dd/mm/yyyy

Mang màu xanh ấm no đến bản biên giới Phiêng Cài

Người dân bản Phiêng Cài nỗ lực thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ngày càng tươi đẹp hơn.

Clip: Mang màu xanh ấm no đến bản biên giới Phiêng Cài

Người dân bản Phiêng Cài ấm no từ thay đổi phương thức sản xuất

Để trở thành bản đầu tiên của xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đạt chuẩn nông thôn mới, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ nhiệt tình của các lực lượng chức năng, nhất là các chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, người dân ở bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng đã nỗ lực thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi  cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng ngày càng tươi đẹp hơn.

Mang màu xanh ấm no đến bản biên giới Phiêng Cài - Ảnh 2.

Người dân ở bản Phiêng Cài nỗ lực thay đổi phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng ngày càng tươi đẹp hơn. Ảnh: Anh Đức

Gia đình anh Tráng Láo Dia, bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, Mộc Châu, tỉnh Sơn La có 3ha đất canh tác trên đất dốc được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và chè từ năm 2016. Cây trồng chủ yếu của gia đình anh là Chanh leo- loại cây rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này. Chanh leo nếu chịu khó thăm vườn, cắt tỉa lá để cây có đủ ánh sáng, kết hợp chăm sóc hợp lý theo khoa học kỹ thuật thì có thể cho thu quả đến kéo dài đến vài năm. Sau 6 năm chuyển đổi, kinh tế gia đình anh Dia đã có nhiều đổi thay tích cực, thu nhập mỗi năm đã tăng lên đến 200 triệu đồng. Anh Dia vẫn nhớ như in những khó khăn của giai đoạn trồng cây lương thực trên đất dốc trước đây. Nhưng giờ đây cuộc sống gia đình anh đã thay đổi, đó là chủ chương, chính sách đúng của Đảng và Nhà nước.

"Trước kia gia đình tôi trồng ngô trồng lúa thì kinh tế không ổn định. Mỗi năm phải đầu tư một lần nhưng mà giá cả không ổn định có năm thì được giá năm thì không được giá. Thời tiết cũng không ủng hộ cũng có năm mất mùa đầu tư phần giống thuốc thang cũng khá là nhiều và tốn kém. Sau khi được vận động tuyên truyền, gia đình tôi chuyển đổi sang trồng cây chanh leo thì hiệu quả kinh tế thay đổi rõ rệt đối với cây chanh leo thì tôi chỉ cần đầu tư một năm được thu khoảng hai đến ba năm", anh Dia nói.

Mang màu xanh ấm no đến bản biên giới Phiêng Cài - Ảnh 3.

Mang màu xanh ấm no đến bản biên giới Phiêng Cài - Ảnh 4.

Gia đình anh Tráng Láo Dia, bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, Mộc Châu, tỉnh Sơn La có thu nhập ổn định từ chuyển đội cơ cấu cây trồng. Ảnh: Anh Đức

Cũng như gia đình anh Dia, gia đình anh Tráng Nếnh Pó, bản Phiêng Cài, Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La cũng là một trong những hộ đầu tiên của bản Phiêng Cài xã Lóng Sập chuyển đổi từ cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo. Năm 2016 và 2017  khi có chủ trương hỗ trợ của xã Lóng Sập và Đồn biên phòng, anh đã mạnh dạn trồng 600 gốc chanh leo trên mảnh nương gần nhà, trung bình mỗi năm đã cho thu nhập gần 200 triệu. Nhờ cây chanh leo, kinh tế gia đình đã khá giả hơn, có thêm điều kiện để trang trải cho cuộc sống và mua đất, làm nhà.

"Sắp tới gia đình mình sẽ dễ trồng thêm 600 đến 700 gốc cây chanh dây vì trồng cây chanh dây này cũng rất dễ thôi không như cây ngô đầu tư rất nhiều nhưng bán ra lại không được tiền.  Cây chanh dây này đầu tư nhiều nhưng bán ra lại được tiền nhiều hơn nữa, thị trường mà mua giá cao như mọi năm trước thì vợ chồng mình thu nhập có thể được 250 đến 300 triệu trên một năm" anh Pó nói.

Mang màu xanh ấm no đến bản biên giới Phiêng Cài - Ảnh 5.

Mang màu xanh ấm no đến bản biên giới Phiêng Cài - Ảnh 6.

Gia đình anh Tráng Nếnh Pó, bản Phiêng Cài, Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La trồng cây chanh leo để nâng cao thu nhập. Ảnh: Anh Đức

Bản Phiêng Cài nay đã "thay da đổi thịt"

Trao đổi với phóng viên, Đại úy Cầm Bá Thành Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La cho biết: Bản Phiêng Cài có 88 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Bản có diện tích canh tác lớn khoảng 200 ha, tuy nhiên trước đây người dân vẫn quen với phương thức sản xuất cũ nên tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Đến năm 2016, thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập đã mang cây chanh leo đến cho bà con trồng thử nghiệm. Không chỉ cung cấp cây giống, Đồn biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập còn cử cán bộ, chiến sĩ đến tận vườn hướng dẫn bà con cách chăm sóc, thu hoạch và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

"Qua công tác nắm địa bàn thì Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn nhận thấy bản Phiêng Cài rất có tiềm năng phát triển cây ăn quả trên đất dốc nên chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng. Đồng thời, tìm mua giống chanh leo, hỗ trợ bà con cách chăm sóc, tìm đầu mối thu mua để tiêu thụ cho bà con. Sau một thời gian thấy mô hình phát triển rất tốt. Đến nay bà con đã tự biết cách trồng và chăm sóc chanh leo góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương", Đại úy Cầm Bá Thành nói.

Thấy được hiệu quả kinh tế, nhiều hộ trong bản cũng mạnh dạn chuyển đổi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay bản Phiêng Cài có tổng diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp trên 120 ha, trong đó chanh leo chiếm 40 ha, mận hậu là 20 ha cùng với hơn 30 ha chè và nhiều loại cây ăn quả khác. Nhờ đó, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đến 40% so với năm 2014.

 Ấm no ở bản biên giới Phiêng Cài - Ảnh 7.

 Ấm no ở bản biên giới Phiêng Cài - Ảnh 8.

Kinh tế phát triển, bản làng "thay da đổi thịt", đời sống người dân ấm no cũng đã mang lại ổn định cho bản biên giới Phiêng Cài. Ảnh: Anh Đức

Ông Tráng A Tủa, Trưởng bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Bà con tích cực phấn đấu trồng cây ăn quả để có thu nhập ổn định đóng góp xây dựng bản làng để đạt chuẩn nông thôn mới và xây dựng đời sống ấm no hơn. Chuyển đổi cây lương thực trên đất dốc sang trồng cây ăn quả giúp thay đổi đời sống bà con. Bà con còn có điều kiện đóng góp xây dựng đường giao thông và làm điện chiếu sáng để bản đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.

Kinh tế phát triển, bản làng "thay da đổi thịt", đời sống người dân ấm no cũng đã mang lại ổn định cho bản biên giới Phiêng Cài. Góp phần thực hiện hiệu của Nghị quyết của BTV Huyện ủy Mộc Châu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, củng cố hệ thống chính trị 10 bản giáp biên giới phức tạp về an ninh trật tự, mang đến sự bình yên nơi vùng cao biên giới Mộc Châu.

PV Tây Bắc