Video: Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chia sẻ về cách sơ chế long nhãn.
Dọc tuyến đường quốc lộ 4G từ xã Mường Sai (Sông Mã) trải dài đến khắp các xã, bản trong huyện như: Nà Nghịu, Mường Hung, Chiềng Sơ... là màu xanh ngút ngàn của các loại cây ăn quả như nhãn, xoài, cam, bưởi... thay thế màu xanh của cây ngô, cây sắn năng suất thấp trước đây.
Đến bản Tân Lập, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, chúng tôi càng thêm ấn tượng hơn khi đứng giữa những vườn nhãn ghép đang vươn mình tỏa bóng, những công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương tự động hiện đại được bà con nhân dân áp dụng để tưới ẩm cho cây trồng.
Ông Trần Văn Lộc, thôn Tân Lập, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, chia sẻ: Trước năm 2008, tôi chỉ làm nghề kinh doanh chuyên đi thu mua bắp ngô, củ sắn của bà con ở các xã trên địa bàn huyện, chưa nghĩ bản thân sẽ gắn bó với nghề trồng cây ăn quả.
Thế rồi như một cơ duyên, tôi đi học hỏi kinh nghiệm ở các vùng trồng cây ăn quả khác cũng như mất một năm trời xuống Viện cây ăn quả ở Hà Nội để học cách chiết, ghép mắt, chăm sóc, bón phân... cho cây nhãn. Khi nắm chắc kiến thức tôi trở về địa phương để áp dụng.
Theo ông Lộc, loại nhãn lồng Hưng Yên đã được bà con mang lên trồng ở vùng đất Chiềng Khương từ hàng chục năm nay. Khi cây già cỗi, cao chót vót, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Với những kinh nghiệm, kiến thức vốn có của bản thân, gia đình ông Lộc đã mua đất vườn nhãn của một số hộ dân trồng lâu năm để tiên phong thực hiện quy trình ghép mắt. Sau khoảng 3 năm ghép, những cây nhãn đã tỏa bóng, và cho quả, năng suất cao gấp nhiều lần so với trước khi ghép mắt.
Hiện nay, ông Lộc có 9 ha cây ăn quả, trong đó, 6 ha nhãn ghép chín sớm, chín muộn được áp dụng công nghệ tưới phun tự động. Nhờ đó, mà cây nhãn luôn sinh trưởng, phát triển tốt, khi cho quả đều to, cùi dày, chất lượng cao được nhiều thương lái rất ưa chuộng.
Có những năm vườn nhãn của gia đình ông Lộc cho thu gần 100 tấn quả tươi, riêng vụ năm 2024 do ảnh hưởng của thời tiết nên chỉ thu được trên 30 tấn quả, thu về hơn 1,2 tỷ đồng.
Còn tại xã Mường Hung, đây là một những xã vùng III biên giới, cách trung tâm huyện Sông Mã 20 km, tổng diện tích tự nhiên của xã gần 9.400 ha. Trong đó, đất nông nghiệp hơn 5.680 ha, còn lại là đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng. Xã Mường Hung nằm trên tuyến đường tỉnh lộ 115, đây là tuyến đường kết nối giữa xã với huyện và các xã lân cận thuận lợi trong việc giao thương, vận chuyển hàng hóa.
Với những điều kiện thuận lợi đó, thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, huyện, xã Mường Hung đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đưa các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào trồng thay thế cây ngô, cây sắn, điểm nhấn là phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đến nay, xã Mường Hung có trên 600 ha cây ăn quả các loại; duy trì thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, như: Mô hình trồng nhãn, bưởi của hợp tác xã nông nghiệp Nà Lứa, quy mô 40 ha; HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản Bua Hin, với 15 ha cây ăn quả; HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Hung, với 35 ha...
Ông Cầm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Mường Hung, huyện Sông Mã, cho biết: Hiện xã có 28 bản, hơn 2.200 hộ dân, với gần 10.380 nhân khẩu, có 4 dân tộc Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú cùng sinh sống. Với sự nỗ lực vượt khó, sự chung tay hỗ trợ từ các chương trình dự án đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hoá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân.
Bây giờ bộ mặt nông thôn mới đang hiện hữu trên khắp vùng quê; hệ thống điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư đồng bộ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,17%. Điều mừng và phấn khởi nhất là xã Mường Hung đang chuẩn bị cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2024.
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, đây cũng là khâu đột phá trong phát triển nông, lâm nghiệp, giảm diện tích cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc. Theo đó, huyện Sông Mã đã cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Huyện ủy bằng các văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện rà soát, đánh giá diện tích đất canh tác cây trồng ngắn ngày hiệu quả thấp để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.
Đồng thời, thu hút, mời gọi các doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả; mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho bà con nhân dân.
Đến nay, huyện Sông Mã có tổng diện tích gần 11.000 ha cây ăn quả, trong đó, có 7.670 ha, hơn 1.800 ha cây xoài 1.827 ha, còn lại là diện tích cây ăn quả khác như bưởi, nho, ổi, cam...
Hiện huyện Sông Mã có 50 mã vùng trồng được cấp và quản lý, với tổng diện tích hơn 712 ha, sản lượng trên 7 nghìn tấn, trong đó, 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 25 mã vùng trồng nhãn, xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand.
Để xây dựng vùng quả an toàn, phát triển chuỗi liên kết, trên địa bàn huyện thành lập và duy trì 75 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX tập trung chủ yếu vào sản xuất quả cây ăn quả chủ yếu là cây nhãn.
Hiện trên địa bàn toàn huyện đã có 52/75 HTX, công ty sản xuất cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích gần 1.000 ha, trong số này, diện nhãn chiếm nhiều nhất, với 856,22 ha, sản lượng quả đạt trên 8.562 tấn/năm, còn lại là xoài, bưởi, cam, nho hạ đen...
Đối với các sản phẩm xoài, nhãn được xuất khẩu sang thị trường EU, Vương Quốc Anh, Đức, Trung Quốc và tư thương tại các chợ đầu mối, thị trường tiêu thụ trong nước, Công Ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Sơn La thu mua để chế biến... Tổng sản lượng đạt gần 40.000 tấn, doanh thu đạt hàng nghìn tỷ đồng.
Sản phẩm dứa, bưởi, cam, quýt chủ yếu tiêu thụ Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao - Chi nhánh Sơn La và thị trường trong nước, các chợ đầu mối, với sản lượng đạt trên 3.000 tấn quả, doanh thu đạt gần 41 tỷ đồng...
Ngoài các loại cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Sông Mã đang triển khai thêm mô hình lê tai nung VH6 quy mô 1 ha tại bản Huổi Chả, xã Nậm Mằn. Mô hình trồng thâm canh chôm chôm theo tiểu chuẩn VietGAP gắn với hệ thống tưới ẩm và liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 0,1 ha tại bản Co Kiểng, xã Huổi Một. Mô hình trồng mới và ghép cải tạo nhãn Ánh Vàng , diện tích 20 ha và ghép cải tạo 6,5 ha tại các xã: Mường Sai, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Huổi Một, Yên Hưng. Hiện đã trồng được 9,9 ha và ghép cải tạo được 5,5 ha.
Sông Mã được đánh giá là một trong những điểm sáng về phát triển nông nghiệp của tỉnh Sơn La, điển nhấn là phát triển vùng trồng cây ăn quả...
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: Đối với huyện Sông Mã để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thế mạnh của huyện vẫn là phát triển nông nghiệp, do vậy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cùng các xã đưa các loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao về cho bà con trồng. Từ đó, người dân, các HTX đã có những cây trồng hiệu quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Nguyễn Tiến Hải, Sông Mã luôn được biết đến là vùng trồng nhãn có diện tích lớn nhất toàn tỉnh, xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ nhãn hằng năm, sản lượng đạt trên 70.000 tấn quả tươi. Ngoài sản phẩm bán quả tươi, người dân, các HTX đã triển khai thực hiện chế biến long nhãn.
Đồng thời, huyện Sông Mã đã đề xuất và được UBND tỉnh Sơn La hỗ trợ xây dựng các lò sơ chế long nhãn, với gần 3.000 lò sơ chế. Đây là một trong những công nghệ mới được áp dụng cho các hộ gia đình cũng như HTX, góp phần sơ chế long nhãn tại chỗ.
Ngoài sơ chế long nhãn tại địa phương, huyện Sông Mã cũng góp một phần tiêu thụ nhãn tươi để sơ chế long nhãn cho các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La... tạo thành sản phẩm long nhãn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Cùng với đó, đã góp một phần rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập.
Thời gian tới, huyện Sông Mã tiếp tục tuyên truyền bà con nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, đưa giống mới, giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong nông nghiệp.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn chăm sóc vườn cây ăn quả, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn...