Nông nghiệp nước ta đã và đang phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng.
Nguồn vốn ngân hàng hỗ trợ hiện thực hóa khát vọng làm giầu của chàng trai trẻ
Đến với vùng đất Tuyên Quang vào những ngày giữa thu khí hậu dịu mát, chúng tôi được cảm nhận rõ hơn sức sống, sức vươn lên mãnh liệt của nông sản nơi đây dưới bàn tay chăm chỉ, ý chí quyết tâm của người nông dân và sự đồng hành, trợ lực từ nguồn vốn ngân hàng Agribank.
Vườn dưa lưới được trồng theo hướng công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Sơn Dương GreenFarm tại thôn Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được hình thành từ ý chí và tâm huyết của chàng trai 9x không ngại gian khó, đam mê với nghề nông Nguyễn Việt Lâm và sự đồng hành của Agribank Sơn Dương - Tuyên Quang. Hướng đi mới của anh nông dân 9x đã và đang khiến nhiều người thay đổi cách nhìn về quá trình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Bằng đam mê, ý chí và khát vọng mãnh liệt vươn lên làm giầu trên mảnh đất quê hương, anh đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu những tài liệu nước ngoài về khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp, từ đó áp dụng vào thực tế, không ngừng rút kinh nghiệm và sáng tạo trong quá trình sản xuất.
Anh Lâm chia sẻ: Đối với giống dưa lưới, cần được trồng ở vùng núi cao, nơi có khí hậu mát mẻ và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao, từ đó giảm thiểu dịch bệnh đồng thời chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn, dưa sẽ đạt đến độ ngon ngọt tiêu chuẩn. Thời gian đầu khởi nghiệp, anh đã dành tất cả nguồn vốn bản thân và gia đình tự có để trồng nông sản sạch. Cũng có những lúc không thành công, tưởng như không thể vượt qua vì nuôi trồng cây không thành, sản phẩm không đạt chất lượng, vì vận chuyển sản phẩm tới nơi tiêu thụ tại đồng bằng và các vùng lân cận quá khó khăn (do dịch Covid), mà vốn thì đã cạn kiệt… Điều đặc biệt là: thời điểm khó khăn nhất, khi anh đã từng nghĩ đến việc bỏ cuộc vì cạn vốn thì cũng là thời điểm anh nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ ngân hàng Agribank Sơn Dương - Tuyên Quang. Từ nguồn vốn của Agribank, anh và công ty đã tiếp tục phát triển sản xuất và đạt được những kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay. Thời gian tới, anh và ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục đồng hành trong những dự án mở rộng sản xuất mới.
Từ nguồn vốn ngân hàng, từ sự nỗ lực của bản thân, khu trang trại nông nghiệp 4.0 của anh Lâm ngày càng được quy hoạch bài bản, tự động hóa, từ quạt mát, phun sương tưới ẩm đến hệ thống đường ống dẫn nước lập trình sẵn, có cảm biến để điều hòa độ ẩm, mực nước. Hệ thống nhà màng nông nghiệp đủ sức che nắng che mưa cho cây trồng, đồng thời ngăn chặn sự tấn công của côn trùng. Toàn bộ chế độ dinh dưỡng chăm sóc cho cây trồng được quản lý bằng hệ thống tự động hoàn toàn. Cây dưa lưới được trồng trên xơ dừa ứng dụng công nghệ thủy canh Isarel, được kiểm soát nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bằng hệ thống tự động. Doanh thu hàng năm từ vườn dưa của anh lên đến hàng tỷ đồng. Công việc tại trang trại cũng tạo việc làm thường xuyên cho 7 người, chủ yếu là lao động nữ ở địa phương. Sản phẩm dưa lưới mang thương hiệu của công ty đã có mặt tại nhiều chuỗi cửa hàng sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh và các thành phố Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Bằng nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ từ ngân hàng, từng bước phát triển, anh Nguyễn Việt Lâm đã hiện thực hóa khát vọng làm giầu trên mảnh đất quê hương.
Nguồn vốn ngân hàng hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Đến với đồi chè xanh hữu cơ Trung Long đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của Hợp tác xã Ngân Sơn - Trung Long, chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn những nương chè xanh ngút tầm mắt, đầy sức sống, mang no ấm về với người dân. Cây chè đã phát triển trên mảnh đất này từ lâu (phải từ những năm 1977), nhưng thời gian đầu vì kỹ thuật chăm bón và cây giống chưa tốt nên năng suất và chất lượng của sản phẩm chè nơi đây chưa cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều thời điểm, người nông dân đã chuyển sang trồng loại cây nông nghiệp khác. Tuy nhiên thổ nhưỡng của vùng đất này vẫn phù hợp với cây chè hơn cả, bởi khi tìm được giống cây phù hợp, cùng với kỹ thuật chăm sóc tốt, cây chè đã phát triển tốt và cho sản phẩm thơm ngon đặc biệt.
Để phát triển sản xuất tập trung, khẳng định thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho cây chè, các hộ dân đã liên kết thành lập Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long cho biết: hợp tác xã hiện có 8 thành viên chính thức và 32 thành viên liên kết, với tổng diện tích sản xuất trên 20 ha chè an toàn, trong đó có 5,5 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất 15,1 tấn/ha, doanh thu bình quân đạt 3 tỷ đồng/năm. Có được kết quả trên nhờ sự nỗ lực của bà con nông dân cùng sự hỗ trợ của nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nông nghiệp. Nguồn vốn ngân hàng Agribank đã hỗ trợ bà con đầu tư về cơ sở vật chất, hệ thống tưới tiêu hiện đại, cây giống tốt và kỹ thuật chăm bón phù hợp. Từ đó năng suất, chất lượng cây chè được nâng cao, đời sống người dân được đảm bảo.
Cũng như HTX chè Ngân Sơn - Trung Long, HTX Hợp Hòa với sản phẩm chủ lực trà cà gai leo cũng có bước phát triển đáng ghi nhận từ nguồn vốn ngân hàng. Trà cà gai leo HTX Hợp Hòa đã được công nhận sản phẩm đạt 4 sao OCOP.
Mặc dù cây cà gai leo khá dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, phát triển quanh năm nhưng vì trước đây đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định nên có những thời điểm người dân đã phá bỏ cây cà gai leo để trồng cây khác. Nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn của cây cà gai leo, có thể giúp nhân dân trong xã thoát nghèo và vươn lên cuộc sống ổn định hơn. HTX dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa kiên trì tự tìm kiếm đầu ra cho vùng nguyên liệu của mình, quyết tâm giữ lại truyền thống trồng cây dược liệu quý này tại địa phương. Cùng với tìm kiếm đầu ra cho nguyên liệu thô, HTX đã không ngừng học hỏi, sáng tạo. Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, HTX đã sản xuất thành công và cho ra đời sản phẩm trà cà gai leo Hợp Hòa.
Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chế biến nông lâm, lâm nghiệp Hợp Hòa cho biết: Hành trình phát triển sản phẩm trà cà gai leo của HTX đã trải qua những thăng trầm nhất định. Có những thời điểm HTX đã tìm được đầu ra cho sản phẩm nhưng gặp khó khăn ở vùng nguyên liệu bởi người nông dân thời điểm đó không còn mặn mà với cây cà gai leo do đầu ra bấp bênh, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn tới số lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường. Trong thời điểm đó, anh đã tìm đến ngân hàng Agribank vay vốn và được hỗ trợ. Nhờ nguồn vốn của ngân hàng, HTX đã hỗ trợ bà con yên tâm phát triển vùng nguyên liệu, giúp chuỗi sản xuất được liên tục, đảm bảo số lượng sản phẩm đầu ra ổn định đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cây cà gai leo đã thực sự mang đến cho người dân nơi đây một cuộc sống tốt hơn so với việc trồng những loại cây trồng khác, bởi cây cà gai leo mang lại giá trị kinh tế cao hơn, cao gấp ba lần so với trồng lúa trên cùng diện tích. Cây cà gai leo cho người nông dân thu hoạch 2 vụ/năm, mỗi vụ hơn 9 triệu đồng/sào. Đặc biệt, cây cà gai leo có thể tái sinh sau khi thu hoạch và duy trì gốc từ 3 đến 5 năm, mỗi năm thu hoạch từ 2 đến 3 đợt. Từ cây cà gai leo, đời sống của người nông dân đã được đảm bảo, ổn định và phát triển.
Agribank – ngân hàng chủ lực đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn
Vườn dưa lưới, đồi chè hay vườn cà gai leo… là những ví dụ cụ thể về nguồn vốn Agribank đã hỗ trợ tích cực cho sự phát triển nông nghiệp của địa phương. Trên khắp dải đất hình chữ S, nơi đâu có nhu cầu về vốn cho sự phát triển của nông nghiệp, nơi ấy có sự hỗ trợ của đồng vốn ngân hàng Agribank. Agribank luôn dành 60 - 70% tổng dư nợ đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn. Nguồn vốn Agribank luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Ngoài các mục tiêu chung về tín dụng và đảm bảo nền kinh tế vĩ mô, Agribank còn thực hiện hiệu quả 7 chương trình chính sách tín dụng, đóng góp vào kết quả của chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Bá Thành - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Tuyên Quang khẳng định: Agribank chi nhánh Tuyên Quang là ngân hàng chủ lực đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhà, với tổng dư nợ dành cho lĩnh vực nông nghiệp là trên 70% tổng dư nợ. Nguồn vốn Agribank hỗ trợ phát triển có hiệu quả đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao, những sản phẩm OCOP. Agribank không chỉ hỗ trợ về nguồn vốn mà còn đồng hành với bà con trong quá trình sử dụng đồng vốn đối với việc nuôi trồng, chăm sóc, phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Nguồn vốn Agribank đã tích cực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế địa phương.
Agribank có chính sách cho vay theo từng sản phẩm riêng biệt, theo từng lĩnh vực, ngành hàng phù hợp với quá trình sản xuất, chế biến từng loại cây trồng, vật nuôi; từng bước chuyển dần sang đầu tư theo mô hình khép kín, trọn gói từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến khâu thu mua, chế biến, xuất khẩu. Agribank đã hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp phát triển các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao, đồng thời giúp người nông dân đủ lực để tham gia vào chuỗi sản xuất lớn. Nguồn vốn cho vay của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa lớn như vùng cây ăn quả ở Bắc Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, vùng lúa xuất khẩu ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cây cao su, cây điều, cây cà phê ở Tây Nguyên…
Với lợi thế mạng lưới rộng khắp trên mọi vùng miền của đất nước từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng tới vùng núi và tới tận các huyện đảo xa xôi, cùng với việc tích cực thực thi các chương trình tín dụng chính sách, các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng, Agribank đã và đang góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.