dd/mm/yyyy

Chuyện về "Chủ tịch chân đất" ở Ngọc Chiến

Đó là ông Lò Văn Pháng (sinh năm 1964, dân tộc Thái) – Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Bà con nhân dân xã Ngọc Chiến gọi ông Pháng với cái tên thân mật “Chủ tịch chân đất”. Bởi, những công lao ông đã đóng góp, mang lại cho người dân và xã.

Người mang giống lúa về xóa đói cho toàn xã

Những ngày đầu tháng 5, có dịp trở lại xã Ngọc Chiến – 1 trong những xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện Mường La. Nở nụ cười thân thiện tiếp đón tôi tại trụ sở UBND xã Ngọc Chiến là ông Lò Văn Pháng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến.

Thoạt đầu nhìn ông Chủ tịch này, tôi cảm giác như mình đang nói chuyện và làm việc với một ông nông dân giỏi. Hôm gặp, ông mặc áo sơ mi cộc tay, quần âu, chân đi dép tổ ong.

Chuyện về "Chủ tịch chân đất" ở Ngọc Chiến  - Ảnh 1.

Ông Lò Văn Pháng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến.

Vừa pha xong ấm chè, tôi chưa kịp nói gì, ông đã thao thao kể về giống nếp "Pháng Xiên" – giống lúa đã giúp nhân dân Ngọc Chiến từ chỗ đói nghèo đến no ấm như hôm nay.

"Những năm 90, tỷ lệ hộ nghèo ở Ngọc Chiến là 100%. Mỗi năm, người dân Ngọc Chiến chỉ làm ruộng một vụ, canh tác giống nếp truyền thống, năng suất thấp nên mùa giáp hạt năm nào cũng thiếu đói triền miên", ông Pháng nhớ lại.

Tôi hỏi tại sao lại gọi là giống nếp "Pháng Xiên", ông Pháng nói đó là cả một câu chuyện dài. Rồi ông say xưa kể cho tôi nghe hành trình đưa giống lúa "Pháng Xiên" về xóa đói cho hàng nghìn hộ dân ở Ngọc Chiến.

Chuyện về "Chủ tịch chân đất" ở Ngọc Chiến  - Ảnh 2.

Ông Pháng trực tiếp xuống các bản hướng dẫn kỹ thuật nuôi trâu cho bà con.

Theo đó, năm 1991, ông Lò Văn Pháng được kết nạp đảng, giữ chức Phó Bí thư Đoàn xã Ngọc Chiến, Trưởng bản Nà Phày. Năm 1996, xã Ngọc Chiến nhận được giấy chiêu sinh mời gọi thanh niên đi học tại Trường Trung cấp Nông lâm Sơn La (nay là Trường Cao Đẳng Nông lâm Sơn La).

Lúc đó, hệ thống giao thông đi lại khó khăn, không muốn xa gia đìnhh, vợ con nên các thanh niên trong xã ai cũng lắc đầu không chịu đi. Ngẫm lại thời học cấp 2, ông Pháng thường nghe các thầy cô bảo rằng, chỉ có con đường học mới thoát được nghèo. Rồi ông Pháng xách ba lô rời xa người vợ trẻ và 4 đứa con thơ xuống núi đi học.

Chuyện về "Chủ tịch chân đất" ở Ngọc Chiến  - Ảnh 3.

Hiện, số lượng trâu, bò ở xã Ngọc Chiến hơn 3.000 con, diện tích trồng cỏ voi khoảng 400ha. So với nuôi thả rông, nuôi trâu nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

"Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông con. Năm 1984, sau khi học xong cấp 2, tôi lập gia đình rồi ra ở riêng. Năm 1996, khi đó tôi 32 tuổi, có 4 đứa con mới đi học Trường Trung cấp Nông lâm. Tôi trở thành gánh nặng cho gia đình vì vợ con phải nuôi mình đi học" – ông Pháng kể.

Đã có những thời điểm, ông Pháng muốn bỏ học trở về với vợ con, với bản làng. Nhưng trong thâm tâm ông lại nghĩ đến cảnh người vợ, bà con nông dân Ngọc Chiến đang từng ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" với mong muốn thoát được đói nghèo.

Chính những lý do ấy đã trở thành động lực thôi thúc ông Pháng ngày đêm đèn sách "dùi mài kinh sử" trên ghế nhà trường. Thời gian thấm thoát trôi đi, năm 1999, ông Pháng hoàn thành chương trình học và đi thực tập tại huyện Yên Châu.

Chuyện về "Chủ tịch chân đất" ở Ngọc Chiến  - Ảnh 4.

Ông Pháng (giữa) tích cực vận động bà con vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

 Trong chuyến đi thực tập này, cơ duyên đã đưa giống nếp 87 đến với ông Pháng. Năm đó, giống nếp 87 mới ra đời chưa lâu thì được đưa lên trồng thử nghiệm ở huyện Yên Châu. Áp dụng những kiến thức học được, ông Pháng tiến hành gieo mạ, cấy thử nghiệm.

"Thật bất ngờ, sau 3 tháng chăm sóc, giống nếp 87 cho thu hoạch với năng suất cao chưa từng thấy, đạt từ 9 – 10 tấn/ha. Trong khi giống nếp truyền thống cấy ở Ngọc Chiến chỉ cho năng suất từ 2,5 – 2,8 tấn/ha nên mùa giáp hạt năm nào bà con cũng thiếu đói. Tôi mừng khóc ra nước mắt vì quá sung sướng. Cơ hội xóa đói, làm giàu đây rồi", ông Pháng cười.

Theo ông Pháng, giống nếp 87 không những cho năng suất cao, gạo thơm ngon, dẻo, kháng sâu bệnh tốt, mà thời gian từ lúc cấy đến khi cho thu hoạch ngắn hơn khoảng 25 ngày so với giống lúa nếp truyền thống.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông lâm Sơn La, ông Pháng mang theo mình 2,5kg giống nếp 87 trở về Ngọc Chiến để cứu đói cho đồng bào. Với 2,5kg giống, năm đầu tiên trồng thử nghiệm trên mảnh ruộng của gia đình, ông Pháng thu được 8 tạ thóc.

"Giống lúa này cho năng suất cao gấp 3 – 4 lần giống nếp truyền thống. Tôi còn nhớ, sau khi thu được 8 tạ thóc, gia đình anh Pháng không dám ăn một hạt nào mà giữ lại để làm giống cho cả bản. Nhưng tiếc thay, lúc anh Pháng đến "gõ cửa" từng hộ dân bỏ giống cũ chuyển sang canh tác giống nếp 87 thì mọi người đều không tin và bảo đó là giống thóc lai", già bản Lò Văn Phát, bản Đông Xuông, bảo vậy.

Không vận động được người dân, ông Pháng quay sang vận động người thân quen cùng canh tác giống nếp 87. Vụ sau, gia đình ông Pháng và người thân thu được 10 tấn thóc. Trên cùng một mảnh ruộng, cấy giống nếp truyền thống chỉ thu được 10 bao thóc, nhưng khi chuyển sang cấy giống nếp 87 thu được 30 bao thóc.

Mỗi một mùa vụ qua đi, nhìn thấy gia đình ông Pháng và một số hộ khác thu được hàng chục tấn thóc, có gạo ăn quanh năm, các hộ dân tự tìm đến nhà ông Pháng xin giống nếp 87 về trồng. Thấy cuộc sống của bà con khó khăn, ông Pháng cung cấp giống và nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho người dân.

Những mùa vụ tiếp theo, gần 2.000 hộ dân trong toàn xã chuyển sang cấy giống lúa nếp 87 thay giống lúa cũ. Từ đó, giống lúa nếp 87 đã giúp Ngọc Chiến giải quyết được bài toán đói giáp hạt trong toàn xã. Không những vậy, nhờ bán thóc, gạo nếp 87 cho các địa phương lân cận, người dân Ngọc Chiến đã làm được nhà cửa kiên cố, sắm sửa được nhiều vật dụng mới cho gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Theo già bản Lò Văn Phát, để biết ơn anh Pháng, nhân dân xã Ngọc Chiến đã lấy tên ông Pháng và con trai đầu của ông là Lò Văn Xiên đặt tên cho giống lúa nếp 87 là nếp "Pháng Xiên". Tiếng đồng bào Thái Trắng ở Ngọc Chiến gọi là "khẩu Pháng Xiên".

Hơn chục năm đề xuất cấm thả rông gia súc

Không những là người đưa giống lúa nếp "Pháng Xiên" giúp hàng nghìn hộ dân ở xã Ngọc Chiến xóa đói, vươn lên làm giàu, ông Pháng còn là người đầu tiên đề xuất chủ trương cấm thả rông gia súc trên toàn xã.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để chủ trương cấm thả rông gia súc thành hiện thực, ông Pháng đã phải "đấu tranh" với một số lãnh đạo xã Ngọc Chiến trong giai đoạn 2014 - 2016.

Năm 2004, nhờ những công lao đóng góp của ông Pháng cho bà con nhân dân Ngọc Chiến nên ông được người dân bầu là đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Thời điểm đó, ông Pháng đang làm khuyến nông viên xã.

Ông Pháng nhận thấy, bà con Ngọc Chiến sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nếu muốn kinh tế phát triển thì việc đầu tiên cần phải làm là chuyển từ phương thức thả rông gia súc sang nuôi nhốt chuồng. Bởi vậy, tại các kỳ họp của HĐND xã, ông Pháng đều đề xuất đưa vào Nghị quyết về việc cấm thả rông gia súc.

Đề xuất của ông Pháng nhận được sự đồng tình, nhất trí rất cao của mọi người. Nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là lãnh đạo xã. Thời bấy giờ, những nhà nhiều gia súc nhất trên địa bàn xã Ngọc Chiến chủ yếu là lãnh đạo xã nên đề xuất của ông Pháng thực chất chỉ nằm trên giấy, không thể triển khai, thực hiện được.

"Việc cấm thả rông gia súc, năm nào họp tôi cũng đề xuất. Nhưng lãnh đạo xã thời ấy chưa quyết liệt nên rất khó thực hiện. Trong giai đoạn 2010 - 2016, tôi lần lượt làm Phó Chủ tịch UBND xã rồi Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, nhưng điều trăn trở của tôi cách đây chục năm cũng không thực hiện được.

Từ năm 2016, khi được bầu giữ chức Chủ tịch xã, tôi quyết định thành lập Tổ công tác đến từng bản tuyên truyền, vận động người dân trồng cỏ voi, làm chuồng trại nhốt gia súc. Anh em làm rất quyết liệt nhưng cũng chỉ cấm được 70%, phải tuyên truyền, vận động mãi đến năm 2018, mới cấm được toàn bộ", ông Pháng chia sẻ.

Nói về ý tưởng cấm thả rông gia súc, ông Pháng bộc bạch: Điều này xuất phát từ thực tiễn. Đầu tiên, nếu cấm thả rông gia súc, khi người dân cấy lúa, trồng ngô, trồng rau… không phải lên rừng chặt cây rào vườn nên giữ được rừng, thuận lợi trong trồng trọt.

Thứ 2, tháng 10 hàng năm khi bà con thu hoạch mùa màng xong, hơn nghìn con trâu, bò, dê thả rông đến tháng 4 năm sau mới đi lùa về. Gia súc đi đâu mặc kệ, bởi vậy, trâu, bò hộ này nhầm hộ kia, bị rơi xuống vực... chết khá nhiều. Ngoài ra, mùa đông ở Ngọc Chiến rất lạnh. Đỉnh điểm, năm 2014, xảy ra đợt rét kỷ lục, làm hơn 600 con trâu, bò bị chết…

Ông Cà Văn Ong dân bản Nà Tâu, bảo: "Năm 2016, sau khi lên làm Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, ông Pháng đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn xuống cơ sở tập huận kỹ thuật trồng cỏ voi, làm chuồng trại nuôi nhốt trâu, dừng ngay việc thả rông gia súc. Nhờ vậy, những năm sau đó, toàn xã không có con bò nào bị chết rét.

Trâu, bò nuôi nhốt được người dân chăm sóc tốt nên đem lại giá trị kinh tế rất cao. Những con trâu, bò trước đây thả rông gầy gò, ốm yếu chỉ bán được từ 20 triệu - 30 triệu đồng/con. Sau khi chuyển sang nuôi nhốt, có những con trâu bán được từ 70 triệu đến cả trăm triệu đồng".

Bên cạnh đó, việc nuôi nhốt trâu, bò còn tạo phân bón giúp bà con chăm sóc cây cối, hoa màu. Mọi việc Chủ tịch Pháng làm việc gì đều hướng tới nhân dân nên ông được bà con xã Ngọc Chiến rất quý trọng và tin yêu.

Nói về Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, tâm sự: "Cán bộ, công chức xã Ngọc Chiến đánh giá rất cao năng lực của anh Pháng. Anh thực sự là một cán bộ của nhân dân. Từ những cách làm sáng tạo, mang tính đột phá của anh đã giúp nhân dân Ngọc Chiến có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Ngọc Chiến giảm từ 89% năm 2015 xuống 28% năm 2019. Ngọc Chiến trở thành mô hình điểm về nuôi nhốt trâu, bò trong phát triển sản xuất; diện mạo nông thôn Ngọc Chiến thay đổi như hôm nay… Có được những kết quả này, anh Pháng là "hạt nhân" chính trong lãnh đạo, chỉ đạo".

"Làm được cái gì cho dân, cho Đảng và Nhà nước, thấy nó tự hào lắm, vui sướng lắm! Khi cùng cán bộ đến cơ sở với bà con, nhìn thấy nhà nhà được ăn no, mặc ấm, nụ cười niềm nở đón tiếp, cảm giác lúc đó thật khó để diễn tả", ông Pháng xúc động trước khi nói lời chia tay chúng tôi.

(Dân Việt)