Tọa đàm này nằm trong khuôn khổ chương trình thực hiện đề tài: "Giải pháp tiếp cận thị trường CHLB Đức đối với sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk".
Đến tham dự tọa đàm, về phía các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương có sự tham dự của NCS.ThS. Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Sóc Trăng, PGS.TS. Chu Tiến Quang, chuyên gia Bộ NNPTNT, PGS.TS. Bùi Thị Nga, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Về phía đối tác, nhà tài trợ có sự tham dự của GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Viện FNF, CHLB Đức tại Việt Nam; TS.Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc, Viện FNF tại Việt Nam.
Ngoài ra, tham dự tọa đàm có các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, các nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu khối quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các trường đại học trong và ngoài nước.
Tọa đàm chia làm 2 phiên. Phiên thứ nhất: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai các hoạt động tiếp cận thị trường xuất khẩu, với hai bài tham luận: Đặc điểm thị trường CHLB Đức và những yêu cầu đặt ra đối với khả năng tiếp cận thị trường của các sản phẩm OCOP Việt Nam – nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Đăk Lăk và Kinh nghiệm của Thái Lan trong việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phiên thứ hai với chủ đề: Thực tiễn triển khai hoạt động tiếp cận thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm OCOP của Việt Nam, với hai bài tham luận: Quy trình tiếp cận thị trường CHLB Đức đối với sản phẩm OCOP Đăk Lăk; Vai trò của ngành KH&CN Sóc Trăng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP và tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Phát biểu khai mạc tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cho biết, phong trào mỗi xã một sản phẩm có khởi nguồn từ Nhật Bản. Phong trào này đã lan tỏa đến rất nhiều quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam, chương trình OCOP là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà trọng là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Chia sẻ thêm tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tính đến tháng 8/2023 tỉnh Sóc Trăng có 184 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đánh giá đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 172 sản phẩm đạt 3 sao của 100 chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh).
Trong những năm qua, tổng hợp từ các nguồn lực cùng sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ chủ động trong triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao, điều đó đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong cải tiến chất lượng sản phẩm cũng như phát triển sản phẩm mới.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Quyết, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, tỉnh Bình Dương nhận định: Hiện nay, khâu tuyên truyền cho các sản phẩm OCOP chưa được mạnh. Trong hệ thống siêu thị chưa có một gian hàng nào dành riêng cho sản phẩm OCOP, muốn có được gian hàng thì phải trả tiền. Ngoài ra, hiện nay nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn nhưng nông dân khó tiếp cận được.
Cũng tại tọa đàm, ông Trần Quốc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Quốc Tín, Sóc Trăng chia sẻ, các sản phẩm của công ty đã có mặt trên thị trường và 13 chuỗi siêu thị Co.opmart các tỉnh, thành trong khu vực.
Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, công ty đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, đồng thời phối hợp với các cơ quan nhà nước, đơn vị nghiên cứu quy trình, kỹ thuật mới để hoàn thiện tiêu chuẩn hàng hóa, chất lượng sản phẩm. Để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của công ty ra thị trường nước ngoài, công ty cũng đã rất tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại ở Nhật Bản, Trung Quốc…