dd/mm/yyyy

Đánh thức cao nguyên Si Pa Phìn (Bài 1)

Với 18 bãi bằng gối nhau như bát úp, cao nguyên Si Pa Phìn (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) còn được nhiều người biết đến là điểm tái định cư mẫu trong cuộc đại di dân để xây dựng nhà máy Thuỷ điện Sơn La.

Cũng chính tại cao nguyên Si Pa Phìn mênh mông thơ mộng, trước đây đã có rất nhiều điều nảy sinh khi lần lượt các dự án hỗ trợ người dân tái định cư trồng mía, trồng rừng không hiệu quả, chỉ tại vì cao nguyên nắng gió và thiếu nước… Vậy mà nay, trên các triền đồi ở cao nguyên ấy đã phủ kín một màu xanh miết mải của rất nhiều loài rau xanh và cây trái, tạo điểm nhấn riêng cho một cao nguyên mênh mang nắng, mênh mang gió nơi biên thuỳ... Báo Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử xin giới thiệu loạt bài: Đánh thức cao nguyên Si Pa Phìn.

Thay đổi nhận định về vùng đất (Bài 1)

Loay hoay tìm kế sinh nhai cho người dân

Trước đây, nhắc đến xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ ai cũng lắc đầu ngao ngán, vì đây là "vùng đất khát" theo đúng nghĩa đen. Đã có nhiều dự án của Nhà nước đầu tư để nâng cao đời sống người dân nhưng đều "chết yểu", lý do chính là không có nước để phục vụ sản xuất. Cả vùng đất rộng bao la chỉ có một con suối, nhưng làm sao lấy nước lên những quả đồi cao thì thực sự là một câu hỏi khó.

Đánh thức cao nguyên Si Pa Phìn: Thay đổi hoàn toàn nhận định về vùng đất (Bài 1)- Ảnh 1.

Những ngày đầu mới triển khai dự án, Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Si Pa Phìn (Nậm Pồ) gặp rất nhiều khó khăn, do triển khai ở địa hình đồi núi cao, thiếu nước sản xuất. Ảnh Vinh Duy.

Những năm 2000, khi Nhà nước xây dựng khu tái định cư kiểu mẫu để phục vụ tái định cư thủy điện Sơn La, những ngôi nhà sàn làm bằng bê tông được xây dựng ở Si Pa Phìn. Nhà nước cũng quan tâm, đầu tư nhiều tiền của để xây dựng cơ sở vật chất cho Si Pa Phìn, nhưng cuộc sống của người dân vẫn rất khó khăn.

Những năm sau này, tỉnh Điện Biên cũng có nhiều dự án để phát triển kinh tế cho người dân Si Pa Phìn như phát triển cây mía, trồng rừng… nhưng đều thất bại. Lý do duy nhất mà từ lâu chưa giải quyết được chính là thiếu nước sản xuất. Theo như lời ông Lò Văn Chơi, nguyên Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn thì "dự án đi qua, đói nghèo ở lại. Đầu tiên là dự án trồng mía. Nhà nước cấp giống, phân bón cho người dân trồng. Được vụ đầu cây mía phát triển tốt, người dân có thu nhập. Nhưng giá mía cũng bấp bênh, năm được giá, năm mất giá. Có những năm thương lái không đến mua, người dân đành chặt bỏ mía cho gia súc ăn… Rồi đến dự án trồng rừng cũng không đem lại hiệu quả kinh tế".

Đánh thức cao nguyên Si Pa Phìn: Thay đổi hoàn toàn nhận định về vùng đất (Bài 1)- Ảnh 2.

Sau 5 tháng triển khai cải tạo đất với nhiều khó khăn, vất vả, vụ rau xanh đầu tiên trên đất Si Pa Phìn đã thành công ngoài mong đợi. Ảnh Vinh Duy.

Đánh thức vùng đất khát Si Pa Phìn

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: "Lãnh đạo huyện, đặc biệt là đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Khánh Hòa đã rất trăn trở làm sao có thể "đánh thức" vùng đất khô cằn này. Bí thư Huyện ủy đã nhiều lần gọi tôi lên, giao việc nghiên cứu triển khai mô hình trồng rau xanh an toàn để cung cấp cho các trường học. Nói thật, lúc đầu tôi cũng hoang mang, mình là giáo viên, có kinh nghiệm làm nông nghiệp gì đâu. Điều quan trọng là vận động được đơn vị nào đồng hành, chia sẻ với huyện mới là vấn đề. Sau nhiều lần khảo sát tại Si Pa Phìn, tôi đã vận động thành công anh Nguyễn Ngọc Toàn, ở thành phố Điện Biên Phủ đầu tư thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn". Cũng theo ông Chiến thì đã có nhà đầu tư rồi, nhưng mình phải có đất để họ triển khai mô hình. Có nhà đầu tư rồi, vấn đề quan trọng nhất là diện tích đất phải đủ cho họ triển khai dự án. Họ đầu tư là làm lớn, chứ nhỏ lẻ họ không làm.

Đánh thức cao nguyên Si Pa Phìn: Thay đổi hoàn toàn nhận định về vùng đất (Bài 1)- Ảnh 3.

Cao nguyên Si Pa Phìn đầy nắng và gió đã cho "trái ngọt". Học sinh Nậm Pồ đã được sử dụng rau xanh, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh Vinh Duy.

Còn về lý do "tại sao lại lựa chọn Si Pa Phìn" thì ông Chiến tiết lộ rằng, đó là nơi có quỹ đất rộng lớn và có rất nhiều người đã ấp ủ khát vọng vươn lên. Bởi thế, ngay khi nghe ông Chiến đặt vấn đề hỗ trợ tìm quỹ đất và vận động nhân dân ủng hộ thì các đồng chí lãnh đạo xã, nguyên lãnh đạo xã cùng các trưởng bản ở Si Pa Phìn đã đồng lòng nhất trí cao. Trực tiếp về các bản Tân Lập, Tân Hưng, Chiềng Nưa tìm gặp người dân và chủ đất thông tin về dự án. Các ông: Vàng A Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã; Mùa A Hòa, Chủ tịch UBND xã; Vàng Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã còn cam kết đồng hành, sẵn sàng tiếp nhận giải quyết mọi đề nghị của nhân dân, sao cho quyền lợi của người có đất và nhà đầu tư đều được đảm bảo công bằng. Riêng ông Lò Văn Chơi, nguyên Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn và ông Vàng Văn Lập còn sẵn sàng nhường ruộng lúa hai vụ cho một số gia đình ở bản Tân Lập để nhận lại một ít đất trên đồi trong quy hoạch vườn rau.

Nhờ có sự ủng hộ, cách làm trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo xã đã góp phần quan trọng hình thành quỹ đất liền thửa với diện tích hơn 30ha trên cao nguyên Si Pa Phìn. Như điều ông Ngô Xuân Chiến chia sẻ thì đó là nền móng đầu tiên để ông và nhà đầu tư là anh Nguyễn Ngọc Toàn thêm quyết tâm, cho dù những bước sau còn vô vàn khó khăn, thách thức.

Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo trên báo điện tử Trang Trại Việt vào 18h hôm nay (ngày 2/7)

Vinh Duy