Từ phim truyền hình "Cá rô, em yêu anh!"
Lấy bối cảnh về miền Tây sông nước, nơi sở hữu một địa danh nổi tiếng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, nằm trải dọc trên bờ Bắc sông Tiền. Phim kể về cuộc sống của những người trẻ trên bước đường thực hiện ước mơ, kể về những câu chuyện tình bạn, tình yêu dễ thương, ấn tượng. Ẩn đằng sau tiếng cười đó sẽ là một thông điệp ý nghĩa: Cho dù mỗi người có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, hưởng thụ điều kiện giáo dục khác nhau, nhưng nếu có cố gắng kiên trì, chịu khó học hỏi, dám đương đầu với khó khăn thì sẽ thành công. Và cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nếu bên cạnh những thành công, chúng ta biết trân trọng tình thân, chung thuỷ với tình yêu và cao thượng trong tình bạn.
Nhân vật nữ chính do Tường Vy thủ vai là Phù Sa, là một cô gái miền Tây chính gốc, sinh viên ngành nông học, thông minh, cá tính và có chút hậu đậu. Gia đình Phù Sa là một gia đình trung lưu ở Tiền Giang, canh tác vườn vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim. Mơ ước của cô là tất cả mọi người trên thế giới đều ăn và biết đến vú sữa Việt Nam. Nhân vật nam chính là Phạm Đình Quang Huy (Bình Minh đóng) là một chàng công tử gia đình giàu có, thế lực. Huy học tập, làm việc đều xuất sắc và cũng chính vì thế mà Quang Huy rất kiêu ngạo. Quang Huy và Phù Sa thường xuyên phải đụng độ với nhau trong rất nhiều trường hợp trớ trêu.
Và sau mỗi cuộc gặp, mỗi biến cố, lý tưởng, ước mơ của họ đã tìm thấy nhau, đó là cùng nhau đưa trái vú sữa Lò Rèn bay cao bay xa hơn nữa.
Đến hành trình xuất ngoại
Cũng giống như trên phim, hành trình đưa trái vú sữa xuất ngoại của nông dân miền Tây cũng gian nan không kém. Và cuối cùng họ cũng gặt hái được thành quả khi cuối năm 2018, hơn 100 ha vú sữa tại Tiền Giang được kiểm soát phân thuốc, bao trái nghiêm ngặt, mỗi năm xuất gần 200 tấn đi Mỹ.
Anh Lê Ngọc Bình (TP Mỹ Tho) cho biết, so với vú sữa cung ứng cho thị trường nội địa, vú sữa xuất ngoại đòi hỏi tiêu chuẩn gắt gao hơn. Chẳng hạn, nông dân phải sử dụng các loại thuốc sinh học theo chỉ định. Trái cũng được “cưng như trứng mỏng”, hai tháng trước khi thu hoạch phải thuê nhân công dùng thang bao từng quả một để chống ruồi vàng đục quả. Khi thu hoạch cũng phải cẩn thận, nhẹ tay để trái không bị cấn, dập vỏ.
Bù lại, một số nhà vườn hiện nay được bao tiêu sản phẩm ổn định và giá luôn cao hơn so với thương lái thu mua bán trong nước khoảng 30%.
Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Đại Lâm Mộc (Tiền Giang) cho biết, đây là năm thứ hai đơn vị thu mua vú sữa của nông dân xuất ngoại. Công ty đang bao tiêu cho gần 30 ha vú sữa của 40 hộ nông dân trên địa bàn. Đến nay, đơn vị đã xuất thành công lô vú sữa thứ hai sang Mỹ và được phía đối tác phản hồi tốt.
“Do hiện nhà vườn có diện tích cây vú sữa nhỏ, manh mún, xen lẫn với các loại cây ăn quả khác, nên việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn”, ông Hiếu nói.
Cũng theo đơn vị này, nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách bán hoặc cho thuê một số diện tích đất lớn để quy hoạch vùng nguyên liệu bền vững.
Theo ông Võ Văn Men, Chi cục phó Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Tiền Giang, tỉnh hiện có khoảng 500 ha vú sữa giống Nâu và Lò Rèn tại các huyện Châu Thành, Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Từ tháng 9.2017, lô vú sữa đầu tiên ở Tiền Giang chính thức được nhập vào thị trường Mỹ với số lượng trên 170 tấn. Năm 2018, tỉnh cũng sẽ xuất đi khoảng trên 200 tấn.
Hiện tại, Tiền Giang đã quy hoạch trên 100 ha vùng trồng nguyên liệu được cấp mã code, đồng thời hỗ trợ gần một triệu túi bao trái cho nông dân.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nông dân, việc sử dụng túi bao trái cũ gặp nhiều bất lợi do không thể thấy và phát hiện khi nào trái chín, nhiều trường hợp trái bị thối. Hiện tại, nhiều nông dân đã chuyển sang dùng loại túi bao trái mới bằng nhựa trong suốt tiện lợi hơn.
“Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để người trồng vú sữa sạch có lợi nhuận cao hơn đáng kể so với kiểu làm truyền thống mới mong thu hút người dân”, ông Men nói.