dd/mm/yyyy

Nông dân đang nghèo hơn

Trong khó khăn do đại dịch Covid-19, một lần nữa nông nghiệp được nhắc đến như là trụ đỡ của nền kinh tế. Nhưng có một sự thật cũng cần được nêu ra lần nữa, đó là nông dân đang nghèo hơn so với trước.
 - Ảnh 1.

Lấy công làm lời, có tiền từ đồng ruộng quê mình là hạnh phúc của người nông dân. Trong ảnh: nhân công cấy lúa ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đặc biệt là nông dân vùng trồng đất lúa.

Khâu nào cũng phải chi

Thứ nhất là chuyện nước. Muốn có nước phải chi tiền. Ngày trước, tại nhiều nơi ở ĐBSCL, nông dân canh nước lớn để thả nước vô ruộng. Bây giờ có đê bao, nông dân khỏi canh nước, nhưng phải trả tiền cho chủ trạm bơm. Thực tế mùa hạn mặn năm nay, nhà nông vùng sông nước ĐBSCL phải chi tiền nhiều hơn để có nước ngọt giữ đồng lúa, vườn cây, ao cá. Và cái khó còn kéo dài.

Thứ nhì là chuyện phân bón. Ngày chưa có đê bao, nông dân làm lúa chỉ hai vụ, còn lại là cho đất nghỉ. Mùa khô có trùn, dế làm tơi đất. Mùa nước có phù sa bồi đắp. Đất tốt tự nhiên nên ít dùng phân bón hóa học. Ngày nay làm ba vụ lúa, phải bón phân nhiều và theo đó cũng phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, tốn tiền hơn cho phân và thuốc.

Thứ ba là chuyện canh tác. Giờ hầu hết các khâu đều do máy móc làm. Chuyện vần công, đổi công, thuê mướn nhân công làm ruộng ngày càng hiếm. Giờ nông dân trả tiền cho chủ máy.

Thứ tư là chuyện bán. Thay cho cách trữ lúa và xay gạo bán dần, ăn dần ngày trước, nay nông dân bán hết lúa tươi tại ruộng rồi mua lại gạo chợ để ăn, mất tiền cho "cò" lái lúa và mất cho người bán gạo.

Nông nghiệp hiện đại đã làm ra sản lượng nông sản lớn hơn, đáp ứng tốt hơn việc cung cấp đủ lương thực với giá cả hợp lý. Nông nghiệp hiện đại cũng tạo ra nguồn cung lao động dôi dư từ nông nghiệp cho các ngành nghề khác.

Nhưng nông nghiệp hiện đại đã tạo ra sự phân hóa và chênh lệch lớn về thu nhập trong nội bộ nông dân. Một bộ phận nhanh nhạy nhất đã thành công bằng cách trang bị sớm các loại máy móc, thiết bị. Một bộ phận khác vẫn giữ lại ruộng đất nhưng phải đi làm nghề khác kiếm sống. Bộ phận còn lại vẫn chỉ chuyên làm nông và dần trở nên nghèo đi.

Làm sao để bớt nghèo?

Có người nói vui một cách cay đắng rằng nông dân thời bây giờ "sướng" lắm, còn đâu một nắng hai sương! Mọi khâu đều có dịch vụ, máy móc đảm trách. Vì vậy, thu nhập của nông dân vốn dĩ từ đất và từ công lao động trên đất, giờ chỉ còn một. Thu nhập từ công lao động đã rơi hết vào chủ các dịch vụ và khâu trung gian. Nông dân chỉ còn trông cậy vào đất. Điều đó lý giải vì sao nông dân luôn nghĩ tới việc gia tăng năng suất, bất chấp chất lượng.

Với thu nhập trên 1ha lúa chỉ từ 40-50 triệu đồng/năm, hoàn toàn không đủ chi cho gia đình bốn nhân khẩu. Không nhiều nhà có được 1ha đất lúa. Trong trường hợp phải nuôi con đi học, hoặc có người thân bị ốm đau bệnh tật, người làm lúa thường sẽ rơi vào cảnh túng quẫn.

Giải pháp khả dĩ nhất được nhiều nông dân chọn là làm thêm ngành nghề khác để bù đắp thu nhập. Nhiều khu vực nông thôn ngày nay đã phát triển các nghề phụ như đan lát, thủ công mỹ nghệ... Tuy nhiên, khi thu nhập chủ yếu lại đến từ ngành nghề phi nông nghiệp, nông dân lại không toàn tâm với đất.

Giải pháp căn cơ nhất là nông dân phải "chung làm, chung mua, chung bán" theo tư tưởng về hợp tác xã, thực hiện "hợp tác, liên kết" theo tinh thần của đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Nông dân có thể chủ động tham gia hợp tác xã để thu lợi nhuận, giảm được chi phí (trước nhất là chuyện tưới tiêu trước thực tế ngày càng khó khăn hơn về nguồn nước ngọt). Có những nhóm nhỏ nông dân hùn vốn với nhau để mua sắm máy móc, lò sấy. Mỗi nhóm mỗi loại máy để có thể đổi công hoặc thuê lẫn nhau. Mỗi nhóm có thể liên kết với một hoặc nhiều thương lái để tự bán lúa.

Có những nông dân tự học làm phân hữu cơ, bón xen với phân hóa học, vừa tốt cho đất, vừa đỡ tốn chi phí vụ mùa. Nông dân cũng có thể thực hiện sinh kế kết hợp bằng cách nuôi cá tôm, hoặc nuôi vịt chung với ruộng lúa.

Đã có những người tiên phong thay đổi nhưng vẫn chưa phát triển rộng khắp. Bởi trừ khi có thật nhiều đất, bằng không, nông dân không thể nào giàu được nếu làm nông nhưng không được đổ mồ hôi trên đất, không có thêm tiền từ việc đồng áng, và phải chi phí đủ thứ cho máy móc như hiện nay.

Văn Lợi