dd/mm/yyyy

Vì sao giá bưởi da xanh, cam sành đang giảm mạnh?

Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, giá nông sản đối với nhiều loại quả có múi ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh, nhất là bưởi da xanh và cam sành.

Theo báo cáo này, một trong những nguyên nhân khiến giá nông sản các loại trái cây trên giảm là do tháng 11.2018 là thời điểm thu hoạch của nhiều loại cây có múi như cam, bưởi, quýt tại nhiều tỉnh trên cả nước. Hơn nữa, điều kiện thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, sản lượng trái cây có múi đều tăng so với năm trước.

Bưởi da xanh đang trên đà giảm giá. (Ảnh: I.T)
Bưởi da xanh đang trên đà giảm giá. (Ảnh: I.T)

Tại khu vực ĐBSCL, giá bưởi da xanh giảm mạnh. Hiện thương lái đến tận vườn thu mua loại bưởi 1 (mã đẹp, trọng lượng từ 1,4-1,8 kg/quả) với giá 32.000 – 35.000 đồng/kg, loại 2 chỉ từ 20.000 – 23.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với 2 tháng trước.

Bưởi da xanh giảm giá là do nhiều nguyên nhân như bưởi trái không đạt, thị trường Trung Quốc cũng có bưởi nên hạn chế mua hàng của Việt Nam. Ngoài ra, bưởi da xanh còn bị cạnh tranh với một số trái cây có múi khác như cam, quýt hiện cũng đang ở mức giá thấp.

Giá cam sành tại ĐBSCL liên tiếp sụt giảm. Hiện, giá cam sành tại đây chỉ ở mức 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá giảm là do hiện nay vào thời điểm thu hoạch trái cam sành, trong khi rất ít thương lái tìm mua. Đó là chưa kể, vì muốn thu lợi nhuận nhanh, nông dân trồng cam chỉ hơn 1 năm là đã ép cho trái, khiến chất lượng quả không đạt và cây bị bệnh nhiều.

Như vậy, có thể thấy, sự phát triển quá nóng về diện tích trồng cây có múi, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng và các địa phương của nông dân đã bắt đầu xuất hiện những hệ lụy.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, diện tích cây ăn quả tăng tập trung ở nhóm cây có múi (cam, quýt, bưởi). Tính đến tháng 9.2018, diện tích cây có múi trên cả nước đạt 192.700 ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017.

Phần lớn quả có múi chỉ được tiêu thụ nội địa, xuất khẩu không đáng kể. Riêng quả bưởi thời gian qua có xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng qua đường tiểu ngạch vì chưa có trong danh sách các loại quả được Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam. Do đó, nếu tiếp tục phát triển diện tích cây có múi thì tình trạng cung vượt cầu, rớt giá là điều không tránh khỏi.

Trong khi đó, xuất khẩu rau quả vẫn có nhiều tín hiệu khả quan. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 năm 2018 ước đạt 283 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2018 ước đạt 3,5 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Giá cam sành ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng giảm. (Ảnh: I.T)
Giá cam sành ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng giảm. (Ảnh: I.T)

Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 10 tháng năm 2018 với 73,8% thị phần, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 2,41 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 10 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Úc (tăng 36,8%), Hoa Kỳ (tăng 34,7%), Thái Lan (tăng 32,4%), Hàn Quốc (tăng 28,7%) và Trung quốc (tăng 11,3%).

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 11/2018 đạt 137 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 11 tháng năm 2018 đạt 1,57 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 458 triệu USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ 2017 và mặt hàng quả ước đạt 1,09 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 10 tháng năm 2018 là Thái Lan (chiếm 41,3% thị phần), Trung Quốc (chiếm 24,4%).

Trong 10 tháng năm 2018 giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017 ngoại trừ Thái Lan (giảm 17,8%). Trong đó, các thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Chi Lê (tăng 98,3%), tiếp đến là Hoa Kỳ (tăng 90%) và Hàn Quốc (tăng 83%).

Khánh Nguyên