Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc
Với sự vào cuộc quyết liệt, trực tiếp của hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của nhân dân, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn đã gặt hái nhiều thành quả quan trọng.
Tính đết hết năm 2019, toàn huyện đã huy động được 337.236 triệu đồng; làm mới, nâng cấp trên 349,57 km đường giao thông nông thôn các loại; cải tạo, nâng cấp gần 56 công trình nhà lớp học; 105 công trình nhà văn hóa thôn và 2.023 công trình nhà tắm, nhà vệ sinh, bể nước; Tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững giảm xuống còn 23,30%
Từ những kết quả trên, đến nay, toàn huyện Vị Xuyên đã có 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; nâng tổng số tiêu chí của 22 xã là 309 tiêu chí, đạt 14,04 tiêu chí/xã tăng 5,44 tiêu chí so với khi kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Bí Thư Huyện ủy huyện Vị Xuyên cho biết: Quá trình xây dựng NTM của huyện Vị Xuyên đã đạt được thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đảm bảo, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất. Thu nhập bình quân đạt 23,84 triệu đồng/người, tăng 9,24 triệu đồng so với giai đoạn 2010 – 2015.
Kinh tế nông nghiệp ngày càng khởi sắc
Kinh tế nông nghiệp của huyện cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, làng nghề. Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng NTM như: Chương trình liên kết trồng mía xuất khẩu với diện tích 89,68ha; mô hình cá chép ruộng quy mô 1,5ha; sản xuất rau an toàn trong nhà lưới với tổng diện tích trên 2,73ha; mô hình dưa hấu vụ Xuân - hè với tổng diện tích 64,5ha...
Đến nay, huyện Vị Xuyên đã có 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. phấn đấu hết năm 2020 sẽ có thêm 2 xã về đích nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, ông Lê Thanh Hải chia sẻ: Bên cạnh việc xây dựng các mô hình kinh tế, huyện Vị Xuyên cũng nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả các cơ chế, chính sách về tín dụng ưu đãi để phát triển nông nghiệp nông thôn.
Nhờ đó, tăng trưởng bình quân toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 đạt 6,5%; phát triển nông nghiệp chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu; từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hoá, lấy giá trị gia tăng và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác làm thước đo sản xuất và đích đến.
Đến nay, 100% diện tích đất canh tác được trồng các loại cây trồng có năng suất, giá trị. Năm 2020, giá trị thu hoạch trên diện tích đất canh tác của xã Đạo Đức dự kiến đạt 80 triệu đồng/ha.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, với mục tiêu đến năm 2025, giá trị thu hoạch sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 76 triệu đồng/ha/năm; huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường. Vị Xuyên phấn đấu hết năm 2020 sẽ có thêm 2 xã về đích nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 10 xã.