Thông tin về thực trạng số bản và số hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn ở thời điểm năm 2020, ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Điện Biên Đông, cho biết: Cuối nhiệm kỳ 2015-2020, toàn huyện còn 39 bản với tổng số hơn 2.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa được sử dụng điện. Trong số 39 bản chưa có điện, có nhiều bản như là: Mường Tỉnh A ở xã Xa Dung; bản Háng Pa, Háng Tàu ở xã Chiềng Sơ; bản Từ Xa A, Từ Xa B ở xã Phì Nhừ… từng là các vùng cách mạng mà trước, trong và trong chiến dịch Điện Biên Phủ đồng bào các dân tộc thiểu số ở nơi đây đã chở che, nuôi giấu cán bộ từ xuôi lên. Nhân dân trong vùng luôn tin tưởng, chung lòng thực hiện các mục tiêu, đồng lòng theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Thế nhưng, do địa hình phức tạp, giao thông cách trở, người dân ở rải rác trên núi cao, nhiều bản tách biệt hoàn toàn trong khi nguồn lực đầu tư hàng năm có hạn nên ước mong được dùng điện của người dân nơi đây cứ đằng đẵng trôi năm này sang năm khác. Nhiều người tuổi cao sức đã yếu chỉ ước mong được một lần thấy ánh sáng điện thì dù có nằm xuống cũng mãn nguyện lắm rồi!
Hiểu những niềm mong ấy của người già; hiểu cả những khó khăn trong chặng đường phát triển kinh tế của lớp lớp thanh niên với khát khao xây dựng bản làng, ngay khi bắt tay thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên Đông khóa 6 đã ban hành riêng một Nghị quyết về việc xóa bản "trắng" điện lưới quốc gia với mục tiêu đến cuối năm 2025 huyện không còn bản "trắng" điện, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt hơn 95%. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng các công trình điện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện còn chỉ đạo cụ thể cách làm là bản thuận lợi làm trước, bản xa khó làm sau nhưng "đích" về là 198/198 bản trong huyện đều có điện vào năm 2025.
Bắt tay thực hiện nghị quyết, mỗi đồng chí Huyện ủy viên và cán bộ các phòng, ban đều tập trung cao nhất trách nhiệm ngay từ khâu khảo sát, đến tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, góp công làm các công trình điện. Khi triển khai xây dựng dự án cấp điện ở địa bàn bản nào, xã nào thì nhân dân địa phương sẽ cùng cán bộ các đơn vị chức năng của huyện giám sát, đồng thời hỗ trợ công nhân vận chuyển nguyên vật liệu đến chân công trình. Tại những điểm bản xa xôi, khó khăn, người dân còn nấu cơm đem đến công trình cho anh em công nhân ăn rồi tranh thủ nghỉ ngơi để tập trung thi công. Cứ như thế từ bản này sang bản khác, hết công trình này đến công trình khác, "sức nóng" từ nghị quyết đưa điện về thắp sáng vùng cao Điện Biên Đông đã lan tỏa khắp các bản xa xôi hẻo lánh toàn huyện. Chung một tinh thần làm việc ấy, đến cuối năm 2023 toàn huyện Điện Biên Đông đã có thêm 21 bản với 1.364 hộ dân là đồng bào các dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia.
Ông Tòng Văn Chum, Trưởng bản Pá Chuông - Pá Dên, xã Na Son, cho biết: Bản đã thành lập hơn 40 năm rồi mà không có điện, cuộc sống của người dân bản khó khăn lắm vì vừa phải lo đi làm vừa phải lo kiếm củi đun, kiếm củi bản lấy tiền mua dầu thắp đèn cho con cháu học hành. Cuối năm vừa qua, nhờ sự quan tâm của huyện gần 50 hộ dân bản Pá Chuông - Pá Dên đã được nhìn ánh sáng đèn điện, được ăn cơm nấu bằng nồi điện; trẻ em học bài, người già nghe đài, xem ti vi cùng bằng điện. Cuộc sống dân bản Pá Chuông - Pá Dên thực sự "sang trang" mới rồi…
Chung niềm vui như người dân bản Pá Chuông - Pá Dên, cuối năm 2023 vừa qua, 81 hộ dân ở hai bản Tồng Sớ và Ao Cá thuộc xã Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông) cũng mừng khôn xiết khi chứng kiến công nhân Điện lực Điện Biên Đông đóng điện vận hành công trình hệ thống điện sinh hoạt tại hai trạm biến áp Tồng Sớ và Ao Cá. Ông Mùa Giống Vàng, người dân xã Pú Hồng, cho biết: hai bản Tồng Sớ và Ao Cá ở Pú Hồng cách trung tâm huyện Điện Biên Đông 70km, nhưng vì chưa có điện nên cuộc sống của người dân rất khó khăn vất vả, nhưng từ nay có điện về bà con sẽ có thêm động lực vươn lên… Tạm bằng lòng với những con số về số bản, số hộ dân được sử dụng điện tăng theo thời gian song không thật an lòng vì suy nghĩ.
Bao nhiêu năm nay hàng nghìn người dân ở vùng khó cứ mong mỏi, đợi chờ. Thế nên, dù chỉ một bản chưa có điện thì tôi chưa thể hài lòng, chưa thể giữ trọn lời hứa với bà con luôn canh cánh trong lòng Bí thư Huyện ủy Mùa A Vảng. Bởi thế Bí thư Huyện ủy Mùa A Vảng đã chủ động đề xuất, xin chủ trương và xin một chuyến "vào Nam" nhờ hỗ trợ, nhờ đồng hành với huyện vùng khó trên hành trình đưa điện về thắp sáng bản vùng cao. "Không chỉ nhận được tình cảm sẻ chia ấm áp, Điện Biên Đông và người nghèo Điện Biên Đông còn được Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 50 tỷ đồng xây dựng các công trình cấp điện cho các bản vùng cao" - ông Mùa A Vảng cho biết thêm như thế.
Nhờ nguồn ủng hộ quý báu của Thành phố Hồ Chí Minh, ngay trong năm 2024 Huyện ủy Điện Biên Đông đã chỉ đạo triển khai ngay 10 công trình cấp điện cho 13 bản với tổng số 626 hộ dân ở các xã: Xa Dung, Chiềng Sơ, Tìa Dình, Keo Lôm, Phì Nhừ, Mường Luân, Pú Nhi. Cùng với nguồn đầu tư 48,7 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững, trong năm 2024 Điện Biên Đông sẽ có thêm hàng chục công trình đưa điện về các bản được triển khai xây dựng. Và mục tiêu 100% bản có điện lưới, trên 95% hộ dân được cấp điện vào cuối năm 2025 thì hiện nay Điện Biên Đông đã như "cầm chắc" thành công.