Đầu tư phát triển “tam nông” là chủ trương xuyên suốt
Phát triển “tam nông” là một chủ trương đúng đắn và quan trọng xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Agribank 30 năm qua. Tính đến 31.7.2018, tổng vốn huy động của Agribank đạt gần 1.200.000 tỉ đồng; tổng dư nợ cho vay và đầu tư đạt 1.185.855 tỉ đồng, trong đó: dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 73,4%.
Agribank có thế mạnh về mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc, từ thành thị đến nông thôn với gần 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch; đội ngũ cán bộ nhân viên 40.000 người có trình độ, nhiệt huyết, am hiểu địa phương, tận tình hướng dẫn giúp đỡ khách hàng có nhiều cơ hội tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, làm thủ tục vay vốn nhanh gọn, giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại.
Thực hiện cơ chế chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Agribank đã cụ thể hóa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn với những chính sách tín dụng thiết thực đối với từng đối tượng cụ thể, Agribank xem xét cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm…; Agribank luôn chủ động đẩy mạnh công tác huy động vốn và dành nguồn vốn với lãi suất thấp nhất để cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thủ tục hồ sơ vay vốn đơn giản, dễ làm, thuận tiện cho khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Nỗ lực đưa vốn về nông thôn
Agribank luôn làm tốt công tác huy động vốn với nguồn vốn dân cư tăng trưởng tốt (biểu hiện hơn 1 triệu tỉ đồng mà Agribank huy động được hiện nay, trong đó chủ yếu là vốn huy động từ dân cư), đồng thời tranh thủ nguồn vốn từ các dự án ủy thác của WB, ADB… đáp ứng nhu cầu vốn cho nông nghiệp, nông thôn.
Để đạt được kết quả quan trọng trong việc đầu tư cho vay phục vụ “tam nông”, phải kể đến sự quyết tâm, nỗ lực nhiệt tình và đầy tâm huyết của 4 vạn cán bộ nhân viên Agribank luôn phấn đấu, cố gắng vượt qua những khó khăn, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Agribank là ngân hàng thương mại (NHTM) có mạng lưới rộng lớn nhất bao phủ khắp mọi vùng miền, huyện đảo, tuy nhiên để duy trì vận hành mạng lưới lớn đồng nghĩa với duy trì chi phí cao. Ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, món vay thường nhỏ lẻ; hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp, thói quen sử dụng tiền mặt và điều kiện cơ sở vật chất, đời sống người dân đã được cải thiện nhưng vẫn thua khá xa so với khu vực đô thị. Agribank phải bỏ ra một lượng chi phí không nhỏ để dự trữ điều hòa tiền mặt, chưa kể chi phí kiểm đếm, bảo hiểm tiền, hệ thống kho tàng, thiết bị...
Mặc dù với những khó khăn như vậy, cán bộ nhân viên của Agribank vẫn miệt mài, chăm chỉ phục vụ nhân dân, phục vụ khách hàng, làm tốt công tác huy động nguồn vốn ở các thành phố lớn với lãi suất cạnh tranh, điều tiết và chuyển tải vốn về khu vực nông nghiệp, nông thôn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn để cho vay với lãi suất thấpnhằm đưa nguồn vốn tín dụng góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Ưu tiên cho “làn sóng” nông nghiệp xanh
Sứ mệnh của Agribank gắn với “ram nông”, trong Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 -2020, Agribank quán triệt, quyết liệt tổ chức thực hiện và tập trung nguồn lực ưu tiên nguồn vốn đầu tư tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, với mục tiêu: Tiếp tục thực hiện chính sách cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực ưu tiên khác theo chỉ đạo của Chính phủ; duy trì dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; đa dạng hóa cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng khách hàng, đảm bảo tăng trưởng về quy mô phù hợp với cân đối vốn, gắn với kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng; xử lý, kiểm soát nợ xấu có hiệu quả, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm từ 12-18%. Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Agribank đặc biệt chú trọng nâng cao năng suất lao động và giảm thiểu rủi ro trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ chiến lược này, Agribank có lộ trình, bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa thông qua tăng cường hợp tác với các Bộ, Ngành, đối tác cùng chung mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững; tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp sạch với lãi suất ưu đãi phát triển nông nghiệp xanh, chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao… nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nông sản Việt, khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới và là sự lựa chọn hàng đầu của thị trường trong nước.
Là NHTM chủ lực đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, phát triển bền vững luôn là mục tiêu hàng đầu được Agribank hướng đến. Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch và bền vững, cung cấp nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái, Agribank đã ban hành văn bản số 7517/NHNo-TD về việc triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” theo đó, từ 01/11/2016, Agribank dành gói tín dụng ưu đãi tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ phát triển nông nghiệp sạch, với kỳ vọng chương trình tín dụng ưu đãi này sẽ phát huy hiệu quả và có tác động chuyển biến mạnh mẽ đến nền nông nghiệp Việt Nam.