Ngày 30/9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Sơn La, đã diễn ra Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng TDMNBB giai đoạn 2021 – 2025. Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng những năm vừa qua 14 tỉnh TDMNPB đã triển khai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp rất tích cực.
Diện tích cây ăn quả đứng thứ 2 toàn quốc
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, kết quả tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn qua thể hiện rất rõ trên mấy nhóm nội dung lớn, như: Kinh tế rừng phát triển rất rõ, vùng TDMNBB có hệ số che phủ 53% là rất tốt. Trong khi đó, toàn quốc là 42%. Năm 2020, khả năng xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của nước ta đạt trên 13 tỷ USD, đứng thứ 2 ở châu Á sau Trung Quốc và đứng thứ 5 trên thế giới.
Bước đầu vùng TDMNBB đã khai thác được tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi. Toàn vùng có 250.000ha cây ăn quả, đứng thứ 2 toàn quốc. Lớn nhất là đồng bằng sông Cửu Long với 360.000ha cây ăn quả. Các vùng khác diện tích cây ăn quả rất thấp. Trong xu thế thương mại toàn cầu, xu hướng rau quả tăng lên nên chuyển đổi cục diện của vùng rất tốt.
Mặt khác, vùng TDMNBB làm rất tốt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Đây là lợi thế của vùng. Mặc dù, mới phát triển được 3 năm nhưng bây giờ đã trở thành một phong trào. Về Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các tỉnh vùng TDMNBB có xuất phát điểm rất thấp, khác rất nhiều so với vùng miền xuôi. Nhưng đến nay, bước đầu, diện mạo đời sống của người dân vùng TDMNBB đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, như: Vùng TDMNBB kinh tế chưa phát triển nhiều. 14 tỉnh thì bây giờ vẫn là ngân sách Trung ương chi phối. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Một bộ phận đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa đời sống rất khó khăn. Trên bình diện tổng thể, các thiết chế hạ tầng lớn hiện nay như giao thông, thiết chế phục vụ sản xuất dân sinh còn thiếu rất nhiều so với các vùng khác. Tư duy sản xuất hàng hoá của bà con để khai thác thế mạnh chưa phải là phổ quát.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý với lãnh đạo 14 tỉnh trong vùng, trong thời gian tới, kinh tế lâm nghiệp vẫn là một bộ phận hết sức quan trọng và có lợi thế ở vùng TDMNBB. Quan trọng nhất là chất lượng kinh tế lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, không thể cứ mãi đi bán khối gỗ thô, bán dăm, ván gỗ... Trong khi đó, công nghiệp chế biến đẻ ra bao nhiêu giá trị gia tăng.
"Thứ nhất, tôi đề nghị chúng ta phải hết sức chú ý đến chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm nguyên liệu gỗ. Thứ hai, đặc biệt chú ý đến sản phẩm ngoài gỗ như lâm thổ sản, quế, sa nhân… Thứ ba, là dược liệu. Thứ tư là gắn du lịch với phát triển rừng. Kinh tế lâm nghiệp phải phát triển đầy đủ và khai thác đúng lợi thế của nó", Bộ trưởng Bộ NNPTNT yêu cầu.
Chú trọng phát triển chăn nuôi
Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhận định: Vừa qua vùng TDMNBB chú ý nhiều đến trồng trọt nhưng chưa chú ý đến chăn nuôi. Một vùng có diện tích gần 10 triệu ha mà chỉ có hơn 1 triệu con trâu, 1 triệu con bò là quá ít. Ngoài ra lợn, gà, vịt cũng rất ít.
"Nếu phát triển rau, quả, cây công nghiệp mà không có phân chuồng thì không thể đạt tiêu chuẩn cao nhất. Đó là điều dứt khoát. Một số doanh nghiệp trồng cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình được mời lên tỉnh Lai Châu và một số nơi, câu hỏi đầu tiên họ hỏi là ở đây đàn bò, đàn trâu có bao nhiêu con. Cây cam nói riêng và cây ăn quả nói chung muốn ngon, muốn ngọt, muốn đặc biệt nếu không có phân chuồng đừng nói đến chất lượng cao. Đấy là chưa nói đến phân chuồng nuôi dưỡng độ phì của của đất và nhiều thứ khác nữa.
Do vậy, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải hết sức chú ý đến chăn nuôi cho phù hợp. Đất trồng ngô ngày xưa nếu bây giờ trồng ngô sinh khối, trồng các loại thức ăn để chăn nuôi đại gia súc thì giá trị tăng lên bao nhiêu. Điều này, quay trở lại một nền kinh tế tuần hoàn bổ trợ cho ngành trồng trọt rất tốt. Chúng ta phải chú ý đến chăn nuôi gia súc, kể cả gia cầm. Đây là vùng còn tiềm năng, lợi thế để tái cơ cấu chiến lược mới và đưa vào nuôi trồng, phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, một điểm cần chú ý mà giai đoạn trước vùng chưa chú ý nhiều đó là thuỷ sản. Riêng khu vực 14 tỉnh TDMNBB có diện tích hồ lớn nhất toàn quốc, không nơi nào có được. Mặt nước rộng và sạch, nếu tìm được đối tượng nuôi tương thích sẽ trở thành sản phẩm xuất khẩu rất lớn. Lợi thế này không chỉ riêng Tây Bắc mà Đông Bắc cũng rất nhiều hồ. Các tỉnh trong vùng phải cố gắng tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh này. Quy mô nuôi, đối tượng nuôi phải đảm bảo 3 trục là kinh tế, môi trường và dân sinh.
Sáng tạo trong xây dựng NTM
Nói về Chương trình OCOP, Bộ trưởng Bộ NNPTNT chia sẻ: Sản phẩm OCOP không nơi nào bằng vùng TDMNBB. Bởi, thổ nhưỡng vùng này hoàn toàn đặc biệt. Cái này vùng khác muốn cũng chẳng được vì do kiến tạo địa chất. Vùng có địa hình, độ cao và bị chi phối bởi 2 cái luồng khí áp, một là phía Bắc tràn xuống, 2 là sườn Tây. Sau đó, luồng khí này phối trộn tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu. Khí hậu là tài nguyên. Rét là tài nguyên. Gió phơn nóng cũng là tài nguyên. Thổ nhưỡng đủ các loại: Từ cấp độ cao, thấp, bằng, trũng. Từ đó. mới sinh ra một loạt các sản phẩm đặc sản mà chỉ vùng TDMNBB có được.
Bộ trưởng lấy ví dụ: Quả bí hương ở Bắc Kạn khi ăn có mùi hương khác hẳn so với các vùng khác. Do vậy, chúng ta phải xây dựng một nền nông nghiệp OCOP đặc sản, hữu cơ. Đó là hướng chúng ta cần quan tâm để khi xây dựng, tổ chức thực hiện, mới khai thác được tối ưu lợi thế.
Về Chương trình xây dựng NTM, Bộ trưởng nói: NTM là phải có đời sống mới, sản xuất mới, thu nhập tăng, giữ nét đẹp bản sắc văn hoá các dân tộc. Xây dựng NTM không phải cái gì cũng cứng hoá, xây nhà như miền xuôi, nói có đời sống mới là không phải. Làm NTM phải sáng tạo, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, lễ hội, duy trì nếp sống văn minh, đảm bảo an ninh – trật tự, đấy mới gọi là NTM.
Xây dựng NTM, chúng ta không chỉ bám vào các tiêu chí Trung ương hướng dẫn mà phải tìm cách làm nào sao cho hợp lý. Khi đến với vùng nông thôn ở các tỉnh vùng TDMNBB phải khác hẳn so với miền xuôi thì lúc đấy mới làm NTM thành công, chứ nếu nhìn lại giống miền xuôi thì không được. Kinh tế lâm nghiệp, kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM đều phải có cách làm quyết tâm, sáng tạo, đồng bộ.
Kết thúc Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng TDMNBB giai đoạn 2021 – 2025, lãnh đạo Bộ NNPTNT hoàn toàn đồng tình với các ý kiến kiến nghị của các đại biểu tham dự Hội nghị. Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành Trung ương, Uỷ ban Dân tộc triển khai thật tốt các cơ chế, chính sách; tiếp tục hoàn thiện các thể chế, chính sách về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng TDMNBB. Đồng thời, chú ý đến những đặc điểm của các tỉnh vùng TDMNBB để rà soát hoàn chỉnh tiếp bộ tiêu chí NTM để bố trí nguồn lực sao cho hợp lý. Cân đối nguồn lực trung hạn trong giai đoạn 2021 - 2025, để tiếp tục tập trung đầu tư vào những vùng khó khăn.