Lãnh đạo đánh giá cao mô hình rau trên cao nguyên Si Pa Phìn
Tháng 1/2024, sau khi thăm quan mô hình rau trên cao nguyên Si Pa Phìn của hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao mô hình trồng rau mà hợp tác xã đang triển khai. Đồng chí Bùi Thị Thơm chia sẻ: "Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy địa phương nào có hợp tác xã trồng rau lại có quy mô, diện tích cũng như việc đầu tư bài bản như tại huyện Nậm Pồ. Tại các địa phương có điều kiện thuận lợi về mặt bằng thì không nói, nhưng ở đây các bạn phải san đồi, chở đất màu từ nơi khác đến, hút nước từ dưới suối sâu lên để trồng rau thì thật đáng khâm phục".
Sau khi thăm quan mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Si Pa Phìn, một số đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã bất ngờ trước sự thành công của mô hình. Vì từ trước đến nay khi nhắc đến Si Pa Phìn thì ai cũng biết đấy là vùng đất cằn cỗi, thiếu mọi thứ chỉ thừa nắng với gió.
Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ - người đã vật lộn suốt bao ngày kể từ khi hình thành ý tưởng về vườn rau trên cao nguyên Si Pa Phìn, giờ mới như "trút" bớt gánh lo đè nặng bấy lâu nay. Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngô Xuân Chiến, khẽ nói: "Nghĩ lại tôi cũng thấy mình liều". Rồi ông Chiến kể: Chả có ai như tôi, chuyên môn chính là dạy học, việc chính là quản lý giáo dục vốn đã "rất nặng" rồi, vậy mà khi Huyện ủy ban hành Nghị quyết 56 về phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn trên địa bàn huyện, giai đoạn 2023-2025 tôi đã dốc sức triển khai chỉ vì mong muốn được góp sức đánh thức một vùng đất, đánh thức khát vọng thoát nghèo và đánh thức những ước mơ trong mỗi học trò.
Theo ông Ngô Xuân Chiến thì thành công của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Si Pa Phìn chính là nguồn vốn do nhà đầu tư bỏ ra. "Để có thành quả như bây giờ, nếu sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ không thành công. Vì sử dụng nguồn vốn hỗ trợ khi triển khai dự án có những bất cập phải báo cáo, thay đổi dự toán… như thế không thể làm được. Nhưng nguồn vốn của nhà đầu tư, khi thấy bất cập chúng tôi có thể thay đổi cho phù hợp", ông Chiến cho biết thêm.
Cao nguyên Si Pa Phìn đảm bảo nguồn cung ứng rau sạch cho học sinh
Điểm đặc biệt nhất, thị trường của hợp tác xã chủ yếu cung cấp rau sạch, an toàn cho các trường học giá bằng với giá thị trường và mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh lân cận. Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện thì Nậm Pồ là một trong những huyện còn rất khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao, vườn rau Si Pa Phìn đã được ra đời nhằm "gỡ khó" phần nào cho ngành giáo dục địa phương trong việc đưa thực phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tới các trường học.
Để bảo đảm nguồn rau sạch cung ứng cho bữa ăn bán trú, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ cũng như các trường đã tiến hành giám sát chặt chẽ về chất lượng, xuất xứ và nguồn gốc thực phẩm, chủng loại, định lượng. Công khai, minh bạch nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn của các trường.
Bắt đầu từ tháng 1/2024, vườn đã cung cấp đủ sản lượng rau đáp ứng bữa ăn hàng ngày của hơn 15 nghìn học sinh. Trung bình mỗi ngày có gần 20 lao động là người dân tộc thiểu số làm việc tại vườn; cao điểm mùa thu hoạch lên tới 50 người làm việc mà 100% người lao động đều là người dân các bản Tân Lập, Chiềng Nưa ở trong xã. Cũng từ vườn rau này, có rất nhiều gia đình Thái trắng, H'Mông đã được học thêm kiến thức trồng cây, trồng rau; hàng trăm gia đình đã chủ động nuôi nhốt gia súc để lấy phân cải tạo đất và hàng trăm gia đình đã đăng ký trồng rau theo quy trình sản xuất thuận tự nhiên, an toàn.
Người dân bản Tân Lập, Chiềng Nưa, Nậm Chim, Sân Bay… trong xã Si Pa Phìn dần thay đổi cách sống cách làm. Thay cho suy nghĩ đi xa làm thuê thì giờ đây dưới mỗi mái nhà ở Si Pa Phìn người ta đã nói với nhau nhiều hơn về những dự định làm việc ở nhà để thuận tiện chăm sóc con cái và phụng dưỡng cha mẹ. Chị Lò Thị Phương, người dân bản Tân Lập đang làm tại vườn rau, cho biết: Mỗi tháng tôi được nhận lương gần 7 triệu đồng, được đi về nhà hàng ngày, được ăn, ở với con và có tiền trang trải cuộc sống. Công việc hiện tại của tôi ở vườn rau là tốt lắm rồi.
Nhắc lời chị Phương "tốt lắm rồi", ông Bí thư Đảng ủy xã Vàng A Kỷ nói: "Đúng là có vườn rau này tốt lắm rồi". Nhờ có vườn rau, cao nguyên Si Pa Phìn đã được khoác trên mình tấm áo mới tuyền một màu xanh mướt mải, xanh mơn mởn bốn mùa. Từ vườn rau này, khát vọng thoát nghèo của người dân cũng bừng thức vươn lên với các dự định cải tạo đất ruộng, đất rừng, mở rộng diện tích trồng rau, trồng khoai để góp sức cùng chính quyền phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2024 toàn xã Si Pa Phìn có 70% gia đình được công nhận gia đình văn hoá; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 32% thay cho con số hơn 40% tỷ lệ nghèo đã nhiều năm án ngữ…