Giá thấp tận đáy
Nhiều ngày trở lại đây, người trồng thanh long tại Đồng Nai đang khổ sở vì giá thanh long rớt sâu thê thảm. Nhiều nhà vườn đang ngồi ôm hàng tấn thanh long vì chưa xuất bán được, lo sợ đổ nợ, nợ chồng nợ...
"Thường thì chi phí bỏ ra cho 1ha thanh long ở mức hơn 200 triệu đồng/ha, do đó thanh long phải bán được giá khoảng trên 20.000 đồng/kg thì người trồng mới có lãi. Với giá như hiện nay, mỗi ha thanh long chúng tôi chịu lỗ hàng trăm triệu đồng".
Ông Hòa Văn Hinh
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay giá thanh long ruột đỏ xuất tại vườn chỉ có giá từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng chỉ ở mức khoảng 1.000 đồng/kg, giảm mạnh so với thời gian trước. Với mức giá như hiện nay, người trồng thanh long đang bị lỗ nặng.
Hơn nữa, thời điểm này do thanh long đang chín rộ, vào mùa nên sản lượng cần xuất đi khá lớn, tuy nhiên dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho mặt hàng này chủ yếu chỉ bán được trong nước, khó xuất ra nước ngoài như trước.
Theo người trồng thanh long chia sẻ, từ trước đến nay, Đồng Nai được biết đến là vùng trồng thanh long đạt chất lượng khá cao, thơm ngon. Trong đó thanh long ruột đỏ là đặc sản từng được thị trường săn đón rất mạnh. Đây là loại thanh long mang lại thu nhập cao cho nông dân vì mặt hàng này được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Có những giai đoạn cao điểm, hàng xuất khẩu có giá khoảng 40.000 - 60.000 đồng/kg tùy loại.
"Nhiều đợt cao điểm, khi trái thanh long xuất khẩu tốt, thương lái sẵn sàng trả giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, đôi khi còn lên 60.000 đồng/kg hàng loại 1 để xuất đi nước ngoài. Hàng loại 2 - 3 nếu bán trong nước có khi cũng được giá 20.000 - 35.000 đồng/kg. Riêng loại hàng xả cũng có mức từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Ấy vậy mà hiện nay đang vào mùa thì giá lại thấp tận đáy, bán 1kg không mua nổi cốc trà đá khiến chúng tôi không biết xoay xở ra sao" - bà Nguyễn Thị Hoa, người trồng thanh long ở Trảng Bom buồn bã cho hay.
Mong có lối đi mới cho thanh long
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 1.110ha thanh long ruột đỏ, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, sản lượng khoảng trên 30.000 tấn/năm. Tại Đồng Nai, thanh long được trồng tập trung ở các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất. Trung bình mỗi tháng, nông dân Đồng Nai thu hoạch từ 2.000 - 2.500 tấn. Mặt hàng này tiêu thụ chính là xuất khẩu đi Trung Quốc và một số thị trường khó tính khác.
Nhiều nông dân cho biết, do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả bị ngừng trệ khiến người dân điêu đứng từ đầu năm đến nay. Và đây cũng không phải lần đầu tiên người trồng thanh long lao đao trong năm nay bởi giá liên tục giảm dù đúng vụ hay trái vụ.
"Dịch bệnh khiến mọi thứ rơi vào cảnh gian nan, chúng tôi đang lâm cảnh bí bách, thật sự không biết xử lý số hàng tồn như thế nào. Năm nay coi như làm ăn chỉ để nợ nần ngân hàng, không có khả năng chi trả bất kỳ khoản nào vì toàn bù lỗ, không có lãi. Giờ cung vượt cầu, hàng ùn ứ không xuất đi được nên thương lái cũng rất kén mua, thanh long chín đỏ mà nhà vườn không dám cắt. Mong là Nhà nước có phương án, tạo ra lối đi bền vững cho thanh long Đồng Nai, tránh xảy ra tình trạng như hiện nay" - ông Nguyễn Văn Vinh, người trồng thanh long tại Xuân Lộc nói.
Do đang vào mùa vụ thu hoạch rộ, giá lại giảm nên tại Đồng Nai, có đến hàng trăm tấn thanh long đang bị ùn ứ. Hiện nay ra các chợ, sạp trái cây người tiêu dùng sẽ dễ dàng mua được thanh long loại 1 với giá bán lẻ chỉ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Ông Hòa Văn Hinh (ngụ huyện Trảng Bom) tâm sự: "Thanh long vào chính vụ nên nông dân chúng tôi phải đối mặt với cơn khủng hoảng thừa vì sản lượng thu hoạch quá lớn, nhà nào cũng có hàng để bán. Giờ xuất khẩu cũng khó, dựa vào thị trường nội địa cũng không bán được bao nhiêu. Nhiều nhà vườn phải chở xe tải ra đường đứng bán lẻ mong vớt vát được chút đỉnh".
Cũng theo các nông dân, hiện thương lái mua thanh long với mức giá thấp nhưng lại chọn lựa rất kỹ nên tỷ lệ "hàng dạt" cao hơn nhiều so với trước đây. Hiện tại thanh long không được chọn để xuất khẩu, thanh long loại 2 - 3 - 4 chỉ bán với giá 500 - 700 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, sản lượng thanh long càng nhiều thì nông dân càng ôm lỗ vì chi phí bỏ ra quá lớn.