dd/mm/yyyy

Phát hiện tôm thẻ chân trắng nuôi mãi không lớn ở Hà Tĩnh

Người dân nuôi tôm nuôi phát hiện tôm thẻ chân trắng nuôi không lớn, tập trung chủ yếu ở giống tôm lấy từ Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận.

Khi phát hiện tôm thẻ chân trắng nuôi mãi không lớn, người dân Hà Tĩnh đã không màng tới thu hoạch, họ sẵn sàng xả hết tôm, cứu lòng hồ. Còn phía cung ứng giống cam kết thay giống tôm bố mẹ để kịp thời khắc phục hậu quả.

Ông Võ Châu Trọng, Giám đốc Công ty CP thủy sản Thông Thuận trao đổi với PV Báo Infofnet về việc người dân nuôi tôm phản ánh
Ông Võ Châu Trọng, Giám đốc Công ty CP thủy sản Thông Thuận trao đổi với PV về việc người dân nuôi tôm phản ánh "Tôm không chịu lớn".

Tôm không lớn… dân tháo luôn cả hồ

Trong bài viết “Hà Tĩnh: Kỳ lạ giống tôm nuôi mãi không lớn" đăng trên Báo Infonet thông tin về việc hàng loạt hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng tại 4 huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh lấy giống từ Công ty CP thủy sản Thông Thuận (tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thất bại sau một vụ tôm "nuôi không lớn". Ông Nguyễn Văn Mại (xã Hộ Độ, huyện Thạch Hà) cho biết: Ông nuôi tôm thẻ chân trắng lấy giống của Thông Thuận, thả trên diện tích 1,2ha, sau 90 ngày chăm sóc nhưng tôm còi cọc, nhỏ xíu, năng suất đạt 200con/kg, thông thường chỉ cần 80 con/kg.

Người dân tại Hộ Độ đang băn khoăn về nguồn gốc tôm giống mẹ?
Người dân tại Hộ Độ đang băn khoăn về nguồn gốc tôm giống mẹ?

Ông Mại băn khoăn, “Chỉ lạ một điều, khâu chăm sóc vẫn vậy, tôm lại không nhiễm bệnh, không gặp sự cố về thời tiết. Một tuần gửi mẫu ra Hà Nội xét nghiệm một lần, không phát hiện bệnh gì, nhưng tại sao nuôi không chịu lớn?”.

Ông Mại kể: Khi ông đem thắc mắc này hỏi cán bộ kỹ thuật của Thông Thuận thì nhận được câu trả lời: “Khả năng do giống bố mẹ hoặc do thời tiết thời điểm đó phức tạp nắng nóng sau đó mưa, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của tôm”.

Là một người kinh nghiệm lâu năm trong nghề tôm, ông Mại nhận định: “Khả năng do trong trang trại giống của Công ty Thông Thuận có sử dụng kháng sinh nhiều, dẫn đến con giống yếu đi nên khi đem về nuôi tôm không chịu lớn”.

Đối với hộ ông Nguyễn Văn Doãn (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) khi phát hiện tôm thẻ chân trắng nuôi không lớn, ông chọn ngay giải pháp tình thế: “Tôi không chờ đến ngày thu hoạch mà xả hết hồ tôm để vệ sinh lòng hồ. Bởi tiền giống không mấy xu, mà tiền công, tiền cải tạo hồ mới tốn kém. Giả sử, tôm lỡ nhiễm bệnh thì các hồ khác cũng đi luôn. Thà không có còn hơn”.

Đối với hộ ông Nguyễn Văn Doãn (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) khi phát hiện tôm thẻ chân trắng nuôi không lớn, ông chọn ngay giải pháp tình thế: “Tôi không chờ đến ngày thu hoạch mà xả hết hồ tôm để vệ sinh lòng hồ. Bởi tiền giống không mấy xu, mà tiền công, tiền cải tạo hồ mới tốn kém. Giả sử, tôm lỡ nhiễm bệnh thì các hồ khác cũng đi luôn. Thà không có còn hơn”.

Nhiều dân nuôi tôm lấy giống từ Thông Thuận đã mất trắng vụ tôm Xuân Hè.
Nhiều dân nuôi tôm lấy giống từ Thông Thuận đã mất trắng vụ tôm Xuân Hè.

Hộ ông Doãn, ông Mại xem như mất trắng lứa tôm vụ Xuân Hè. Thiệt hại ước tính mỗi hộ gần 200 triệu đồng. Lúc này, họ đặt nghi ngờ “phải chăng giống tôm của Thông Thuận bán cho dân vụ này không phải lấy từ Singapo hay Hawaii mà lấy giống trôi nổi?!”. Tuy nhiên, ông Mại cũng đỡ lời, “Đó chỉ là cái nhìn chủ quan của tôi. Còn cụ thể thế nào phải chờ câu trả lời từ phía công ty và cơ quan chức năng”.

Thay giống tôm bố mẹ, hỗ trợ người dân

Phía Công ty CP thủy Sản Thông Thuận cũng đã biết việc giống tôm cung ứng cho người dân 4 huyện: Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà (Hà Tĩnh) gặp phải sự cố “tôm nuôi không phát triển”. Phía công ty khẳng định, việc dân phản ánh đó là hoàn toàn chính xác.

Ông Võ Châu Trọng, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận (chi nhánh tại Hà Tĩnh) cho biết: Quả thực đây là sự cố ngoài ý muốn. Từ trước tới nay, Công ty chưa hề vấp phải, đây có thể là năm đặc biệt về thời tiết (nắng mưa thất thường, thời tiết ẩm ương) nên việc nuôi tôm cũng ảnh hưởng. Hiện, chúng tôi đang phối hợp cơ quan chức năng tìm nguyên nhân vì sao tôm thẻ chân trắng chậm phát triển.

Hệ thống đầm hồ nuôi tôm giống bố mẹ tại Công ty Thông Thuận.
Hệ thống đầm hồ nuôi tôm giống bố mẹ tại Công ty Thông Thuận.

Ông Trọng lý giải “Tôi khẳng định một điều, tôm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhập khẩu 100% giống Singapo, SAS, mỗi con giống có giá lên tới 6-7 triệu đồng. Quá trình từ giống mẹ đến sinh sản không có gì thay đổi, từ giống nhập khẩu đến khâu chăm sóc, lộ trình kỹ thuật đều như nhau. 98% người dân nuôi tôm tại Hà Tĩnh lấy giống từ công ty. Bao nhiêu năm công ty chưa hề vấp phải hiện tượng tôm nuôi không lớn. Vì vậy, phía công ty sẽ tìm ra nguyên nhân, trả lời cho người dân trong thời gian sớm nhất".

Còn việc dân nghi ngờ khả năng tôm con nhiễm phải thuốc hóa chất, ông Châu khẳng định ngay “Không bao giờ có việc đó. Với công ty nào tôi không biết, còn với Thông Thuận nuôi tôm không sử dụng kháng sinh hoàn toàn áp dụng yếu tố sinh học”. Để chứng minh điều đó, ông Châu đã cho PV tham quan hết hệ thống chuồng trại từ trại giống mẹ đến trại tôm giống con.

Đại diện Công ty cho biết, giải pháp tình thế trước mắt là thay đổi giống bố mẹ, vệ sinh lại chuồng trại toàn bộ, thu mua giống tôm mới để bắt đầu lại từ đầu. Đồng thời, hỗ trợ 50% đối với các bạn hàng sử dụng giống tôm của công ty lâu đời, hỗ trợ 30% với bạn hàng nuôi lứa đầu tiên.

Bể nuôi giống tôm con trước khi cung ứng cho người dân.
Bể nuôi giống tôm con trước khi cung ứng cho người dân.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Phía cơ quan chức năng nhà nước đã nhận được thông tin, cử các đoàn về từng huyện, hộ nuôi tôm để kiểm tra. Việc tôm thẻ chân trắng lấy từ Công ty Thông Thuận mà dân phản ánh chậm phát triển là có thật. Tuy nhiên, khách quan mà nói, không riêng tôm từ Cty này mà ngay đến CP, Việt Úc cũng vấp phải hiện tượng tương tự. Tất nhiên, “dính” ở Thông Thuận là nhiều hơn. Chưa thể khẳng định do giống, thời tiết hay khâu chăm sóc… Hiện, Chi cục đã gửi mẫu ra Hà Nội xét nghiệm để có kết quả cụ thể”.

“Giải pháp đối với người dân khi xảy ra “sự cố” giống tôm chậm lớn thì phía công ty sẽ có thỏa thuận với dân như hỗ trợ thiệt hại và hỗ trợ vụ mùa tôm mới. Rõ ràng, phải đảm bảo quyền lợi cho người dân” – ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Hoàng cũng gửi gắm đến các hộ nuôi tôm, “khuyến cáo các hộ nuôi cải tạo lại ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, mua giống tại các cơ sở sản xuất giống có uy tín, có kiểm dịch con giống đầy đủ, thả nuôi với mật độ phù hợp”.

Ở góc độ người dân, ông Nguyễn Văn Mại cho biết: “Vụ Hè Thu này, tôi vẫn chưa dám lấy giống từ Thông Thuận, chờ mọi người thế nào đã. Sau một vụ thất bại, chúng tôi khá ái ngại”.

Dù phía Công ty Thông Thuận bác bỏ thông tin sẽ hỗ trợ 100% nguồn giống cho những hộ dân thiệt hại vừa qua, nhưng bản thân người dân khẳng định với PV rằng: “Có việc Công ty hứa đền bù 100% nguồn giống cũng như một phần kinh phí về khâu chăm sóc”, ông Nguyễn Văn Doãn khẳng định.

Ông Doãn cũng thông tin thêm, sau khi có hiện tượng tôm nuôi không lớn, dân tìm cán bộ kỹ thuật của Thông Thuận để hỏi, thì người có tên là Thạch cho biết, do nguồn giống từ bố mẹ. Tức là giống bố mẹ có vấn đề.

Ở huyện Lộc Hà, số hộ thả tôm giống Thông Thuận là 18 hộ, số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng là 80 hộ. Diện tích thả giống thẻ chân trắng là 17,2ha/107,5ha. Nhận định, tôm vụ Xuân Hè phát triển chậm hơn và năng suất kém hơn so với các năm trước. Trong đó các hộ thả nuôi giống của Công ty Thông Thuận sau 80 ngày nuôi kích cỡ thu hoạch từ 150-200 con/kg. Ước tính thiệt hại tại huyện Lộc Hà khoảng 3 tỉ đồng. Sản lượng giảm 40% so với những năm trước.
Trương Hoa - Đặng Sơn