Để hiểu rõ hơn về những kết quả đã đạt được, khó khăn mà Đảng bộ, nhân dân huyện Vị Xuyên đã vượt qua và định hướng trong giai đoạn tới, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Thanh Tịnh – Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên xung quanh vấn đề này.
Đổi mới diện mạo các vùng quê ở Vị Xuyên
Đến nay chương trình xây dựng NTM của huyện Vị Xuyên đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
- Vị Xuyên là huyện vùng cao biên giới, xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM huyện Vị Xuyên đã đạt kết quả đáng ghi nhận, đúng trọng tâm chương trình đã đề ra.
Đến hết năm 2021, toàn huyện đã có 9/22 xã đạt chuẩn NTM tăng 5 xã so với năm 2016; bình quân đạt 14,6 tiêu chí/xã; tổng số tiêu chí hoàn thành đạt 322 tiêu chí và có 13 xã đạt từ 11-14 tiêu chí.
Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 26,8 triệu đồng/năm. Riêng đối với các xã về đích NTM thì mức thu nhập cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của huyện. Nhờ đó đời sống vật chất người dân đã từng bước được nâng cao.
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, nhưng huyện Vị Xuyên vẫn huy động được các nguồn lực xã hội hóa để nâng cao chất lượng, tập trung cho hạ tầng giao thông nông thôn.
Theo đó, người dân trong huyện đã hiến 2.500m2 đất; đóng góp 4.304 ngày công lao động; quyên góp, hỗ trợ trên 12,13 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM; bê tông hóa 39,7 km đường giao thông thôn các loại; 1,6km đường đất đá được mở mới; nâng cấp, sửa chữa 1,294km đường...
Về sản xuất nông nghiệp có sự tăng trưởng và phát triển khá, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả cao.
Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp cũng được huyện Vị Xuyên tập trung đẩy mạnh. Hiện đã có 95 hợp tác xã, 132 tổ hợp tác và 117 nhóm sở thích về phát triển trồng trọt và chăn nuôi được thành lập.
Có thể nói, Chương trình xây dựng NTM ở huyện Vị Xuyên đã đạt được những thành tựu khá toàn diện. Hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản bảo đảm; Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề.
Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Những thành tựu đó đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Vị Xuyên nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung.
Theo ông, những yếu tố nào đã giúp địa phương đạt được những kết quả tuyệt vời này?
- Có thể nói rằng ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Vị Xuyên đã tập trung rất cao độ. UBND huyện xác định: xây dựng NTM là chương trình tổng thể, có ý nghĩa hết sức quan trọng để thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Để có được những kết quả này, Đảng bộ huyện đã tổ chức phân công nhiệm vụ rất rõ ràng. Đồng thời, bám chắc vào kế hoạch của tỉnh, quy định của Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai theo từng lộ trình, giai đoạn phù hợp đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Vị Xuyên đã thực hiện tốt 3 khâu đột phá, 6 chương trình trọng tâm và các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch, đề án đã đề ra.
Công tác triển khai thực hiện luôn được lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo kịp thời theo phương trâm "Tập trung, sâu sát, quyết liệt, cụ thể".
Đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, nhất là vai trò của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, huyện Vị Xuyên đã lựa chọn những xã có điều kiện để tổ chức làm điểm và nhân rộng ra các xã tiếp theo.
Trong quá trình thực hiện chúng tôi đã rút được kinh nghiệm với phương châm dễ làm trước khó làm sau, tiêu chí không cần nhiều ngân sách thì triển khai trước.
Vị Xuyên xác định, để xây dựng NTM một cách bền vững thì không có cách nào khác ngoài việc làm sao để người dân có thu nhập ổn định.
Vì vậy huyện Vị Xuyên đã tập trung vào xây dựng nông nghiệp bền vững, cải tạo vườn tạp, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên sẵn có ở địa phương để phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Vị Xuyên cũng còn vận dụng linh hoạt các quy định của nhà nước, cơ chế chính sách của tỉnh để đầu tư vào những xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ; đào tạo nghề và đưa lao động đi làm việc ở các công ty trong nước tạo việc làm cho người dân.
Đưa 8 xã cùng về đích nông thôn mới
Trong quá trình đó, địa phương đã có những thuận lợi gì và gặp khó khăn ra sao thưa ông?
- Huyện Vị Xuyên được tỉnh Hà Giang chọn làm huyện động lực của tỉnh, nên chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ban ngành trong quá trình thực hiện chương trình.
Một yếu tố thuận lợi nữa đó là cấp ủy, chính quyền địa phương Vị Xuyên luôn có sự đồng lòng, quyết tâm rất cao. Các xã vùng thấp mặt bằng dân trí khá cao vì vậy từ khâu tuyên truyền, vận động người dân cũng đã vào cuộc rất quyết liệt, có điều kiện để làm NTM.
Bên cạnh thuận lợi thì Vị Xuyên cũng gặp nhiều khó khăn đó là: Dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí ở các xã vùng cao còn thấp, kinh tế còn nghèo, bởi vậy khi thực hiện các tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng điện, giao thông... phải sử dụng nguồn lực khá lớn trong khi ngân sách của huyện hạn chế nên đã gặp rất nhiều khó khăn. Để thực hiện chương trình, chúng tôi vẫn phải dựa chủ yếu vào ngân sách của tỉnh và Trung ương.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện hay, ngân sách Trung ương chưa phân bổ, nên khi thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM đang gặp trở ngại.
Chúng tôi mong muốn Trung ương quan tâm nhiều hơn nữa đối với các huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Vị Xuyên nói riêng để chúng tôi có điều kiện, nguồn lực xây dựng NTM một cách bền vững nhất.
Xin ông cho biết định hướng xây dựng nông thôn mới của huyện Vị Xuyên trong thời gian tới?
- Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng xác định rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện của địa phương nên giai đoạn 2021 – 2025, huyện Vị Xuyên phấn đấu có thêm 8 xã về đích NTM, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với 9 xã đã đạt chuẩn. Mục tiêu trong giai đoạn này là hằng năm tăng số tiêu chí và xây dựng thôn nông thôn mới.
Năm 2022, huyện Vị Xuyên được tỉnh giao tăng 4 tiêu chí, huyện phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí; công nhận 8 thôn NTM; hoàn thành 60 km đường bê tông các loại và phấn đấu có 4 thôn biên giới đạt tiêu chí giao thông; 2 thôn biên giới đạt tiêu chí điện.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, chúng tôi thực hiện theo từng thôn, theo từng tiêu chí. Chọn những tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau; các thôn, xã sẽ thực hiện theo tiêu chí khác nhau. Xác định đến năm 2025, 8 xã cùng về đích xây dựng NTM chứ không làm riêng từng xã.
Đồng thời Vị Xuyên đề ra một số giải pháp chủ yếu đó là: Tổ chức triển khai, tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; Phát huy vai trò tham gia của người dân hướng tới xây dựng NTM văn minh, sạch đẹp, hạ tầng kiên cố hiện đại; sản xuất nông nghiệp phải bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; Tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, đối với 8 xã trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện Vị Xuyên sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu giai đoạn; có lộ trình hoàn thành cụ thể cho từng tiêu chí.
Thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, tạo sự phấn khởi trong đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng NTM.