Thời tiết khắc nghiệt, nhiều sâu bệnh hại
Để bán bưởi tết, mỗi năm, 1 vườn bưởi chỉ làm 1 vụ. Vì thế bắt đầu từ tháng 5 âm lịch hàng năm, bà con trồng bưởi tại Đồng Nai đã bắt đầu tiến hành hãm nước, xử lý ra hoa đậu trái.
Ông Nguyễn Đình Bảo – người trồng bưởi đào ở xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) kể: Năm nay, thời tiết thay đổi thất thường, nắng gắt sau đó mưa nhiều, khiến việc xử lý bông không đạt yêu cầu.
Ông Ngô Văn Truyền Lâm - kỹ sư Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho biết, làm trái cây vụ tết thường mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Song do phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năm thì mất mùa năm thì dội chợ, do nhiều người cùng làm nên vụ bưởi tết tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ông Bảo, tại huyện Cẩm Mỹ, người dân chủ yếu trồng 2 loại: Bưởi da xanh và bưởi đào. Khác với bưởi da xanh, bưởi đào có giá bán thấp hơn nhưng năng suất đạt cao hơn.
Nhưng nhìn chung năm nay, bưởi nào làm vụ tết cũng khó khăn hơn so với mọi năm. Thời tiết khắc nghiệt đầu vụ, nhiều nhà vườn hãm nước sớm nên ra trái ít. Đến khi mưa thì lại nhiều và nặng hạt đi kèm nhiều loại sâu bệnh hại bưởi.
"Ở nhiều vườn, cây bưởi thậm chí không có bông nên không đậu trái. Năng suất ước đạt khoảng 40 tấn/ha, giảm 20 tấn so với năm ngoái" - ông Bảo nói.
Tại làng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), vườn bưởi 5 tháng tuổi của ông Nguyễn Văn Minh cũng đang chuẩn bị phục vụ cho thị trường tết. Theo ông Minh, do năm nay là năm nhuận, lại có mưa nhiều ở giai đoạn bưởi ra bông (tầm tháng 5 đến tháng 6 âm lịch) nên gây nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc.
Ông Minh đánh giá, so với các vụ khác trong năm thì với vụ bưởi tết, người trồng bưởi gặp nhiều rủi ro. Bưởi bán tết chủ yếu là chưng trên các mâm ngũ quả nên đòi hỏi trái bưởi có mẫu mã và chất lượng cao. Cho nên người trồng bưởi tết phải thường xuyên thăm vườn, tỉ mỉ hơn trong khâu chăm sóc.
Tuy nhiên, do phụ thuộc thời tiết, năng suất bưởi tết chỉ dao động từ 1,5-2 tấn/ha. Cùng với đó là các loại sâu bệnh trong mùa mưa gây hại trên trái bưởi nên giá thành sản xuất tăng. Vì thế, nhiều người thường không mạo hiểm đầu tư hết vào vụ tết mà chọn giải pháp an toàn là xử lý bán trái rải vụ quanh năm.
Nếu như ngày thường, giá bưởi dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg; vào dịp tết, giá bưởi thường tăng cao gấp đôi. "Vụ tết tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chỉ mong giá bưởi được bình ổn để bù lại sản lượng hao hụt là tốt rồi" - ông Minh nói.
Khan hiếm bưởi để tạo hình
Tại xã Phú Tân (huyện Châu Thành, Hậu Giang), những trái bưởi tạo hình của nghệ nhân Võ Trung Thành từ lâu nổi tiếng khắp nơi. Hiện vườn bưởi của ông cũng đang bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị phục vụ thị trường tết.
Dù có hàng chục năm kinh nghiệm làm bưởi, ông Thành cũng đánh giá, năng suất năm nay sụt giảm mạnh. Theo ông Thành giải thích, thời điểm hoa bưởi đang làm nhụy để đậu trái thì gặp mưa dầm liên tục ngày đêm. Mưa nhiều làm trôi hết những hạt phấn hoa. Có những vườn, hoa bưởi rụng hết 90%, không còn trái bưởi để sản xuất.
Thêm phần các vườn bưởi ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã già cỗi, không đạt yêu cầu tạo hình nên ông Thành phải tìm sang những vườn bưởi khác, trong và ngoài tỉnh để hợp tác tạo hình quả bưởi.
Mùa tết năm ngoái, ông Thành và các thành viên trong câu lạc bộ bưởi tạo hình đưa ra thị trường khoảng 6.000 trái bưởi tạo hình. Tết năm nay, ông Thành dự kiến chỉ đưa ra thị trường khoảng 2.000 trái.
Ông Ngô Văn Truyền Lâm - kỹ sư Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho biết, làm trái cây vụ tết thường mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Song do phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năm thì mất mùa năm thì dội chợ, do nhiều người cùng làm nên vụ bưởi tết tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hiện cây bưởi đang vào giai đoạn chăm trái, nông dân không nên cung cấp lượng đạm quá nhiều, nhất là đạm hóa học; điều tiết cân đối lượng phân NPK, tăng cường kali cuối vụ để chất lượng trái tốt hơn.
"Vườn bưởi cần tỉa cành, tạo tán phù hợp, không để vườn rậm rạp để phòng tránh nguy cơ xuất hiện hiện sâu bệnh ở những đợt mưa trái mùa, làm ảnh hưởng đến chất lượng trái và giá bán giảm" - ông Lâm khuyến cáo.