dd/mm/yyyy

Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP

Sơn La khai thác tiềm năng kinh tế số trong quảng bá sản phẩm OCOP, hướng đến phát triển kinh tế góp phần xây dựng nông thôn mới.

Clip: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP

Khai thác tiềm năng kinh tế số quảng bá sản phẩm OCOP

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, lai tạo các giống mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đến nay toàn tỉnh Sơn La có 5.917 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương. Toàn tỉnh có 110 sản phẩm OCOP, tiêu biểu như sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất, Trà vỏ cà phê; Cá Tép dầu; Chè Trọng Nguyên; các sản phẩm Mận sấy; Trà Xanh mây; Hồng giòn sấy dẻo….

Chuyển đổi số tác động tích cực đến mức tiêu thụ sản phẩm OCOP cả nước; từ đó, tạo động lực cho các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Một khi dây chuyền sản xuất đã đáp ứng nhu cầu về lượng lẫn chất, các hộ doanh nghiệp sẽ nhanh chóng gia tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và cải thiện đời sống cho bà con nông thôn.

Với những nhu cầu cấp thiết đặt ra, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Sơn La đã tổ chức Diễn đàn chuyển đổi số trong Truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với nội dung "Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP". Diễn đàn đã tập trung thảo luận về: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; kinh tế số từ góc nhìn của thương mại điện tử và quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số. Đồng thời, các chuyên gia đã giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các chủ thể OCOP trong việc vận hành bán hàng trên nền tảng số.

Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Diễn đàn chuyển đổi số trong Truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với nội dung "Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP". Ảnh: Văn Ngọc

Đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cho biết: Trung ương Đoàn tiếp tục đồng hành với các tỉnh, thành đoàn, đơn vị liên quan tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tập huấn chuyên sâu về Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", trong đó có nội dung chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm OCOP hiệu quả, đặc biệt là tham gia thương mại điện tử và bán hàng online.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Cầm Thị Huyền Trang, Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La cho biết: Việc ứng dụng, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số, trên các trang mạng xã hội thôi thấy rất hiệu quả. Thông qua các hội nghị tập huấn, thông qua các diễn đàn nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng bán hàng cho người dân. Qua những sự kiện như này chúng tôi mong muốn định hướng được tư duy, nhận thức của người dân liên quan đến việc chuyển đổi số trong việc quảng bá nông sản của địa phương. Qua cái sự kiện Diễn đàn:"Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP" chúng tôi mong muốn là đối tượng luôn là tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng chuyển đổi số trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Hà Văn Đại, bản lưng, xã Chiềng En, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Gia đình tôi có hơn 4 ha đất trồng trên 200 cây nhãn miền thiết. Qua buổi tập huấn ngày hôm nay thôi thấy rất hiệu quả, việc tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số, các trang mạng xã hội sẽ thuận tiện hơn, giá cả được ổn định hơn, giúp người nông dân có thu nhập ổn định. Việc kinh doanh buôn bán không phụ thuộc nhiều vào thương lãi.

Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Sơn La Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Khai thác tiềm năng kinh tế số phát triển nông nghiệp bền vững 

Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La thông tin: Toàn tỉnh đã được cấp 281 mã số vùng trồng với diện tích 4.608,45 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đang hỗ trợ duy trì, phát triển 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; tiếp tục triển khai 7 dự án hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 110 sản phẩm OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: Xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Mộc Châu. Xây dựng và hình thành 01 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu nâng diện tích cây trồng áp dụng VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương đạt 13.179 ha vào năm 2025. Tiếp tục xây dựng quản lý, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; duy trì bền vững các sản phẩm nông sản gắn với các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao...

Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

Thời gian tới tỉnh Sơn La sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Để góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP tỉnh Sơn La trong giai đoạn tới, Sơn Lá sẽ nhiều giải pháp đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý vận hành chương trình, nhất là khâu quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển thương mại sản phẩm OCOP đã được đánh giá phân hạng. Trên cơ sở đó giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, tin tưởng nhiều hơn về chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh đang được phân phối trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm OCOP từ các ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh. 

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh