dd/mm/yyyy

Về đất Mường thưởng thức gỏi cá suối

Bỏ lại sau lưng những bộn bề công việc, tôi lại cùng một vài người bạn lên xứ Mường để tìm về cảm giác bình yên và thưởng thức món gỏi cá suối tại chốn thiên nhiên còn mang đậm vẻ núi rừng hoang sơ này.

Vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, chênh vênh một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, chúng tôi cũng đến được một xã vùng sâu vùng xa của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Nhờ sự chỉ dẫn của người dân bản địa, chúng tôi lần theo những con đường mòn, lội qua vài con suối ngập nước đến tận đầu gối để tới bản làng của đồng bào Mường. Sau chừng nửa giờ đi bộ, hiện ra trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà sàn nhỏ, có lẽ đã được dựng lên từ rất lâu rồi.

Dòng suối xanh mát nơi núi rừng (ảnh chỉ có tính minh hoạ, nguồn: Báo Quảng Bình)
Dòng suối xanh mát nơi núi rừng (ảnh chỉ có tính minh hoạ, nguồn: Báo Quảng Bình)

Thấy chúng tôi đang mải miết ngắm cảnh vật thì bác chủ nhà ra mời mọi người vào nhà uống nước và chuyện trò. Được một lúc, anh con trai bác đi từ đâu về mang theo đầy một giỏ cá, bên trong có đủ loại tôm tép, cá nhỏ đến cá to, có những con cá to đến gần hai ký. Thấy chúng tôi tò mò, bác bảo: “nó đi đánh cá suối về đấy”, mùa này nước lên, cá suối nhiều lắm.

Lúc này, trời cũng đã về trưa, bác chủ nhà mời chúng tôi ở lại dùng cơm. Món ăn mà bác thiết đãi chúng tôi là món gỏi cá suối. Để làm được món gỏi cá suối này quả thực không đơn giản chút nào. Nó cần sự tỉ mẩn, cách thức phối trộn các nguyên liệu, mà nguyên liệu chính thì chắc chắn phải có cá suối rồi. Nhưng một yếu tố không kém phần quan trọng đó là các loại rau rừng, cây rừng mà dường như chỉ nơi đây mới có.

Gỏi cá suối - Món ngon của người Mường. (ảnh: tác giả)
Gỏi cá suối - Món ngon của người Mường. (ảnh: tác giả)

Trong lúc chế biến món gỏi này, bác chủ nhà vừa giới thiệu những nguyên liệu, vừa chỉ bảo chúng tôi cách làm. Trước tiên cá suối phải được rửa sạch, đánh vảy rồi lọc thịt, miếng thịt được thấm vào khăn bông cho khô ráo, sau đó mới thái thật mỏng rồi cho vào tô. Phần xương và đuôi cá được xiên nướng trên bếp than cho tới khi chín giòn, tỏa mùi thơm thì đem ra băm nhỏ. Lá sung, lá nhội được hái từ trên rừng về rửa sạch để ráo nước, thái nhỏ.

Tiếp đó, thân cây rì được lấy ở ven suối mang về rửa sạch, sau đó hơ nóng trên bếp than (cách này làm cho vỏ cây dễ cạo ra hơn). Dùng dao cạo xung quanh thân cây rì sẽ ra được một thứ bột mịn, thứ bột này có tác dụng chống đau bụng, đi ngoài. Cuối cùng là xoài xanh được rửa sạch để cả vỏ và ruôi ra cho nhuyễn bằng một dụng cụ của người dân nơi đây. Sau khi các nguyên liệu đã được sơ chế thì cho hết vào tô thịt cá đã thái và trộn đều, nêm thêm một ít muối, mì chính cho ngấm gia vị là món ăn hoàn thành.

Khi ăn, gỏi cá suối được cuộn với lá sung hay lá nhội, nhưng ngon nhất là khi cuốn với lá lộc vừng. Gỏi được chấm với nước mắm pha chua cay. Vị ngọt bùi của cá hòa quyện với vị chua của xoài xanh và vị hơi chát của lá cây rừng làm cho bất cứ ai đã một lần được thưởng thức như tôi sẽ khó lòng mà quên được món ăn đậm chất dân dã của người dân nơi này.

Phạm Thị Hương Liên