nguyên liệu tại các xã Sốp Cộp, Dồm Cang, Sam Kha, Mường Và, Nậm Lạnh. Trong đó, 35,6 ha đã thực hiện liên kết chuỗi tiêu thụ với Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La. Huyện đã đầu tư trên 8 tỷ đồng hỗ trợ giống, phân bón, bạt phủ nilon, chi phí công lao động; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc dứa cho người dân.

Đổi thay nơi vùng biên giới Sốp Cộp - Ảnh 4.

Những năm qua, huyện Sốp Cộp đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân áp dụng tiến bộ vào phát triển nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có chất lượng. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện nay diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã tăng lên gần 2000 ha; sản lượng cây lương thực có hạt đạt được trên 23.000 tấn và sản lượng quả đạt 2700 tấn. Huyện đã duy trì và phát triển chăn nuôi đàn gia súc với tổng đàn vượt 2,6% so với cùng kỳ. Trong năm 2022 đã trồng mới được 1200 ha rừng và mổ rộng diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn Vietgap lên 52 ha, xây dựng chuỗi ăn quả cam quýt. Cung cấp 350 tấn dứa cho nhà máy Doveco Sơn La và 1 sản phẩm được công nhận là sản phẩm ocop tiêu chuẩn 4 sao.

Để khai thác lợi thế và phát huy tiềm năng phát triển cây ăn quả, huyện Sốp Cộp đang chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết chặt chẽ "4 nhà" trong việc hỗ trợ phát triển cây ăn quả; xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của vùng và  quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho người dân.

"Mục tiêu định hướng phát triển nông nghiệp của huyện trong thời gian tới huyện tiếp tục duy trì diện tích cây lương thực có hạt để đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân. Vận động nhân dân chuyển đổi diện tích sang trồng các cây nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh như cây dứa, cây măng tre bát độ, cũng như cây mắc ca và tiếp tục tập chung chăn nuôi đại gia súc theo hướng chăn nuôi nhốt, trú trọng trồng rừng và bảo vệ phát triển rừng", ông định nói.

Đổi thay nơi vùng biên giới Sốp Cộp - Ảnh 5.

Nông dân trên địa bàn huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: Trong thời gian tới, huyện Sốp Cộp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đến từng người dân, xác định rõ trách nhiệm của người dân trong việc tham gia đóng góp, tổ chức thực hiện, giám sát chương trình; không trông chờ, ỷ lại từ nguồn vốn ngân sách.

Ngoài ra, huyện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách và các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương; huy động thêm các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để thực hiện có hiệu quả, bền vững mục tiêu giảm nghèo. Với mục tiêu xây dựng huyện Sốp Cộp mạnh về kinh tế, vững về an ninh, chính trị, đảm bảo cho mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn huyện Sốp Cộp cũng có bước chuyển tích cực. Đến nay, toàn huyện đã có trên 6.200 hộ đạt gia đình văn hóa, 78/78 đơn vị văn hóa. Phong trào này đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện vùng biên còn nhiều khó khăn. Các chương trình, dự án hỗ trợ người dân trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, kinh tế được đánh giá phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất của người dân đã được nâng lên hơn trước rất nhiều.

Đổi thay nơi vùng biên giới Sốp Cộp - Ảnh 6.

Huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La một trong nhưng địa phương thực hiện tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Văn Ngọc

Đến nay, hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 24%, tình hình an ninh chính trị được đảm bảo và giữ vững. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đến từng người dân, xác định rõ trách nhiệm của người dân trong việc tham gia đóng góp, tổ chức thực hiện, giám sát chương trình; không trông chờ, ỷ lại từ nguồn vốn ngân sách.

Ngoài ra, huyện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách và các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương; huy động thêm các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để thực hiện có hiệu quả, bền vững mục tiêu giảm nghèo. Với mục tiêu xây dựng huyện Sốp Cộp mạnh về kinh tế, vững về an ninh, chính trị, đảm bảo cho mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.  


Văn Ngọc - Nguyễn Vinh