dd/mm/yyyy

Chàng trai 9X người Mông trồng "cây đại bổ", ai cũng tưởng khoai lang mà bán đắt, "bỏ túi" đều đều trăm triệu mỗi năm

Từ ngày trồng sâm đất (cây thuốc có củ giống khoai lang), Vàng A Tùng ở bản Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát (Lào Cai) luôn đắt hàng. Hiện, mỗi năm gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng từ thứ "cây đại bổ" này.
Chàng trai 9X người Mông trồng "cây đại bổ", ai cũng tưởng khoai lang mà bán đắt, "bỏ túi" đều đều trăm triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Vàng A Tùng bên vườn cây sâm đất của gia đình ở Bát Xát (Lào Cai).

Tốt nghiệp Đại học tình nguyện về quê giúp dân làm giàu

Ngày 4/12, Vàng A Tùng vinh dự được tham dự và tự tin báo cáo thành tích tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 ở Hà Nội khiến hàng nghìn đại biểu có mặt tại đại hội hết sức bất ngờ. Ai cũng khen ngợi và ngưỡng mộ đam mê và tài năng của Bí Thư Chi bộ Ngải Thầu Thượng.

Vừa xong bài phát biểu báo cáo thành tích tại đại hội, chia sẻ với chúng tôi A Tùng bảo: "Từ trước đến giờ em chỉ quen làm việc nay lần đầu phát biểu trước hàng nghìn người em run quá!".

A Tùng sinh năm 1992, trong một gia đình dân tộc Mông ở bản Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát (Lào Cai), Vàng A Tùng là anh cả trong gia đình có 5 anh chị em. Hoàn cảnh gia đình của Tùng cũng khó khăn như bao gia đình người Mông khác ở bản.

Nhưng may mắn, Tùng là một trong số ít thanh niên trong bản được đi học cao và vào được Đại học Lâm nghiệp ở Xuân Mai (Hòa Bình). Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2015, A Tùng có một thời gian làm việc tại một số công ty ở Hải Dương, Bắc Ninh nhưng cuối cùng Tùng lại quyết định trở về quê hương lập nghiệp.

Ngày ấy A Tùng nhận thấy cây sâm đất được một số gia đình trồng mang lại hiệu quả kinh tế, Tùng đã bàn với gia đình chuyển đổi diện tích trồng ngô sang cây sâm đất, rồi từng bước mở rộng diện tích.

Đến năm 2019, gia đình Tùng đã có khoảng 1ha sâm đất, ngay trong năm đó, hộ nhà anh đã có thu nhập từ cây sâm đất được trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, Tùng còn nuôi 8 con trâu, bò; đầu tư chăm sóc 4ha cây thảo quả. Theo đó, mỗi năm gia đình anh có thu nhập khoảng 120 triệu đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, Tùng còn vận động bà con trong bản cùng làm theo, nhờ đó mà đến năm 2019, bản Ngải Thầu Thượng đã trồng được 10ha sâm đất, thu hoạch trên 80 tấn.

Sang năm 2020 này, cả bản đã tiếp tục chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng sâm đất, với diện tích gần 20ha, trở thành bản có diện tích cây sâm đất lớn nhất trong toàn xã.

Vàng A Tùng

"Vinh dự được về Thủ đô dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II tôi có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công việc để đưa về áp dụng vào công tác xã hội và sản xuất ở quê hương. Đồng thời qua bài phát biểu của mình, tôi cũng muốn truyền cảm hứng cho các thanh niên đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực học tập để có thêm các kiến thức mới quay về giúp dân bản mình vươn lên làm giàu".

Trong quá trình sản xuất, Tùng đã vận dụng kiến thức học được để hướng dẫn bà con ở bản trồng sâm đất sớm hơn vụ trước để đủ nước tưới tiêu và áp dụng thêm các tiến bộ kỹ thuật mới giúp cây trồng cho năng suất cao hơn… Đặc biệt, A Tùng còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm giúp bà con yên tâm làm giàu.

Chàng trai 9X người Mông trồng "cây đại bổ", ai cũng tưởng khoai lang mà bán đắt, "bỏ túi" đều đều trăm triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Vàng A Tùng trả lời phỏng vấn báo, đài bên lề Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II ở Hà Nội.

"Trước đây, đồng bào Mông ở bản chủ yếu trồng ngô, phải chăm sóc vất vả, năng suất thấp. Từ khi chuyển sang trồng cây sâm đất, bà con có thu nhập khá hơn. Năm 2010 với 100% hộ nghèo, đến nay, hộ nghèo của bản chỉ còn 38/85 hộ, chiếm 44,71%", Tùng tiết lộ.

"Dân vận khéo" để thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Được kết nạp vào đảng năm 2016, năm 2018, A Tùng được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ bản. Trách nhiệm, nhiệt huyết thôi thúc người cán bộ trẻ dân tộc Mông đi đầu trong phát triển kinh tế. Để bà con làm theo, Vàng A Tùng tích cực tuyên truyền vận động bà con trong bản thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tập quán và những hủ tục.

Trong công tác vận động người dân góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới, để người dân hiểu, Tùng giải thích cặn kẽ cho bà con về lợi ích có đường đi lại thuận tiện, ô tô có thể vào tận bản sẽ giúp hàng hóa được mua bán thuận tiện, giá cao hơn… Nhờ có cách "dân vận khéo", A Tùng đã thuyết phục được được hơn 40 hộ dân trong bản hiến hơn 5,8km đất và cùng tham gia góp công làm xong đường giao thông nông thôn ở địa phương.

Đặc biệt, một hủ tục khó thay đổi của đồng bào Mông là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhưng nhờ có Chi bộ và vai trò của Bí thư Chi bộ Vàng A Tùng trong công tác tuyên truyền, mà những năm qua trong bản hầu như không còn tình trạng này xảy ra.

TS. BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, củ sâm đất còn có tên gọi khác là Yacon hay Hoàng Sin Cô, dân gian còn gọi là khoai sâm vì củ giống khoai lang.

Củ sâm đất chứa nhiều chất fructooligosaccharide, gọi tắt là FOS. Dưỡng chất này có lợi cho sức khỏe với 3 công dụng chính.
Thứ nhất, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư đại tràng. Dưỡng chất này điều chỉnh được hệ thống vi khuẩn ở trong đường ruột, từ đó tăng cường hệ miễn dịch.
“Hệ thống đường ruột của con người có rất nhiều vi khuẩn. Những vi khuẩn này cung cấp một số chất miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa.
Sau khi chúng ta sử dụng các loại kháng sinh, ngoài việc diệt được vi khuẩn bệnh lý thì cũng diệt luôn các vi khuẩn đường ruột có lợi.

Vì vậy đa phần chúng ta sẽ bị rối loạn tiêu hóa sau khi sử dụng kháng sinh”, TS. BS Trương Thị Ngọc Lan khằng định.

Thứ hai, củ sâm đất có tác dụng hạ đường huyết khá rõ rệt trên thực nghiệm cũng như trên lâm sàng, hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.
Thứ ba, liên quan đến bệnh lý béo phì, loại củ này làm cho cơ thể mau no, đẩy nhanh quá trình bài tiết ra ngoài vì nó tăng nhu động ruột. Tác dụng phụ của nó gây rối loạn tiêu hóa, bệnh nhân dễ bị tiêu chảy…


Hải Đăng