Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích mặt nước nội địa lớn nhất trong cả nước, có trên 100 hồ chứa lớn, nhỏ với diện tích hơn 23.000 ha. Trong đó lớn nhất là hồ chứa thủy điện Sơn La và hồ chứa thủy điện Hòa Bình.
Riêng hồ thuỷ điện Hoà Bình và hồ thuỷ điện Sơn La thuộc địa phận tỉnh Sơn La có diện tích 20.900 ha, nằm trải dài trên địa phận của 44 xã thuộc 8 huyện. Đây là nguồn tài nguyên vô giá, cung cấp nguồn lợi thủy sản phong phú và cũng là nơi định cư, sinh sống của hàng nghìn hộ dân.
Nhận thức được giá trị, vai trò quan trọng và to lớn từ các hồ chứa thủy điện, thủy lợi của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã quan tâm đến phát triển thủy sản và những tiềm năng khác từ các lòng hồ mang lại.
Nhờ đó, những năm gần đây, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn được mở rộng, sản lượng đánh bắt, nuôi được tăng lên, giá trị thu nhập từ nguồn lợi thủy sản ngày càng nâng cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu tiêu thụ lớn đã tạo áp lực lên việc khai thác, đánh bắt thủy sản, dẫn đến xuất hiện nhiều hình thức khai thác không đúng quy định và mang tính hủy diệt như: Sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc hại và các loại vó bè có kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản một cách thiếu chọn lọc.
Những việc làm này đã dẫn đến sản lượng thủy sản vùng lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La sụt giảm đáng kể, một số loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như cá Anh Vũ, cá Lăng chấm, cá Chiên, cá Chày đất và một số loài cá khác. Do vậy, hoạt động thả cá giống bổ xung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên là một việc làm hết sức thực tiễn và có ý nghĩa.
Tại buổi Lễ, các đại biểu đã thả hơn 200.000 con cá giống, chủ yếu là các loại cá mè, chép, trôi Mrigan và cá lăng. Đây là hoạt động thiết thực, nhằm bổ sung một số giống, loài thủy sản bản địa, nhất là các loại giống quý hiếm có giá trị khoa học và kinh tế đang bị suy giảm, góp phần tái tạo, đa dạng hóa nguồn lợi thủy sản trong thủy vực tự nhiên tại hồ thủy điện Sơn La.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và cấm khai thác thủy sản tận diệt nhằm giữ cân bằng hệ sinh thái, góp phần ổn định sản xuất, cải thiện đời sống cho người dân sinh sống tại các vùng lòng hồ thủy điện.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La cho biết: "Hoạt động thả cá giống năm nay, bên cạnh mục đích bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, đây còn là một hoạt động hết sức thiết thực và có ý nghĩa, thể hiện vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chung tay gìn giữ, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Vì vậy, mỗi chúng ta hãy cùng chung tay, ra sức bảo vệ, phát triển và tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng các hoạt động cụ thể như: Hàng năm tiếp tục thả bổ sung cá giống ra tự nhiên. Không đánh bắt cá bằng chất nổ, xung điện, chất độc hại và các ngư cụ cấm, nhất là các loại vó bè có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản, giảm áp lực lên hoạt động khai thác thủy sản".
Ngay sau khi thả cá giống, UBND huyện Mường La đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành theo dõi, bảo vệ tốt đàn cá mới thả, cấm các hoạt động khai thác quanh khu vực thả cá trong 15 ngày.