Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) bao gồm 14 tỉnh với tổng diện tích tự nhiên là 95.270 km2 (chiếm 28,79% diện tích cả nước), dân số 12,5 triệu người với trên 30 dân tộc cùng sinh sống.
Vùng TDMNBB có nhiều lợi thế cho phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản như: Có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu quốc tế và tiểu ngạch thuận lợi cho giao thương, xuất nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp. Có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, thuận lợi cho phát triển một nền nông nghiệp đa dạng về cơ cấu sản phẩm với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Đất đai rộng lớn, với các nhóm đất thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây lâu năm hiệu quả kinh tế cao.
Tuy vậy, vùng TDMNBB cũng có nhiều khó khăn, như: Địa hình chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng còn bất cập, thiếu đồng bộ, vào mùa mưa thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, vùng TDMNBB được định hướng tập trung phát triển các cây công nghiệp có lợi thế như chè, cây ăn quả; lúa bản địa có giá trị kinh tế cao; phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê, ngựa); phát triển rừng sản xuất và các lâm sản ngoài gỗ và trở thành vùng gỗ nguyên liệu lớn nhất cả nước.
Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và gần 4 năm Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, cơ cấu lại ngành nông nghiệp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Giai đoạn 2013 - 2020, dự kiến tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của vùng đạt bình quân 3,68%/năm (cả nước đạt 2,95 %/năm). Trong nội bộ ngành nông lâm thủy sản vùng diễn ra quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành, sản phẩm có dư địa lớn và giá trị gia tăng cao.
Về lĩnh vực trồng trọt: Cơ cấu cây trồng được chuyển dịch, phát triển theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Giai đoạn 2017 - 2020, vùng đã chuyển đổi khoảng 54.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây hàng năm, lâu năm cho giá trị kinh tế cao hơn. Hình thành một số vùng chuyên canh hàng hoá, sản xuất tập trung quy mô lớn như: phát triển các vùng lúa đặc sản, cây ăn quả, một số loại cây công nghiệp, cây dược liệu.
Các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thâm canh để tăng năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Diện tích được liên kết sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ ngày càng tăng.
Về chăn nuôi: Ngành chăn nuôi mặc dù gặp nhiều khó khăn, song vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực với tổng đàn tăng như: Đàn trâu 1,33 triệu con (chiếm 55,7% cả nước); đàn bò 1,08 triệu con (chiếm 17,8% cả nước); đàn lợn khoảng 5,1 triệu con; đàn gia cầm đạt 120,1 triệu con.
Phương thức chăn nuôi chuyển mạnh từ nhỏ lẻ, tự phát sang công nghiệp, bán công nghiệp quy mô lớn; chăn nuôi nông hộ an toàn dịch bệnh và bền vững. Vùng có 2.519 trang trại chăn nuôi, tăng 3 lần so với năm 2013; có nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Về thuỷ sản: So với cả nước, nuôi trồng thủy sản của vùng chỉ chiếm 4,3% diện tích và 3,1% sản lượng, nhưng tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản của vùng giai đoạn 2013 - 2019 đạt bình quân 7,54%/năm và là vùng có mức tăng cao nhất so với các vùng khác trên cả nước.
Về lâm nghiệp: Với diện tích 5,27 triệu ha rừng (chiếm 36% diện tích rừng cả nước), được xác định là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng. Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 50,4% lên 53,5% năm 2019. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tăng 1,73 lần, đáp ứng khoảng 75-80% nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) phát huy hiệu quả, chuyển hướng tiếp cận hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước sang tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội cho phát triển ngành. Giai đoạn 2010 - 2019, các tỉnh trong vùng thu được 6.681 tỷ đồng (bằng 48% so với cả nước). Việc chi trả DVMTR trở thành động lực mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Về chế biến và phát triển thị trường: Các tỉnh thuộc vùng luôn quan tâm phát triển công nghiệp chế biến theo hướng chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao. Tại vùng đã đầu tư và đưa vào hoạt động một số nhà máy chế biến lớn, như: Nhà máy chế biến rau quả, chè, sữa, gỗ và lâm sản, tinh bột sắn.
Thường xuyên phối hợp với Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có nhiều nông sản chủ lực của vùng, như xoài, vải thiều... Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương khác giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu đưa nông sản vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.
Về công tác xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp: Đến hết tháng 8/2020, vùng có 798/2.280 xã (35%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 16 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Về đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất: Đến tháng 8/2020, vùng có 3962 hợp tác xã nông nghiệp, 16 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; có 3673 trang trại. Sản xuất theo hướng quy mô lớn, theo chuỗi giá trị được hình thành ở tất cả các lĩnh vực sản xuất và đang được nhân rộng. Tỷ lệ giá trị sản phẩm NLTS được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết tăng từ 10,46% năm 2017 lên 12,44% năm 2019.
Về xây dựng thương hiệu, chứng nhận chất lượng sản phẩm: Một số sản phẩm đặc sản địa phương đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như: Cam Cao Phong (Hòa Bình), xoài Yên Châu (Sơn La), gạo tám Mường Thanh (Điện Biên), nếp Tú Lệ, Nàng Hương (Yên Bái), gạo Séng cù (Lào Cai) giúp truy xuất nguồn gốc, tăng khả năng cạnh tranh, tăng thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp các tỉnh vùng TDMNBB còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu lại ngành và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp. Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chưa trở thành phổ biến.
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch phần lớn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp; làm cho giá trị, năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp vùng hạn chế.
Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất so với các vùng khác của cả nước và gấp 3 lần so với mức trung bình toàn quốc. Kết quả xây dựng nông thôn mới chênh lệch khá lớn so với các vùng khác, đặc biệt là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, các tỉnh TDMNBB đạt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của vùng đạt trung bình khoảng 3,5%/năm giai đoạn 2021 – 2025. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 20%. Tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt khoảng 54,2%. Có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, các tỉnh TDMNBB cần thực hiện tốt những giải pháp, như: Phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với chất lượng và quy mô ngày càng nâng cao hơn. Huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.