Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Lò Văn Phới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chiến, cho biết: "Trước đây, người dân Ngọc Chiến có tập quán chăn thả trâu tự do. Mùa đông, khí hậu ở Ngọc Chiến rất khắc nghiệt nên mỗi năm số lượng trâu chết lên đến hàng trăm con, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế gia đình".
Từ năm 2016 trở lại đây, xã đã chỉ đạo Hội Nông dân, khuyến nông, thú y xuống các bản tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trâu nhốt chuồng, trồng cỏ voi VA06 cho người dân. Sau nhiều năm thực hiện, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, từng bước giảm nghèo bền vững.
Trò chuyện xong với ông Phới, chúng tôi được ông Quàng Văn Mến - cán bộ thú y xã Ngọc Chiến dẫn đi thăm mô hình nuôi trâu nhốt chuồng của nông dân Lò Văn Áng ở bản Mường Chiến.
Trên đường đi, ông Mến thông tin: "Gia đình anh Áng là một trong những hộ dân có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi trâu vỗ béo. Cách đây 3 tháng, ông Áng bán được 1 con trâu đực khủng cho thương lái ở Yên Bái với giá 100 triệu đồng".
Tâm sự với chúng tôi, ông Áng chia sẻ: "So với tập quán chăn thả trâu tự do như trước đây, phương thức nuôi trâu nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Cách đây 5 năm, gia đình tôi cũng như các hộ dân ở bản Mường Chiến này đều thả rông trâu. Bởi vậy, trâu rất gầy và hay bị chết. Sau khi được cán bộ Hội Nông dân, khuyến nông xã đến tận nhà vận động và giới thiệu một số mô hình nuôi trâu nhốt chuồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thấy cán bộ tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi trâu, gia đình tôi bỏ ít vốn ra mua gạch, xi măng, ngói về làm chuồng nuôi nhốt, xây máng ăn cho trâu. Gia đình có mấy thửa ruộng nên rơm rạ rất nhiều, đủ cho trâu ăn đến mùa thu hoạch lúa tiếp theo. Để chủ động thêm nguồn thức ăn cho trâu, gia đình tôi trồng thêm 1ha cỏ VA06.
"Đầu tháng 3 vừa rồi, tôi vừa xuất bán một con trâu mộng nặng khoảng 700kg cho thương lái ở Yên Bái và thu được 100 triệu đồng. Trước đây, nuôi trâu thả rông, mỗi con đực chỉ bán được từ 30 - 40 triệu đồng. Giờ chuyển sang nuôi trâu nhốt chuồng cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần", ông Áng phấn khởi nói.
Nuôi trâu nhốt chuồng tiết kiệm được sức lao động, ông Áng có thêm thời gian lên các bản vùng cao, đi sang huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) mua trâu đực gầy từ 2 - 3 tuổi về chăm sóc. Sau thời gian chăm sóc từ 4 - 6 tháng vỗ béo, mỗi con trâu đực đạt trọng lượng 600kg, ông Áng xuất bán được từ 70 triệu đồng-100 triệu đồng/con.
Rời nhà ông Áng, chúng tôi tìm đến gia đình chị Lò Thị Cham. Hiện, gia đình chị Cham đang nuôi 2 con trâu đực. Lấy tay xoa xoa vào đầu 2 con trâu mộng của mình, chị Cham bảo: "2 con này, hôm bữa thương lái trả 80 triệu đồng mỗi con nhưng gia đình vẫn chưa muốn bán. Đợi vỗ béo thêm vài tháng nữa, giá tăng lên mới bán".
Chia sẻ kỹ thuật nuôi trâu nhốt chuồng, ông Quàng Văn Mến - cán bộ thú y xã Ngọc Chiến, cho biết: "Chúng tôi đã tập huấn cho bà con xây dựng chuồng trại chắc chắn, đảm giữ ấm được cho trâu vào mùa đông, xây dựng nơi cao ráo, nền chuồng phải cao hơn mặt đất bên ngoài 20-30cm và láng xi măng, độ dốc khoảng 2% để tiện cho quá trình chăm sóc. Ngoài ra, bà con cần vệ sinh chuồng trại định kỳ, tiêm phòng vacxin, cung cấp thức ăn đầy đủ cho trâu theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn mới đem lại hiệu quả kinh tế cao".
Theo lãnh đạo UBND xã Ngọc Chiến, vài năm trở lại đây, xã Ngọc Chiến đã trở thành cơ sở có mô hình điểm trong phát triển đại gia súc theo phương thức nhốt chuồng để các cơ sở khác trong huyện Mường La đến thăm quan và học tập kinh nghiệm.
Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Mường La tập huấn kỹ thật chăn nuôi đại gia súc, trồng cỏ voi cho bà con. Qua đó, giúp người dân yên tâm phát triển nghề nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.