dd/mm/yyyy

Thay đổi tập quán chăn nuôi vịt đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con

Mô hình nuôi vịt bầu Quỳ thương phẩm đã đổi mới cách nghĩ, cách làm trong chăn nuôi của bà con nông dân từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi tập trung, quy mô, có đầu tư về kinh tế, kỹ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Gia đình chị Vi Thị Tâm là hộ tiên phong tham gia mô hình nuôi vịt bầu Quỳ thương phẩm ở bản Cáng, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Chị cho biết, trước đây, gia đình chủ yếu nuôi theo cách truyền thống, chăn thả tự do và ít khi tiêm phòng dịch bệnh, dẫn đến tình trạng chăn nuôi năm được, năm mất.

“Từ khi được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tập huấn áp dụng kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, tư vấn lựa chọn con giống,… gia đình đã thay đổi thói quen chăn nuôi cũ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật để đàn vịt sinh trưởng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, chị Tâm chia sẻ.

Thay đổi tập quán chăn nuôi vịt đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con - Ảnh 1.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Nghệ An kiểm tra mô hình nuôi vịt bầu quỳ tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp.

Vịt bầu Quỳ là giống vịt bản địa, có khả năng sinh sản và cho chất lượng thịt, trứng thơm ngon, độ dinh dưỡng cao. Trước đây, do tập quán chăn nuôi của bà con còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính chất tự cung, tự cấp, việc tiêm phòng vắc xin chưa tuân thủ theo khuyến cáo nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Ngoài ra, do giống vịt này nhỏ, chậm lớn hơn các loại vịt lai nên dần mai một.

Để bảo tồn giống vịt bầu Qùy và chuyển giao phương thức chăn nuôi vịt hiệu quả cho các hộ nông dân, nhằm thúc đẩy kinh tế hộ cũng như kinh tế của địa phương, năm 2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Qùy Hợp phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã triển khai mô hình nuôi vịt bầu Quỳ thương phẩm tại xã Châu Đình.

Thay đổi tập quán chăn nuôi vịt đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con - Ảnh 2.

Mô hình nuôi vịt bầu Quỳ thương phẩm mang lại hiệu quả kinh kế cao

Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 6 năm 2021, quy mô 500 con với sự tham gia của 3 hộ dân bản Cáng, xã Châu Đình. Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ về con giống, thức ăn, thuốc thú y, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách xây dựng chuồng trại, vệ sinh sát trùng và các biện pháp phòng bệnh cho vịt theo hướng an toàn sinh học.

Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của trung tâm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Khẩu phần ăn của vịt, kết hợp giữa thức ăn cám công nghiệp với thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp nên đàn vịt có tỷ lệ sống cao. Sau 3 tháng triển khai mô hình, tỷ lệ vịt sống đạt 95%; trọng lượng trung bình đạt từ 2,2 kg/con. Giá bán trung bình 80.000- 90.000đ/kg, lãi gần 30 triệu đồng.

Bà Lê Thị Ngọc, Chuyên viên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: “Ngoài giá trị kinh tế mang lại thì mô hình đã thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi tập trung, quy mô, có đầu tư về kinh tế, kỹ thuật, chăn nuôi mang tính chất hàng hóa cho bà con. Từ thành công của mô hình, trong thời gian tới các địa phương sẽ tuyên truyền cho bà con đưa giống vịt bầu Qùy vào chăn nuôi, đem lại thu nhập cao. Đặc biệt, duy trì bảo tồn và phát triển nguồn giống vịt địa phương”.


Thu Hiền