dd/mm/yyyy

Điện Biên: Đưa công nghệ thông tin vào kinh doanh, chuyển đổi số đối với các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo báo cáo đánh giá thực trạng, hiện nay trong số 236 HTX đang hoạt động chỉ có 38 HTX đã ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh (chiếm 16%). Đây là con số rất nhỏ so với tổng số HTX trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Theo thống kê của Liên Minh hợp tác xã Điện Biên, hiện nay hoạt động thương mại điện tử ngày càng sôi động với gần 500 sản phẩm nông, lâm nghiệp… của tỉnh Điện Biên được đưa lên sàn thương mại điện tử. Số lượng doanh nghiệp, HTX thực hiện nộp thuế điện tử đạt 97%. Nhiều HTX đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường.

Điện Biên: Đưa công nghệ thông tin vào kinh doanh, chuyển đổi số đối với các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Do nhiều yếu tố, đến nay việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, khâu kinh doanh bán hàng của các HTX tại Điện Biên còn nhiều khó khăn. Ảnh Vinh Duy.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều bất cập, khó khăn như: Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, khâu kinh doanh bán hàng chưa được chú trọng; thiếu kỹ năng xây dựng kịch bản quảngcáo sản phẩm để thu hút khách trên môi trường điện tử; hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ, nguồn đầu tư của các HTX còn hạn chế… Nhiều HTX chưa có nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị trong chuyển đổi số. Vì thế việc tiếp cận với công nghệ thông tin còn nhiều bất cập.

Để khắc phục những khó khăn về trình độ công nghệ thông tin, Liên minh Hợp Tác xã Điện Biên đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng xử lý thông tin, giúp các HTX áp dụng công nghệ thông tin vào bán hàng. Nhiều HTX đã chủ động xây dựng hệ thống bán hàng điện tử thông qua mạng xã hội như zalo, facebook… Từ đó đã giới thiệu được các mặt hàng nông, lâm sản… của Điện Biên đến bạn bè trong và ngoài nước. Theo lãnh đạo Liên Minh HTX Điện Biên, để chuyển đổi số tại các HTX thực sự mạnh thì cấp ủy, chính quyền địa phương cần vào cuộc, hỗ trợ các HTX trang thiết bị để các HTX phát triển.

Điện Biên: Đưa công nghệ thông tin vào kinh doanh, chuyển đổi số đối với các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Để khắc phục những khó khăn về trình độ công nghệ thông tin, Liên minh Hợp tác xã Điện Biên đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng xử lý thông tin, giúp các HTX áp dụng công nghệ thông tin vào bán hàng. Ảnh Vinh Duy.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lò Văn Pâng, Giám đốc HTX Hồng Phước, xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: "Chúng tôi rất mong muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ để đẩy mạnh chuyển đổi số. Chúng tôi đưa các sản phẩm của HTX lên sàn giao dịch điện tử, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của HTX cũng như của tỉnh Điện Biên. Hiên nay HTX còn khó khăn về vốn, đầu tư hạ tầng để chuyển đổi số. Nói thì dễ nhưng để triển khai được rất khó vì chúng tôi còn yếu về chuyên môn, pháp lý trong lĩnh vực này"

Theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 3/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Chỉ thị nêu rõ, khu vực kinh tế tập thể (trong đó bao gồm các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã) luôn được Đảng, Nhà nước và các đối tác phát triển quan tâm, hỗ trợ. Thời gian qua, phát triển khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức tầm quan trọng về phát triển khu vực kinh tế tập thể của các cấp, các ngành được nâng lên; thể chế, cơ chế chính sách được hoàn thiện; số lượng hợp tác xã tăng lên và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được cải thiện. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao; mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp với xu thế phát triển; nguồn lực tài chính và trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế nêu trên là chuyển đổi số còn chậm, thiếu tính chiến lược, hành động cụ thể.

Điện Biên: Đưa công nghệ thông tin vào kinh doanh, chuyển đổi số đối với các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 3.

Liên Minh HTX Điện Biên tổ chức các lớp tập huấn cho các HTX về chuyển đổi công nghệ số. Ảnh Vinh Duy.

Do đó, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động thực hiện chuyển đổi số, để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích nghi với tình hình phát triển mới.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển tại địa phương. Chủ động thực hiện chuyển đổi số theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Hệ thống Liên minh hợp tác xã tiếp tục đổi mới hoạt động của hệ thống, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể; bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của hợp tác xã để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền; thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp cho các hợp tác xã; xây dựng và nhân rộng một số mô hình hợp tác xã chuyển đổi số hiệu quả;

Tại hội nghị đánh giá mức độ, thực trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi tỉnh Điện Biên vào tháng 12/2023 đã có nhiều ý kiến đã thảo luận về những khó khăn, hạn chế về chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể. Đồng thời, chia sẻ và giới thiệu mô hình HTX điển hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Khó khăn vướng mắc trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và triển khai nội dung hỗ trợ xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến cho các HTX và thành viên, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền múi tại Điện Biên.

Trên cơ sở đó, Liên minh HTX Điện Biên đề ra các giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin về thị trường và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng công nghệ số. Trong đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các HTX thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; lựa chọn, thống nhất hệ sinh thái chuyển đổi số miễn phí, phục vụ hỗ trợ chuyển đối số hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX; đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ tư vấn, hỗ trợ của Liên minh HTX Điện Biên làm nền tảng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Vinh Duy